Khói Lửa Nhân Gian Chạm Lòng Phàm

Chương 66



Gia gia trầm ngâm một lúc.

“Đúng là nên làm vậy, nhà ta đã bỏ ra mười hai lượng bạc một năm, họ không thể không bỏ ra thứ gì.”

Nói xong, gia gia liền đứng dậy đi tìm tộc trưởng và trưởng thôn để bàn bạc.

Theo ý gia gia, chuyện nhà ta bỏ tiền chỉ cần tộc trưởng, trưởng thôn và phu tử biết là đủ, còn bọn trẻ đến trường học, phải tự chuẩn bị bút mực, giấy nghiên, lễ lạt cũng không cần quá nhiều, tùy theo hoàn cảnh của từng nhà.

Nếu nhà nào không có bạc, có thể tặng lương thực, rau xanh, trứng gà, hoặc giúp phu tử bổ củi, gánh nước, giặt giũ, nấu nướng cũng được.

Phải để dân làng hiểu rằng, trên đời không có bữa cơm nào miễn phí.

Gia gia khoác tay sau lưng, đi ra ngoài.

Ta bảo Trân Châu đến bóp chân cho ta, chân ta bị phù nề, sưng lên rất khó chịu.

Trong hai năm nay, Trân Châu và Mã Não thay đổi rất nhiều, cao lớn hơn hẳn, khuôn mặt cũng đầy đặn. Không cần làm việc ngoài đồng, nên da dẻ trắng trẻo, mịn màng, mỗi ngày đều tràn đầy tinh thần và sức sống.

Hai đứa ngoan ngoãn, hiểu chuyện, điều quan trọng nhất là siêng năng, làm việc không biết mệt mỏi.

Gọi làm việc gì, chúng đều làm nhanh nhẹn và gọn gàng.

Nếu không có hai đứa, ta e rằng lần mang thai này sẽ càng cực khổ hơn.

“Như vậy có dễ chịu không phu nhân?”

“Như vậy rất tốt rồi, cảm ơn ngươi.”

Trân Châu nhoẻn miệng cười, để lộ hàm răng trắng đều: “Được giúp phu nhân bóp chân là phúc phận của nô tỳ.”

Trẻ con cũng có những suy nghĩ và ý tưởng riêng, ta đã khuyên bảo chúng nhiều lần, nhưng không nghe, nên ta cũng không ép, để chúng tự quyết định.

“Ngưu thúc dạy võ, ngươi và Mã Não học thế nào rồi?”

“Học không được bao nhiêu, nhưng lại học được mấy món ăn từ Vương thẩm, Hàn thẩm, khâu vá quần áo cũng gọn gàng hơn nhiều.”

“Còn thêu thùa thì sao?”

“Nô tỳ không có ý định học thêu, chỉ cần biết may quần áo, khâu giày là đủ rồi.”

Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia

Ta lặng thinh một lúc.

Đợi Trân Châu bóp chân cho ta một lúc nữa, ta mới nói: “Sau này ngươi tính sao? Có nghĩ đến chuyện lấy chồng sinh con không?”

“Chuyện ấy để sau hãy nói, bây giờ nô tỳ chỉ lo hầu hạ tốt cho phu nhân, sau này chăm sóc tốt cho tiểu chủ tử là được, chuyện cưới gả, nô tỳ tạm thời chưa nghĩ đến.”

Ta cũng không phải ép buộc nàng phải lấy chồng, nhưng thế gian này vốn dĩ là vậy, sức lực của chúng ta quá nhỏ bé, không thể thay đổi những lễ giáo đã ăn sâu bén rễ từ xưa đến nay.

“Thôi, ngươi cứ học hành chăm chỉ trước đã, còn những chuyện sau này thì để sau hãy lo.”

Gia gia hớn hở trở về, sau khi hỏi han mới biết rằng tộc trưởng đã đồng ý phân cho hai mẫu đất, một phần để xây dựng tư thục, một phần để lũ trẻ tập võ.

Khi đó, Ngưu thúc có thể qua dạy, hoặc gia gia tự mình dạy cũng được, tiền học phí thế nào sẽ bàn bạc kỹ lưỡng sau.

Trẻ con trong thôn muốn lên trấn học chữ rất nhiều, nhưng số thực sự có thể đi học lại chẳng được bao nhiêu. Chỉ riêng khoản học phí đã khiến nhiều gia đình phải bó tay.

Nói gì đến bút mực, giấy nghiên.

“Lúc đầu mấy đứa trẻ chưa cần đến bút mực giấy nghiên, kiếm vài tấm gỗ, dùng lông thỏ nhúng nước mà viết, không thì làm cái hộp đựng cát, lấy cành cây mà viết lên cũng được. Khó khăn chỉ có một, nhưng cách giải quyết thì có rất nhiều.”

Gia gia nghe xong liền khen ta nói đúng.

“Phu tử đã mời về rồi, nếu bọn chúng không biết nỗ lực thì cứ mặc kệ chúng hỏng đời đi.”

Người trong thôn nghe tin có phu tử tới ở, lại nhờ gia gia mua lại hai gian nhà cũ để tu sửa, mấy nam nhân khỏe mạnh đều tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ miễn phí.

Nhà ta bận rộn tới tấp, Khúc phu tử cũng nhanh chóng tới, mang theo thê tử, hai con trai, một con gái, con dâu, cùng cháu trai cháu gái. Nhà người khác không đủ chỗ, họ tạm thời ở nhà ta.

Thấy vẻ mặt họ mệt mỏi, mang theo dáng dấp khắc khổ của những người vừa trải qua cơn biến cố, chúng ta cũng không tiện hỏi nhiều, chỉ an ủi họ cứ yên tâm ở lại.

Căn nhà cũ kia thật không đủ chỗ cho cả gia đình họ ở, nhưng họ vẫn bằng lòng mua lại, đập nhà xây lại, miễn cưỡng dựng lên được ba gian phòng, ngay cả bếp cũng nhỏ bé đến tội.

Chỉ trong vài ngày, căn nhà đã sửa xong, Khúc phu tử dọn vào ở.

Biết trong thôn có ruộng của tộc trưởng, Khúc phu tử tìm gặp tộc trưởng để hỏi mua ba mẫu đất.

Tộc trưởng khéo léo từ chối.

Ruộng đất của tộc trưởng không thể bán tùy tiện, phần đất đó có thể được chia ra để xây trường học là vì lợi ích cho trẻ con trong thôn, vì tương lai của hậu thế, nên mới có thể dùng.


Mẹo: Bạn có thể sử dụng Trái, Phải, phím A và D để tới các chương.