Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 496: Thiên Hạ Chấn Động



Trận chiến Huyền Võ pha mở màn bằng thảm bại của đại kích sĩ.

Nối liền theo đó, là cuộc đại phản kích của Lệ Chi sơn.

Cao Tử Trọng, Chu Văn Võ, Tô Nghiên Đình mỗi người dẫn theo một cánh quân, từ trên núi tràn xuống đánh thẳng vào doanh trại của đối thủ.

Trình Chân Kim vội vàng xách song chùy, dẫn Đinh Bật, Vũ Văn Hiên ra ngoài nghênh chiến. Hoàng Thanh Nhàn dẫn binh mã Bạch Đế tiếp tục chơi trò làm bình vôi, le ve qua lại giữa chiến trường. Có thể nói hô to gọi nhỏ, phất cao lá cờ thì quân Bạch Đế tuyệt đối là hăng hái nhất. Còn cầm đao thương hua được mấy cái toàn lực thì ngoại trừ trời đất quỷ thần cũng chỉ còn chính bọn họ là biết rõ.

Giữa lúc chiến đấu đang hăng, Đặng Tiến Đông đột nhiên xách côn xuất hiện.

Một ngọn Xích Diễm Hồng Anh thương đục thẳng vào tiền tuyến đã khiến Trình Chân Kim cơ hồ nghẹt thở, bấy giờ lại có thêm một thanh Vân Hải Trấn Thiên côn đập loạn ở hậu phương.

Sau khi Bạch Mã Hầu tham chiến, không đến nửa canh giờ, sĩ khí quân triều đình suy sụp toàn diện.

Trận chiến này…

Đinh Bật dẫn một nửa bộ khúc cũ cùng với nhân mã châu Hỷ Phượng rút lui ba trăm dặm về hướng nam, theo sau có Lý Quỷ, Liễu Trường Thanh.

Vũ Văn Hiên dẫn nửa bộ khúc còn lại, cùng với viện binh châu Kim Quy chạy hai trăm dặm về phía đông.

Binh mã thành Bạch Đế tự chủ động lui về đông nam trăm dặm.

Trình Chân Kim bị thương, tự mình tháo chạy, không rõ tung tích. Hoàng Thanh Nhàn bị Đặng Tiến Đông bắt sống giữa đám loạn quân.

Quân Lệ Chi sơn giành được thắng lợi tuyệt đối.

Mười ngày sau, Trương Do Cơ cuối cùng cũng tìm được Đinh Bật, cái chết của Nho Tướng Vân Tiêu Mạc cũng theo đó mà truyền về Cổ Long thành.

Chỉ một nháy mắt đó, thiên hạ kịch chấn.

Ngày thứ ba sau khi trận đánh Huyền Võ pha hạ màn, Hữu Tiền liên minh đột nhiên phái người đến núi Lệ Chi.

Sau đó không bao lâu, vô số thuyền hàng từ khắp các nơi trên Huyền Hoàng giới đổ về. Đồng thời, chuyên gia của Nhất Phẩm Phường cũng từ Táng Thi đinh, xuyên qua Nhất Tuyến Nam Thiên vào Đại Việt, sau đó bắt đầu vượt núi băng sông lao đến Lệ Chi sơn. Chưa cần đến nửa tháng, Hữu Tiền liên minh đã chọn được một cái hồ, cho xây dựng rầm rộ.

Thế là, một thế lực Nhất Phẩm mới xuất hiện trong vùng đầm nước tám trăm dặm trực thuộc núi Lệ Chi – Nhất Phẩm Tạ.

Thiên Cơ các thì liên tiếp nhận được yêu cầu muốn mua tình báo về trận chiến hôm đó. Chẳng mấy chốc mà một tin lông gà vỏ tỏi về trận Huyền Võ pha cũng bị thổi giá gấp năm sáu mươi lần bình thường. Một vài phân các ở các thành, châu lớn vì nhận quá nhiều yêu cầu cùng lúc mà quá tải, gần một phần ba nhân viên bất tỉnh trong lúc làm việc.

Mạc Vấn một trận chiến thành danh, tiếng tăm của Manh Quỷ Tài lần nữa xuất hiện trong con mắt của toàn bộ các thế lực lớn ở Huyền Hoàng giới. Huyền Võ chi chiến cũng thoắt cái trở thành chủ đề được tranh cãi kịch liệt trong các thư viện, nhất là giới chủ tu binh đạo. Ai cũng lấy làm tò mò, không hiểu Mạc Vấn đã điều kỵ binh đến Huyền Võ pha ngay dưới mí mắt của trinh sát địch thế nào.

Đồng thời…

Sự xuất hiện của Tô Nghiên Đình trên chiến trường, sự tái hiện của binh chủng tưởng như đã tận diệt trên Huyền Hoàng giới – kỵ binh – cũng trở thành chủ đề nóng sốt.

Đại Tề là phản ứng sớm nhất, lập tức gán tội phản quốc cho Tô Nghiên Đình, đồng thời ngỏ ý cùng Đại Việt phát binh đánh Lệ Chi sơn.

Đại Yến cũng công khai tuyên bố ủng hộ hành động của Hải Đại Quý, đồng thời thảo hịch văn, nói Lệ Chi sơn chính là tàn dư của Bắc Lĩnh tam quốc năm xưa, muốn mượn đại tranh chi thế để tro tàn lại cháy.

Bốn nước còn lại đều tạm thời án binh bất động, chỉ là nguyên nhân không giống nhau.

Đại Hàn là vì quan hệ với Kiếm Trì.

Đại Thục kể từ sau cái chết của Quan Vân Phi vẫn luôn là nước không nổi bật, im lìm như cái bóng.

Đại Hoàng thì quốc quân ám nhược, đương nhiên không dám nhiều lời.

Về phần Đại Sở, thì một phần do hiện giờ quốc lực yếu kém, một phần cũng là vì sự thúc đẩy của Thượng Quan Trường Không.

Ngoài ra, một trong ba cự đầu của Táng Thi đinh, thế lực được quân đội bảy nước hậu thuẫn: Quân Doanh đột nhiên phái người tấn công các cứ điểm của Lệ Chi sơn, cũng cho người nhắm vào bất cứ ai có ý định đầu nhập núi Lệ Chi. Thế là bất tri bất giác, bầu không khí trong Táng Thi đinh trở nên vô cùng căng thẳng, sặc mùi thuốc súng.

Song…

Không ở đâu mà thế cuộc lại rung chuyển dữ dội bằng ở Đại Việt.

Vây cánh của thái sư Trương Hạc trong triều không ngừng lọt vào phản kích dữ dội. Trong đó, dẫn đầu có thể kể đến thái tử Lê Tam Thành, đại trưởng lão của Lý gia – Lý Huyền Cơ – người vừa được phong làm Thượng Thư Gián Nghị, Binh Bộ thượng thư Lâm Doãn Hành. Châu chủ hai châu Ngọc Lân, Hỷ Phượng cũng dâng tấu kể tội.

Lý Thanh Minh tuy được nói đỡ bằng một câu “trẻ người non dạ”, nhưng vì hành động tháo chạy của Trình Chân Kim mà uy tín trong triều cũng rung chuyển.

Dù sao, vừa mới hôm trước, Cửu Tiêu Hầu Vân Trọng Mạc – gia chủ hiện giờ của Vân thị – lần đầu tiên sau hai mươi năm đến Cổ Long thành.

Thế là…

Trư Đế Lê Dực tuyên chỉ, để Hồ Ma Huyền Nguyệt và thành Bạch Đế tiếp quản chiến trường Lệ Chi sơn.

Đồng thời, Quan Hạ Băng vì bảo vệ Hải Nha có công, được phong làm Trấn Bắc vương, đất phong là năm huyện phía tây thành Tế Kỳ, chặn cứng yết hầu đông tiến của Lệ Chi sơn. Ngoài ra, còn ban cho nàng ta bảo vật Trúc Diệp Quan từng thuộc về quốc mẫu Âu Dương Thiến.

Vật này đặt xuống đất có thể hóa thành nhà cửa thành quách, dung nạp được hơn vạn người. Trong buổi đầu xây thành Bạch Đế, ngoại trừ Ải Thị, Lê Đồ Thành và quân của mình còn sử dụng Trúc Diệp Quan làm chỗ chui ra chui vào nữa.

Ban cho Quan Hạ Băng vật này đương nhiên là muốn xây thành mới, chặn họng không cho Lệ Chi sơn thừa thắng đông tiến.

Đồng thời, lấy thân phận, thiên phú và chiến lực của Ngân Lang Quan Hạ Băng, giờ được sắc phong vương vị, hiển nhiên là có ý muốn lợi dụng nàng ta để cân bằng lại với Linh vương Lý Thanh Minh.

Thánh chỉ vừa ban, ngay sáng hôm sau, Cửu Tiêu hầu vào triều, thỉnh chỉ tiếp quản chiến trường Lệ Chi sơn.

Sau khi biết thánh chỉ đã hạ, quyền lãnh đạo chiến trường đã giao cho Hồ Ma Huyền Nguyệt, Vân Trọng Mạc không nói một tiếng, chỉ tạ ơn rồi đi. Thành vệ quân nói, Cửu Tiêu hầu vừa ra khỏi thành đã cưỡi lên tọa kị là Bích Nhãn Nhai Xải, phóng thẳng về phía Bạch Đế thành.

Lại qua ba ngày…

Chiến báo của chiến trường phía tây truyền về Cổ Long thành.

Ngày đó, khi Hoắc Trường Ca quay về trong tộc, quả nhiên Sơn Trung Man Quốc có dị biến.

Tộc Thiên Thù dẫn quân rời khỏi núi Hoàng Liên, đánh bại quân triều đình, chẳng khác nào một can dầu tưới lên ngọn lửa trong lòng mấy tên tộc trưởng phái chủ chiến. Thế là, tộc Liệp Man dẫn đầu mười ba tộc, tạo thành liên quân, đánh từ phía nam Hoàng Liên sơn mạch đánh ra.

Bọn hắn đoán được châu Hỷ Phượng sẽ phái binh tiếp viện chiến trường Lệ Chi sơn…

Cũng đoán được Trình Chân Kim sẽ đánh chặn lối lần trước Thiên Thù tộc sử dụng.

Thế nhưng, bọn chúng lại không ngờ, có một người đoán được bọn hắn sẽ tránh nặng tìm nhẹ, dùng đường núi phía nam vòng qua đánh châu Hỷ Phượng: Thẩm Tư Quân.

Có y thị tiên liệu, Lý Thanh Minh sớm đã chuẩn bị sẵn sàng. Du Long doanh, tinh anh của Ly Thiên minh, cùng với ba ngàn tư binh của vương phủ đều được gã âm thầm điều đến châu Hỷ Phượng, im lặng chờ thời.

Lý Huyền Thiên là Binh Mã Đại Nguyên Soái, nắm trong tay quyền điều động binh mã cả nước. Lý Thanh Minh vừa là con trai, vừa là kẻ được cho là sẽ kế thừa lão, thành thử chuyện điều động năm sáu ngàn người đối với gã mà nói quả thật là chuyện lông gà vỏ tỏi, không sợ bị thế lực đối địch trong triều phản kích.

Càng huống chi, châu chủ châu Hỷ Phượng vốn cũng có tiền căn hậu quả với Lý gia, nhà mẹ của Lý Thanh Minh chính là ở nơi đây. Bằng không, khi xưa hai mẹ con Quan Hạ Băng cũng không bị đuổi đến thành Trầm Sa, mặc cho tự sinh tự diệt.

Hành động lần này có thể nói là không làm dấy lên dù là một chút bọt nước.

Sơn man tràn ra, nháy mắt chiếm năm thôn, một huyện, những nơi đi qua dân chúng đều bị đồ sát. Nháy mắt, cả châu Hỷ Phượng chấn động, dân chúng khủng hoảng tột độ, nếu không phải có Thẩm Tư Quân trấn an thì sớm đã hình thành lưu dân bỏ chạy về phía châu Ngọc Lân, Kim Quy.

Lý Thanh Minh chờ đến lúc tiếng ác của Sơn Man truyền xa, hình tượng phản diện thâm căn cố đế trong lòng trăm họ thì mới dùng tư thái anh hùng cứu thế xuất hiện.

Một trận chiến này, Linh vương dẫn đầu tam quân, một trận đánh bất ngờ phá địch, mỗi ngày truy sát năm mươi dặm. Liên quân của các tộc Sơn Trung thương vong thảm liệt, nháo nhác chạy trốn.

Chiến báo truyền về, nói tường thành Chiết Kích nhuộm đẫm máu đào, thôn làng bị giày xéo, cả thành từ già đến trẻ không một ai sống sót.

Lý Thanh Minh đến nơi, nói là không còn cách nào khác, chỉ có thể đào nghĩa trang cũ của thành Chiết Kích lên, chôn tập thể người trong thành xuống cùng với vô số thi hài xương cốt cũ, làm một cái huyệt tập thể thật lớn. Lúc đắp đất lên cao thành một cái gò, Linh vương điện hạ tự mình lập bia Anh Hồn, đề chữ trên đó.

Đồng thời, trong chiến báo, châu chủ châu Hỷ Phượng còn xin đổi tên thành Chiết Kích thành thành Thanh Minh, để mà kỷ niệm chiến công của Linh vương.

Một trận chiến ở phía nam, chẳng những vãn hồi mặt mũi của triều đình Đại Việt, danh tiếng của Thẩm Tư Quân càng là lên như diều gặp gió. Không ít người đã bắt đầu xưng hô y thị là Liễu Thần Mưu, muốn đặt ngang hàng với Manh Quỷ Tài Mạc Vấn.

oOo

Trong giai đoạn gần đây và sắp tới, truyện sẽ đi vào một giai đoạn gọi là đại tranh chi thế (hint từ arc Kiếm Vực), nên nvp xuất hiện rất nhiều, cũng có ảnh hưởng lớn đến cốt truyện chính. Nếu phải so sánh thì đây là giai đoạn “trước đại chiến Xích Bích”, “trước Cơ Xương rời Triều Ca” của truyện. Nên anh em nếu còn theo dõi thì cứ sử dụng phần “nhân vật” của yy để tra cứu cho tiện.

Anh em ai đọc thấy hay thì like, comment, và đề cử ủng hộ nhóm tác giả ạ! Nếu truyện được ủng hộ nhiều likes mà tồn cảo đủ, nhóm tác sẽ cố gắng đăng nhiều chương hơn mỗi tuần!


Mẹo: Bạn có thể sử dụng Trái, Phải, phím A và D để tới các chương.