Hoàng Hi Ngôn cảm thấy là lạ, cách Tịch Việt xoa đầu cô giống như dỗ dành một bé cún hoang vậy.
Tịch Việt xách ba lô cô đặt bên người lên, cô thoáng sững người, sau đó cảm ơn rồi đứng dậy đi theo anh.
Đến cửa căn 702, Hoàng Hi Ngôn cởi giày ba ta ra, hỏi Tịch Việt có dép không.
“Có của anh thôi.” Tịch Việt lấy một đôi dép nhựa màu đen trong tủ giày ra đưa cho Hoàng Hi Ngôn, còn anh thì để chân trần. Mắt cá chân anh gầy trơ xương, mu bàn chân trông còn xanh xao hơn cả da dẻ trên người.
Hoàng Hi Ngôn xỏ dép vào, rõ là chúng quá cỡ với cô, đi không vừa chân, cứ phải loẹt quẹt rất tốn sức.
Tịch Việt đặt ba lô của cô xuống ghế sô pha, còn mình thì đứng giữa ghế sô pha và bàn trà với vẻ mặt khó xử bởi anh không biết phải tiếp đón cô thế nào.
Cuối cùng đành buông một câu: “Em cứ tự nhiên.”
Hoàng Hi Ngôn bị chọc cười, lại gần hỏi anh: “Khuya thế này mà anh còn chưa ngủ à?”
“Quen làm việc buổi tối rồi.”
“Vậy anh ăn gì chưa?”
Anh sa vào suy tư, Hoàng Hi Ngôn thoáng cái đã hiểu thế là sao, bèn hỏi: “Trong nhà anh có đồ ăn dự trữ không?”
“Có mì tôm, bánh mì… Chắc trong tủ lạnh còn cơm hộp.”
Hoàng Hi Ngôn không tin lắm, chạy tới mở ra xem, ấy thế mà có thật, nhưng không biết đã hết hạn bao nhiêu ngày rồi.
Hoàng Hi Ngôn giúp anh vứt hết số đồ ăn quá hạn đi, tủ lạnh thoáng chốc rỗng không, chỉ còn lại mấy lạng mận xanh còi.
Cô lấy điện thoại ra, mở ứng dụng gọi đồ ăn, thấy những tiệm gần đây đều đã đóng cửa, nghĩ chắc chỉ ăn mì gói là tiện nhất, thế là hỏi Tịch Việt: “Anh ăn mì tôm không?”
Tịch Việt gật gật đầu.
Phòng bếp có đầy đủ đồ dùng, nhưng ngoại trừ ấm nấu nước thì những thứ khác trông chẳng có vẻ gì là đã qua sử dụng.
Nấu nước tốn mấy phút, Hoàng Hi Ngôn bèn đợi trong phòng bếp, điều chỉnh lại tâm trạng của mình.
Lạ thật, rõ ràng cô không phải là đứa mít ướt, hầu hết thời gian bình thường mặt mày đều tươi cười rạng rỡ. Tần suất khóc được tính bằng năm, thế mà lại bị Tịch Việt bắt gặp những hai lần.
Tịch Việt một mực chờ ngoài phòng khách, mãi mà chẳng thấy Hoàng Hi Ngôn đi ra.
Anh đứng dậy khỏi ghế sô pha đi vào trong, tới cửa thì trông thấy cô cúi đầu, đứng bần thần trước bếp.
Vì thói quen vẽ tranh từ nhỏ, khi nhìn thứ gì anh hay chú ý tới ánh sáng đầu tiên. Với tranh chân dung, nguồn sáng từ trên rọi xuống là khó chịu nhất, vì nó không dễ tạo được góc đẹp.
Nhưng khi phân nửa mái tóc của cô xõa xuống, che khuất nửa bên mặt, từ góc độ của anh, vừa hay trông thấy ánh sáng hắt lên sống mũi cô, đan xen với vùng tối lờ mờ bên dưới tạo ra vùng sáng trông rất giống kỹ thuật Rembrandt Lighting.
Một hồi lâu, Tịch Việt mới lên tiếng.
Hoàng Hi Ngôn định thần lại, ngoảnh đầu nhìn, khẽ mỉm cười rồi chợt nói: “Em nhớ tới một chuyện.”
“Gì thế?”
*
Lần đầu tiên trông thấy Tịch Việt là khi Hoàng Hi Ngôn học lớp Bảy, khi ấy Tịch Việt và chị cô đều đang học Đại học năm Hai.
Ngày hôm đó, chị gái Hoàng An Ngôn dẫn cô tới một gian phòng vẽ ở Học viện Mỹ thuật thành phố Sùng. Chị đứng ngoài cửa sổ, chỉ một người bên trong cho cô nhìn, “Thấy sao?”
Cô ghé đầu lên bệ cửa thủy tinh, nhìn vào trong, gần cửa sổ có một chàng trai đang nặn tượng, đôi tay lấm bùn, làn da trắng hệt như bức tượng thạch cao bên cạnh.
Hoàng An Ngôn nói: “Chị sẽ cưa đổ anh ấy.”
Tính tình Hoàng An Ngôn là thế, luôn quyết đoán chắc thắng.
Nhưng độ khó của việc theo đuổi Tịch Việt vượt xa những gì Hoàng An Ngôn nghĩ, ròng rã suốt một học kỳ, Hoàng An Ngôn mới thỏa nguyện.
Lần đầu tiên Hoàng An Ngôn dẫn Tịch Việt về nhà chơi là một ngày cực kỳ chật vật với Hoàng Hi Ngôn.
Hôm đó là buổi họp phụ huynh sau khi biết điểm thi cuối kỳ, Hoàng Hi Ngôn thi cực bết bát nên đương nhiên mẹ Viên Lệnh Thu lại mặt nặng mày nhẹ với cô.
Tối đến, bố mẹ và anh Cả ra ngoài ăn cơm, Hoàng Hi Ngôn không biết chị và Tịch Việt tính về nhà, nên khi bọn họ mở cửa thì cô đang ngồi trên sô pha phòng khách khóc nức nở.
Hoàng An Ngôn giật mình, bảo Tịch Việt ngồi xuống trước rồi tới dỗ em. Nghe nói là vì chuyện điểm thi, Hoàng An Ngôn bảo: “Chuyện có bao lớn, đâu đáng khóc… Bọn chị định đi siêu thị, em có đi không?”
Hoàng Hi Ngôn sợ tâm trạng ủ rũ của mình sẽ ảnh hưởng đến chị và Tịch Việt, bèn từ chối.
Chị và Tịch Việt mua nguyên liệu nấu ăn tươi sống về rồi tự mình xuống bếp. Cô đơn độc ngồi trong phòng khách, ôm gối ôm, rúc mình trong góc sô pha.
Giữa chừng, chị nhờ Tịch Việt vào tủ lạnh trong phòng ăn lấy một trái chanh.
Tịch Việt ra khỏi phòng bếp, lướt mắt về chỗ cô ngồi.
Điều khiến Hoàng Hi Ngôn bất ngờ là, Tịch Việt đứng trước tủ lạnh một lúc, sau đó một tay cầm chanh, còn tay kia cầm một hộp kem Bát Hỉ, đi thẳng tới chỗ cô.
Anh cúi đầu, cũng không nhìn cô mà chìa tay đưa kem cho cô, chẳng nói lời nào.
Khoảnh khắc cô kinh ngạc nhận lấy nó, anh xoay người đi.
Năm Tư kết thúc, vừa tốt nghiệp xong, Hoàng An Ngôn và Tịch Việt đã chia tay, đường ai nấy đi du học.
Về sau, Hoàng An Ngôn còn quen thêm mấy người bạn trai nữa, nhưng Hoàng Hi Ngôn vẫn có ấn tượng tốt nhất về Tịch Việt.
Không có nhiều lý do gì, chỉ vì chạng vạng tối hôm ấy, anh đã lẳng lặng đưa cho cô một hộp kem Bát Hỉ.
Nhưng chị lại không thấy vậy.
Tính chị phóng khoáng, quen bạn trai đều hợp tan trong vui vẻ, sau khi chia tay tốt nhất là hai bên có thể duy trì quan hệ ngoài mặt, thỉnh thoảng còn khen ngợi nhau mấy câu trước mặt người ngoài đại loại như là “Người đó rất tốt, có điều tính cách bọn tôi không hợp”.
Duy có Tịch Việt là bị chị đánh giá rất kém, lần nào nhắc đến Tịch Việt trông chị đều có vẻ hận mình năm đó mắt mù mà đau lòng không thôi.
Ngay cả câu mắng chửi duy nhất của chị cũng ban tặng cho Tịch Việt, chị nói: “Tịch Việt là một thằng ngu.”
*
Ngay sau đó, Hoàng Hi Ngôn nói, “Bát Hỉ.”
Tịch Việt không hiểu lắm, “Em muốn ăn à?”
“Không ạ, ý em là…” Hoàng Hi Ngôn vội xua tay, cười nói, “Bỏ đi bỏ đi.” Một chuyện nhỏ xíu xưa lắc như vậy, chắc Tịch Việt đã quên từ lâu.
“Cạch” một tiếng, ấm nước ngắt điện, nước đã sôi.
Hoàng Hi Ngôn hỏi: “Mì gói để đâu ạ?”
Tịch Việt chỉ vào chạn bát.
Hoàng Hi Ngôn ngồi xổm xuống, mở chạn bát ra, phát hiện nhà Tịch Việt cả cả thùng mì, vị gì cũng có.
Cô cười hỏi: “Đừng nói là anh chỉ ăn mì gói nhé, không ngán à?”
Số lần ăn mì gói của Hoàng Hi Ngôn trong hai mươi năm qua còn không nhiều bằng hai tuần tới đây thực tập, cô đã ăn tới độ bây giờ vừa ngửi mùi mì là thấy hết muốn sống.
“Tiện.” Tịch Việt lại nói thêm, “Thỉnh thoảng cũng gọi cơm ngoài.”
Hai người bê hai hộp mì nóng hổi đi vào phòng ăn, Tịch Việt tiện tay bỏ mấy tập tranh trên bàn lên cửa sổ để lấy chỗ.
Hai người ngồi vuông góc với nhau, Hoàng Hi Ngôn dùng hai tay chống cằm, đợi mì gói nở, tiếp tục quan sát bài trí trong nhà.
Nơi này trừ sách còn có rất nhiều pho tượng ném bừa bãi khắp xó.
Trên cửa sổ có một pho tượng thiếu nữ có sừng dài trên đầu, cao chừng nửa cánh tay.
“Em xem được không?”
“Ừ.”
Hoàng Hi Ngôn đứng dậy, cẩn thận từng ly từng tí cầm nó lên, đặt nó xuống bàn ăn.
“Nhẹ quá!”
“Làm bằng đất sét nhẹ.”
Nhìn kỹ ở khoảng cách gần, thiếu nữ đang nhắm mắt, những bộ phận trên khuôn mặt sống động như thật, lông mi rõ từng cọng một, còn được tô thêm phấn nhũ vàng.
“Đẹp thật.”
“Em thích thì tặng em đấy.”
“Thật á? Công sức của anh mà nói bỏ là bỏ à?”
“Sản phẩm hỏng ấy mà.”
Hoàng Hi Ngôn ngẩng lên nhìn Tịch Việt, nét mặt anh bình tĩnh và có phần chán ghét bài xích nó. Câu này không phải một lời đùa.
Hoàng Hi Ngôn chợt lầu bầu: “Hỏng gì mà hỏng, rõ ràng đẹp thế này.”
Tịch Việt liếc nhìn pho tượng trong tay cô, “Em có thể nhìn ra tâm tình của cô ta không?”
Hoàng Hi Ngôn nghe vậy, bèn ngắm nghía khuôn mặt thiếu nữ, phát hiện cô bị hỏi cho nghẹn họng.
Tịch Việt cúi đầu, mở nắp hộp mì ra, khẽ nói: “Chỉ đẹp mắt là không đủ.”
Đám nghệ sĩ lúc nào cũng yêu cầu cao hơn hẳn người thường, Hoàng Hi Ngôn không cãi lại anh, đành nói: “Bản thân sự tồn tại của những thứ đẹp đẽ đã là ân huệ với thế giới, huống chi đây còn là tác phẩm của anh.”
Tịch Việt vớt một miếng mì lên chưa kịp cho vào miệng, nghe vậy bèn buông nĩa xuống, cầm một tập tranh trên cửa, tiện tay lật một tờ, đứng dậy mở ra cho Hoàng Hi Ngôn xem, “Thấy đẹp không?”
Trên đó vẽ một con quái vật trong đầm lầy tối xanh, cơ thể nó được chắp vá từng các loại linh kiện máy móc trông rất cồng kềnh, không hề tuân theo bất cứ quy luật tự nhiên đặc thù nào, còn có phần nào đó kích phát nỗi sợ hãi của người xem. Từ góc độ thẩm mỹ, Hoàng Hi Ngôn không cách nào trái lương tâm mà khen đẹp nổi.
Thế nhưng, có một loại cảm xúc mãnh liệt tràn khỏi trang giấy, cô thấy mô tả như thế thì hơi kỳ cục, nhưng đúng là lần đầu tiên cảm thấy vậy, “Em có thể cảm giác được… bản năng cầu sinh.”
Tịch Việt lại hỏi tiếp, “Em cảm thấy loại bản năng cầu sinh ấy không đẹp sao?”
Rốt cuộc Hoàng Hi Ngôn cũng hoàn toàn hiểu rõ ý của Tịch Việt, cô bất chợt cười, “Em hiểu anh muốn nói gì. Nhưng nếu anh đã cảm thấy xấu đẹp là thành kiến chủ quan của con người thì anh cũng nên chấp nhận rằng vẻ đẹp nông cạn vẫn là một loại đẹp.”
Cô kéo pho tượng kia lại gần mình một chút với vẻ cực kỳ bao che, không cho phép anh tiếp tục chê bai nó: “Em lấy thật nhé?”
Tịch Việt khẽ chống tay lên cằm, cười: “Cầm đi, cho em đấy.”
Bọn họ không ai nói gì nữa, vùi đầu ăn mì.
Chóp mũi Hoàng Hi Ngôn đổ mồ hôi, chẳng buồn quan tâm hình tượng nữa, cô quả thực đã đói rã ruột.
Tịch Việt nhã nhặn hơn cô nhiều, có lẽ vì với anh thì chuyện ăn uống chỉ là bản năng sinh tồn.
Ăn được một nửa, động tác tay Tịch Việt thoáng dừng, chợt hỏi: “Sau đó em có ăn không?”
Hoàng Hi Ngôn hơi ngơ ngác, “Gì cơ?”
“Bát Hỉ.”
“Anh nhớ ra rồi à?”
“Ừ.”
“Đương nhiên. Anh đừng cười em nhé, em cảm thấy khóc xong mà ăn kem thì nó còn ngon hơn bình thường.”
Tịch Việt nói: “Vậy thì tốt.”
Ăn hết, đổ nước thừa vào máng lọc, dọn dẹp hộp mì xong, Hoàng Hi Ngôn không quấy rầy anh nữa.
Với người sáng tác thì đêm khuya tĩnh lặng là khoảng thời gian rất quý giá.
Tịch Việt hỏi han dự định của cô: “Bây giờ em về tòa soạn lấy chìa khóa à?”
“Dạ.” Chẳng biết bảo vệ có trực suốt đêm không, chẳng biết cô có vào văn phòng được không, nếu không thì đành thuê phòng trọ ở tạm một đêm vậy.
Tịch Việt nói: “Đêm nay anh sẽ vẽ tranh, phòng ngủ bỏ không, nếu như em cần.” Một câu nói rất bình thản, không đãi bôi, không ân cần, chỉ đơn giản là trần thuật.
“Thế không phiền anh chứ?”
“Trừ phi em mở nhạc disco.”
Hoàng Hi Ngôn cười thành tiếng.
Những nỗi niềm đắn đo rốt cuộc bị sự mệt mỏi đánh bại, Hoàng Hi Ngôn cân nhắc rồi nói: “Cho em mượn dùng ghế sô pha nhà anh là được rồi ạ.”
*****
Lời tác giả: Trước kia Hi Ngôn không hề thích Tịch Việt, mối tình đầu của cô cũng không phải là Tịch Việt.