Mùa hạ oi ức, bầu trời trong xanh không một gợn mây, mặt trời chói chang rọi xuống thôn xóm nhỏ hẻo lánh.
Trên cây, ve sầu ra rả gọi hè, dưới gốc cây, con vàng nằm thìu thiu, thè lưỡi thở dốc.
Cả thôn như muốn tan chảy trong nắng, yên ắng như tờ, chẳng một bóng người.
Bên cạnh ngôi nhà chính của nhà họ Thư có một căn nhà thấp bé cũ nát, Thư Mạn nằm bất động trên chiếc giường ọp ẹp được kê bằng một viên gạch.
Nhìn qua tấm màn tuyn vá chằng vá đụp, có thể thấy thân hình cô gầy gò, ốm yếu, khuôn mặt trắng bệch lấm tấm mồ hôi, hai mắt nhắm nghiền, lông mày nhíu chặt, theo nhịp lắc lư của đầu, hai tay cô vung vẩy trong không trung…
Bỗng nhiên, Thư Mạn kêu lên một tiếng thất thanh, bật dậy khỏi giường.
Cô tham lam hít thở từng ngụm khí trời trong lành, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, cả người như vừa được vớt lên từ dưới nước.
Dần dần, cô cảm thấy mình như sống lại, ngẩng đầu nhìn xung quanh, kinh ngạc: Sao nơi này quen thuộc thế nhỉ, hình như là căn phòng của tôi ở nhà họ Thư trước khi lấy chồng?
Bỗng nhiên, cánh cửa gỗ mục nát bị đẩy mạnh ra, bà nội Vương bưng một bát cháo loãng bước nhanh vào, lo lắng hỏi: “Thư Mạn, Thư Mạn, cháu sao vậy?”
Thư Mạn ngẩng đầu nhìn khuôn mặt khỏe mạnh, hồng hào của bà nội Vương, mừng rỡ hỏi: “Bà nội, bà khỏi bệnh rồi sao? Hay quá, hay quá!”
Bà nội Vương hiền từ mỉm cười: “Con bé này, nói lung tung gì thế? Bà có bị bệnh đâu, cháu sốt 3 ngày rồi, mê sảng rồi phải không?”
Thư Mạn kinh ngạc nhìn bà: Cháu sốt 3 ngày rồi ư?
Khi nhìn rõ căn phòng mình đang ở, trong lòng cô kinh hãi như vừa trải qua trận động đất cấp 10: Đây hình như đúng là căn phòng của cô và bà nội.
Trời ơi, chẳng lẽ cô đã trọng sinh rồi sao?
Cô bắt lấy cánh tay bà nội Vương, kích động hỏi: “Bà nội, năm nay là năm mấy?”
Bà nội Vương ngạc nhiên, bà cũng chẳng biết nữa.
Bà là một bà lão nông thôn, nào còn để ý xem bây giờ là năm nào, chỉ cần có cái ăn là được rồi.
Thấy Thư Mạn sốt ruột, bà đành an ủi: “Cháu đợi chút, trong phòng khách có lịch treo tường, bà đi lấy cho cháu xem.
Phải rồi, cháu uống bát cháo này đi, cháu nhịn đói 3 ngày rồi đấy.
”
Nói xong, bà Vương đi ra ngoài.
Thư Mạn nhìn theo bóng lưng bà, đầu óc bỗng đau như búa bổ, một dòng ký ức như thác lũ ùa về.
Năm đó, cô 26 tuổi, bà nội bệnh nặng, cô bất đắc dĩ phải rời khỏi thôn Tam Nguyên nơi mình đã sống nhiều năm, lên Vân thành làm thuê kiếm tiền, mong muốn cứu sống bà nội.