Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

Chương 13: 13: Đêm Ba Mươi



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Gia Ngôn thức dậy, mẹ cậu đang làm giày vớ cho cậu.

Nắng trời ngày vào đông ấm áp chiếu vào người Lục Minh Nguyệt, toát lên nét hiền thục dịu dàng.

Gia Ngôn nghĩ, phụ nữ khắp thiên hạ này, không một ai là đẹp bằng mẹ cậu.

Lửa giận hôm qua đã vơi đi ít nhiều, cho đến khi ngửi thấy mùi thịt thơm ngọt thoảng trong không khí, mẹ cậu mới mở nắp lò sưởi tay, hiện ra trước mắt là hai cái bụng chén tròn ủng, trắng như tuyết.

Gia Ngôn sáng bừng hai mắt, lòng hân hoan, đâu còn bực dọc chỗ nào nữa, mẹ cậu bảo: “Bưng lấy mà ăn, đừng có ăn tham đấy nhé.”
Món thịt Cái Oản* của Lục Minh Nguyệt được làm theo cách nấu miền Nam, dùng chén có bụng to bằng bàn tay, thái thịt ba chỉ thành miếng nhỏ, đổ thêm rượu ngọt và dầu thu*, đặt vào lò sưởi tay ninh từ từ trên bếp than.

Ninh tới lúc bì mềm thịt nhừ, mùi thịt nức mũi, thịt mỡ đũa gắp không lên, phần bì đâm cái là thủng.

Cắn một miếng, mỡ chảy ra miệng hóa thành nước, quả thực là ngon ngất ngây.

(*Thịt Cái Oản – 盖碗肉: Là món ăn đãi khách đặc sắc của người Lục Trai tộc Miêu, lấy miếng thịt mỡ lợn thật to lấp miệng chén lại, ở dưới xếp tám miếng thịt gà.

Miếng thịt càng to càng thể hiện sự giàu có và nhiệt tình của gia chủ)
(*Dầu thu – 秋油: Chai nước tương đầu tiên được chiết vào cuối mùa thu, có thể dùng làm chao cao cấp)
“Mẹ, mẹ thương con nhất mà!”
“Không được tham ăn đâu đấy.” Lục Minh Nguyệt cúi đầu, luồn kim khâu đế giày, “Ăn nhiều kẻo buổi trưa lại không ăn được cơm.”
“Con lấy một chén cho chú Quảng…!Chú Quảng chưa bao giờ ăn thịt Cái Oản mẹ làm cả.”
Lục Minh Nguyệt chẳng ừ hử gì, chỉ nói: “Khéo bỏng tay, coi chừng đổ.”
Ngày Tết đã đến rất gần, phiên chợ đua nhau bày bán các loại lịch mới sặc sỡ, Môn Thần lớn bé, câu đối tết, thần Chung Quỳ, nào con nghê, đầu hổ, đồ dán trang trí Tết*.

Các nhà bắt đầu mua những món như pháo, rượu Đồ Tô, kẹo kéo, hoa quả, cổng thần tài*, chờ đón giao thừa.

Lý nương tử vui vẻ với mọi người mấy hôm, ra gió lại trở khục khặc, đành phải nằm trên giường nghỉ ngơi.

(*Đồ dán trang trí, gốc là 金彩缕花 – kim thải lũ hoa: “Kim thải” là dùng tơ và giấy màu cắt thành đồ trang trí, treo ở giữa cửa lớn và phòng khách vào đêm giao thừa.

“Lũ hoa” là cắt lụa màu rồi kết thành hình đóa hoa, gài trên đầu như trang sức)
(*Cổng thần tài/mở cổng thần tài: Năm hết Tết đến, người ta gọi cổng nhà là cổng thần tài.

Mở cổng thần tài là tập tục phổ biến ở Vân Nam, như ở mình là xông nhà đầu năm lấy may rước lộc, nhưng nghi thức nhiều và rườm rà hơn)

Ngày ba mươi, cả nhà dậy sớm.

Thịt hươu ninh trong nồi suốt một đêm, làn khói bếp đưa hương thơm ngào ngạt nức lòng người.

Tiên Tiên mặc chiếc áo ngắn đỏ thắm, đầu buộc dây đỏ, từ sáng tinh mơ đã ra ngồi quanh nồi bếp.

Trong phường có nhà tổ chức tiệc cưới, Xuân Thiên và Trường Lưu ra ngoài góp vui.

Trên lầu Mộc Độc có người rải hoa quả kẹo mừng, Trường Lưu dẫn Xuân Thiên leo lên lầu ngắm phong cảnh.

Lầu Mộc Độc được xây bởi một thương nhân Ngô Huyền chuyển nhà đến Cam Châu, là nơi có thể ngắm toàn cảnh thành Cam Châu.

Núi xa tít tắp, sông băng uốn lượn, nơi xa nhất kia đã bị băng tuyết ngăn trở.

“Chị Xuân Thiên, chị nhìn gì thế?”
“Đằng kia có rất nhiều núi.” Nàng giơ tay chỉ về một hướng, “Chị đến từ chỗ kia.”
“Đó là Kỳ Liên Sơn.” Trường Lưu đáp, “Có Kỳ Liên Sơn, mới có đất Hà Tây màu mỡ.”
Cậu chỉ tới phía Đông Nam: “Chị từ Trường An đến, Trường An ở nơi đó.

Chị, chị có nhớ nhà không?”
“Chị không có nhà.” Xuân Thiên trả lời cậu, phóng mắt trông về phía xa.

Rời nhà hơn nửa năm, chẳng biết tình hình trong nhà thế nào, có lẽ đã nghiêng trời lệch đất, hoặc có lẽ việc này đã được âm thầm che đậy, có lẽ tất cả mọi người đều nghĩ nàng đã chết, trong lòng đang trách nàng, oán nàng cũng nên.

Nàng lại ngước mắt nhìn sang hướng Tây, chỗ ấy cát vàng vô ngần, nàng biết xương cốt chí thân đã mất của mình bị chôn vùi ở đó.

“Chị cứ coi nhà em như là nhà chị.” Trường Lưu nắm góc tay áo nàng, nói nhỏ.

Trượng phu của Triệu đại nương là Vương Thành gấp gáp kéo xe la tới đón mẹ con thím về quê đón năm mới.

Lý Vị gửi một phong bì tiền cho hai vợ chồng, đồng ý để Triệu đại nương qua mồng bốn hẵng quay lại Lý gia.

Triệu đại nương vừa đi, Lý Vị liền xắn tay áo vào phòng bếp làm việc, hắn bôn ba ở ngoài nhiều năm, cũng vì thế mà rèn được tay nấu nướng không chê vào đâu được.

Đến giờ lên đèn, nhà nhà thành Cam Châu đèn đuốc sáng rỡ, trừ tà nổi pháo, rước ông Táo cúng Môn thần.

Năm cũ qua năm mới đến, Lý Vị hạ linh vị của Lý phụ và Lý phu nhân xuống dưới bàn, chuẩn bị thịt khô thái lát mỏng, bánh đậu đường làm đồ cúng.

Ba người vái tổ tiên xong, phát hiện Xuân Thiên không ở trong phòng, ngoảnh đầu tìm thì thấy thiếu nữ một mình ngồi dưới mái hiên nhà, bóng lưng cô tịch, lắng tai nghe tiếng pháo vạn nhà nổ.

Lý nương tử đoán trước được rằng Xuân Thiên tha hương nơi đất khách quê người không thân không thích, sợ nàng buồn bã thương tâm, bèn bảo Trường Lưu ra đùa cho nàng vui.

Chiếc bàn trong nhĩ phòng bày đầy món khuya cho đêm ba mươi, nào trái cây, rượu trà, bánh ngọt, Trường Lưu kéo Xuân Thiên lên giường lò: “Chị Xuân Thiên, em chơi với chị nhé.”
Lý Vị vào bếp nấu bánh bột*.

Bánh bột là loại canh đặc biệt ăn vào đêm ba mươi, sợi bánh dài hai tấc, rộng bằng bụng ngón tay, bột được nhào cực mỏng, trắng trẻo mềm nhẵn.

Đầu bếp ở Tiết phủ thích luộc cá chình hay lươn để làm nước lèo, nguyên liệu gồm có đậu hũ, nấm, giăm bông, cải ngựa, mùi rất thơm và đậm đà.

Vùng Hà Tây ít ăn cá lươn, nên Lý Vị dùng nước cốt dê làm thành phần chính cho món ăn, thêm gân nai, rễ dương xỉ, dưa muối, hương nồng ngập khoang mũi, cực kỳ có phong vị phương Bắc.

Ăn bánh bột xong, Lý Vị lôi một bộ bài giấy* ra, bảo: “Chơi ván bài giấy cho tiêu cơm.” Trong tay hắn cầm bộ bài giấy in hình Anh hùng phong thần bảng, Vũ vương phạt Trụ.

Thiên bài là Vũ vương Cơ Phát, địa bài là Trụ vương Đế Tân, hai nước Thương – Chu cùng bốn mươi sáu tiên tướng.

Bốn người ngồi vây quanh bếp, thay phiên rút ra mươi hai lá bài.

“Tuy chơi bài nhưng lấy rượu làm bạc nhé.” Lý Vị cười nói, lấy trên bếp xuống một chung rượu Đồ Tô Cửu Thần, “Uống rượu này vào, mạnh khỏe an khang, sống lâu trăm tuổi.”
Xuân Thiên chưa chơi kiểu bài này bao giờ, Lý Vị ngồi bên tay trái nàng, nói đại khái: “Không cần kỹ xảo gì, chơi đại là được rồi.”
Thế là nhất thời, Khương Tử Nha áp đảo Tỷ Can, Đát Kỷ giết Lôi Chấn Tử, Na Tra – Dương Tiễn đánh với Triệu Công Minh và Vô Đương thánh mẫu.

Thiên bài nằm trong tay Trường Lưu, địa bài dưới cùi chỏ Xuân Thiên, cuối cùng Trụ Vương đánh bại Cơ Phát, bảo vệ Đại Thương.

Qua vài bận chối từ, chén rượu Đồ Tô thứ nhất vẫn nhường cho Xuân Thiên.

Nàng bưng chén rượu, Trường Lưu cười hì hì nói: “Hoa nở mỗi năm vui, năm mới càng may mắn.” Lý nương tử cũng tiếp lời: “Mây tan trăng tỏ, thân hữu tương phùng.” Lý Vị ngẫm nghĩ, nói: “Sở nguyện trong lòng, hóa kiếp thành duyên.” Trong rượu Đồ Tô có bỏ thêm hoa tiêu, dốc cạn một chén cay cay vào vụng, Xuân Thiên bị sặc, mặt mũi đỏ phừng, khóe mắt hơi ướt, đáp: “Đa tạ.”
Mấy người đều uống vài hớp rượu Đồ Tô, tinh thần Lý nương tử vốn uể oải, gượng được một hồi, ngụm rượu trong miệng chưa xuống bụng đã che khăn ho khù khụ.

Trường Lưu ngồi trên giường lò bỗng đứng bật dậy: “Mẹ.”
“Không sao.” Lý nương tử thở dốc, cười nói: “Chắc tôi không cố được nữa đâu, nhọc lắm rồi, phải về nằm nghỉ thôi.”

Lý Vị nhíu mày đỡ thê tử của mình, nhẹ nhàng nói: “Ta dìu nàng về uống thuốc, uống xong thì ngủ một giấc, đêm nay bọn ta sẽ trông cho nàng.”
Lần này Lý Vị đã mời thầy Hồ đến một hai chuyến, một là kiểm tra thương thế cho Xuân Thiên, hai là bắt mạch xem bệnh cho Lý nương tử.

Thầy Hồ chỉ lắc đầu ngao ngán, có câu nói “Người như đốt đèn, tới khi dầu hết đèn tắt, cho dù có lấy ngàn vàng nối mệnh, cũng chẳng thể chống lại ý trời”.

Trường Lưu thấy cha mẹ mình rời đi, bụng dạ hết sức lo lắng.

Xuân Thiên rót chén rượu Đồ Tô nhỏ đưa cho cậu: “Uống thay mẹ em một ngụm đi, uống hết thì nương tử sẽ sống lâu trăm tuổi, hết mọi bệnh tật.”
Trường Lưu gật gật đầu, ngửa cổ uống cạn: “Em sẽ đón giao thừa thay mẹ.”
Lúc lâu sau Lý Vị mới quay về, thấy vẻ sốt ruột của Trường Lưu, mỉm cười bảo: “Mẹ con uống thuốc xong là ngủ rồi, ngủ giấc thật ngon, qua ngày mai là ổn thôi.”
Ba người bày món khuya lên bàn, pha thêm ấm trà.

Trường Lưu ngồi xơi bánh bơ xoắn ốc, cành đậu, bơ mật, bạch quả, con Vàng được một bát toàn xương, đang ngồi dưới giường lo gặm ngon lành.

Không biết Lý Vị lấy ở đâu ra mấy quả quýt, hắn vo quýt trên lò sưởi tay, cho đến khi lửa than hơ quýt tỏa mùi thơm dìu dịu, mới đưa qua cho Trường Lưu và Xuân Thiên.

Quả quýt vàng óng, hương thấm vào ruột gan, Xuân Thiên cầm trong tay nắn nắn, nghĩ vẩn nghĩ vơ.

Trường Lưu tựa vào người Lý Vị ăn quýt, mắt mở mắt híp, Lý Vị cười xoa đầu cậu, đưa chén nước trà tới bên môi con trai: “Trường Lưu, uống miếng nước hẵng ngủ.”
“Con không ngủ đâu.” Đứa nhỏ giương đôi mắt lờ đờ, “Con muốn đón giao thừa thay mẹ.”
Thế mà mới hết nửa nén hương, Trường Lưu đã nằm ngủ say sưa trong lòng Lý Vị, hai người trong phòng ngẩng đầu liếc mắt nhìn nhau, cười hiểu ý.

Xuân Thiên vào phòng Trường Lưu ôm gối đầu chăn mền ra, Lý Vị đặt cậu ngủ trên giường lò.

Phút chốc, cả căn phòng trở nên im lìm.

Hai người đều không có chuyện gì để nói, nhiệt độ trong phòng ấm áp, chậu than đốt cây thương truật có tác dụng diệt khuẩn trừ bệnh, khói thuốc đăng đắng bốc lên không ngớt.

Con Vàng biếng nhác nằm quanh chậu than, thấy được cả mảng lông cháy sém, Lý Vị ném nắm hạt dẻ vào chậu than, Xuân Thiên thất thần nhìn chăm chăm giấy cắt hoa dán trên khung cửa sổ.

Không biết đã qua bao lâu, Xuân Thiên quay đầu, chớp chớp mắt, nói nhỏ: “Ngoài kia tuyết rơi rồi.”
Lý Vị lắng tai nghe, một thoáng tĩnh lặng ngắn ngủi giữa tiếng ồn ào, tuyết bay đến từ phương xa, ập lên cửa sổ kêu lộp bộp, hạt tuyết nhỏ vụn, xa xôi chẳng biết đâu là bến bờ.

“Đây là trận tuyết thứ ba mươi bảy của mùa đông năm nay.” Nàng khẽ thở dài, “Mùa đông ở Hà Tây, tuyết rơi đúng là nhiều.”
Lý Vị uống cạn chén rượu, thoải mái nói: “Cũng là trận cuối cùng.”
Đêm dài đằng đẵng biết bao, có lẽ đây chính là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, ai nấy cũng rạo rực vui sướng.

C
hỉ vài giờ nữa thôi là một năm mới sẽ lại ghé đến, tuổi tác đổi thay, vòng đi vòng lại, kéo dài không nghỉ.

Bụi vàng nước biếc dưới ba núi, thay đổi ngàn năm như ngựa bay, thời gian ấy mà nhanh đến thế, người này chỉ nhỏ bé vậy thôi.

Hình như nàng hơi mệt, vẻ mặt có phần ngơ ngác, nhìn gương mặt say ngủ của Trường Lưu, muốn ngả người dựa vào góc bàn, nhưng cuối cùng lại ưỡn lưng thẳng tắp.

Lý Vị khoanh chân ngồi ngay ngắn trên giường, trước mặt đặt một chén rượu Đồ Tô, thần trí đã bay xa tận đâu, lặng lẽ uống rượu.

Hai con người tâm hồn treo ngược cành cây bị mấy tiếng nổ đồm độp rất nhỏ làm giật mình, hóa ra là hạt dẻ trong chậu than đã được nướng chín, vỏ nứt trong lửa kêu tanh tách.

Hai người dán mắt nhìn chậu than, Lý Vị đi nhặt hạt dẻ, đợi nguội thì bóc vỏ, hạt dẻ chín vàng thơm phức, hắn đưa cho Xuân Thiên, chậm giọng hỏi nàng: “Nhớ nhà sao?”
Ánh nhìn của Xuân Thiên chạm vào hạt dẻ, lông mi rũ xuống, mím môi không nói lời nào, gật gật đầu.

Hắn giương mắt nhìn nàng, lòng thoáng dao động, thầm thở dài một hơi: “Giờ này người nhà của cô chắc cũng đang nhớ cô.”
Tiếng mõ lanh canh từ xa vọng lại.

Bấy giờ, tiếng pháo ngoài kia đã bắt đầu vang lên, pháo nổ đùng đùng khuấy động cả cánh đồng tuyết tịch mịch.

Giờ Tý đang sang, năm cũ qua, năm mới đến.

Lý Vị đứng dậy, nói: “Đi, đốt pháo thôi.”
Ngoài cửa tuyết rơi dày đặc, hắn ôm một chiếc áo khoác đỏ, bước trên nền tuyết trắng xóa không tỳ vết đi vào trong sân, quay đầu cười nói với Xuân Thiên đứng ôm vai dựa cửa: “Đi lấy nhang ra đây cho ta.”
Xuân Thiên về phòng lấy một cây nhang rồi châm bằng nến, tuyết bao la phủ kín, nàng bọc nhang lại trong ngực mình, đưa cho Lý Vị.

“Đứng xa một chút, cẩn thận pháo bắn lên người.” Lý Vị bảo nàng ra đứng dưới nhà, hắn đốt dây pháo, pháo nổ ầm ầm như sấm vang trong gió tuyết, cả tai đều là tiếng pháo đốt chỗ xa chỗ gần, to lớn đến mức như có thể làm thức tỉnh kẻ mê muội.

Xuân Thiên che lỗ tai lại, cảm giác chỗ ánh lửa bập bùng như âm thanh của suy nghĩ trong tim, phập phồng căng trướng.

Lý Vị đứng cách đó không xa, khoanh ta quay qua nhìn nàng nói gì đó.

Nàng nghiêng tai nghe, nhưng giọng hắn đã bị tiếng pháo rung trời nuốt chửng.

Đốt hết pháo, Lý Vị đi vào phòng lớn vái linh vị sau đó cầm nhang ra ngoài, bóng hình cao lớn đĩnh đạc quỳ xuống đất hướng mặt về phía Đông Nam, thành kính vái lạy.

Hắn lạy cha mẹ thân sinh không biết tên họ lẫn giọng nói dáng điệu của mình, mong ông trời phù hộ hồn chết oan, sớm về miền cực lạc.

Tuyết khiến đôi mắt Xuân Thiên trở nên mơ hồ, hắn đưa nhang cho nàng: “Cô cũng vái đi.”
Xuân Thiên nhận nén nhang, do dự chốc lát, cắm nhang xuống nền tuyết, xoay người theo hướng Tây Bắc quỳ lạy.

Lý Vị nhìn dáng người mỏng manh quỳ phủ phục trong tuyết, nhớ tới lá thư nhận được từ người bạn cũ trong quân hai ngày trước.

(còn tiếp)
*Chú thích:
.


Mẹo: Bạn có thể sử dụng Trái, Phải, phím A và D để tới các chương.