Nụ cười tự mãn của Ngụy Tư Triết còn chưa thành hình thì tiếng chuông điện thoại đã reo lên.
Vừa nghĩ tới Tề Khiêm là tên này gọi điện tới liền, anh ấn nghe, đi về phía con đường rợp bóng cây cách đó không xa.
Sở Gia Hòa thả Quýt Bự xuống, ăn ý đứng dậy, chắp hai tay ra sau tản bộ cùng Ngụy Tư Triết.
Nhiệt độ đầu xuân hài hòa dễ chịu, Sở Gia Hòa chậm rãi theo bước Ngụy Tư Triết, lắng nghe chất giọng trầm thấp của anh lấp kín bên tai: “Cuối tuần có việc rồi.”
“Ừ”, “Gì mà không có em thì không chơi được”, sau đó anh cười bất đắc dĩ, hẳn rằng là vì có Sở Gia Hòa ở bên cạnh, thái độ của Ngụy Tư Triết lúc nói chuyện với bạn ôn hòa hơn nhiều, “Đảm bảo sẽ không kiếm cớ từ chối”, “Biết rồi”, “Nhất định em sẽ góp mặt”.
Nói vài câu rồi cúp máy, Ngụy Tư Triết cất điện thoại, nhìn người bên cạnh.
Sở Gia Hòa đang cụp mắt nhìn chăm chăm đầu ngón chân mình, khóe môi lẫn ý cười nhạt nhòa, y đưa tay vuốt lại mái tóc bị gió thổi bay rối tung, đoạn lấy đồng hồ ra xem giờ giấc.
Ngụy Tư Triết để ý viền chiếc đồng hồ quả quýt này đã mòn rất nặng.
“Anh Ngụy có muốn một lần trở về thời học sinh không?”
Lời đề nghị này đầy hàm ý sâu xa, mặc dù Ngụy Tư Triết không đoán ra Sở Gia Hòa đang nghĩ gì, thế mà vẫn rất sẵn sàng đi theo: “Làm với cậu à?”
Sở Gia Hòa đáp: “Tụi mình có thể ngồi cùng bàn đó.”
Có một giảng đường ở tầng một của tòa nhà chính, hàng tuần viện dưỡng lão Tuệ An đều tổ chức một buổi Pháp thoại về công đức.
Người nghe giảng đa số là các ông bà cao niên, cũng có người nhà theo cùng và vài nhân viên y tế.
Hai người vào từ cửa sau, tự mang theo tài liệu và giấy bút.
Người giảng hôm nay là một thầy xuất gia.
Ngụy Tư Triết hơi ngạc nhiên, không ngờ phòng học được quá nửa “học sinh” lấp đầy.
Khi đời người bước vào một giai đoạn nhất định, lòng theo đuổi sự giàu có tinh thần sẽ vượt xa nhu cầu của cải vật chất.
Sở Gia Hòa chọn chỗ ngồi gần cửa sổ, sau khi ngồi xuống y nhẹ nhàng vén tay áo, mở tài liệu ra, vuốt trang giấy cho phẳng phiu.
Y nghiêng đầu, Ngụy Tư Triết hoạt động mau lẹ hơn y, lúc này đã đang chống tay đọc tài liệu rồi.
Ánh mắt anh dừng lại, thầy cũng vừa giảng đến chương này, “Làm nhiều việc thiện hạnh*, tâm lòng sẽ sung túc đủ đầy.” Anh chỉ tay vào mấy chữ ấy, sau đó nghiêng mặt sang, tay phải Sở Gia Hòa đang hí hoáy chiếc bút bi, tập trung tinh thần “nghe giảng bài”.
(*) Thiện hạnh (善行): Có nghĩa là những hạnh lành trong cuộc sống hằng ngày.
Nói cho rõ ra, những gì hợp với chân lý là thiện hạnh, hay nói đơn giản là làm việc tốt.
Cả hai lặng lẽ theo dõi người còn lại, trong lòng mỗi người đều có đôi chút chộn rộn.
Tia sáng len qua cửa sổ, hắt xuống đồng phục của Sở Gia Hòa tạo thành những mảng sáng tối.
Trong một khoảnh khắc, Ngụy Tư Triết đã thật sự có ảo giác như đang quay về thời học sinh.
Đã thế thì, có chuyện chắc chắn phải xảy ra trong lớp — chuyền giấy giữa giờ.
Anh tháo nắp bút, cẩn thận viết rồi chuyền sang cho Sở Gia Hòa.
Sở Gia Hòa ngẩng đầu nhìn lên bục giảng, tiếp đó mới nhận lấy mảnh giấy chạm trên mu bàn tay mình.
Y cúi đầu mỉm cười, bốn chữ Hán đẹp đẽ hiện ra: Thiện hạnh là gì?
Đây không phải chủ đề thường xuất hiện trong những cuộc trò chuyện thường ngày, thật ra có hơi nghiêm túc quá, sử dụng ngôn ngữ nói năng thông thường sẽ không được phù hợp cho lắm.
Vậy mà Ngụy Tư Triết rất chờ mong vào lời hồi đáp của Sở Gia Hòa.
Những khi viết, lưng Sở Gia Hòa sẽ giữ thẳng, tư thế ngồi ngay ngắn nghiêm chỉnh, đường cong sườn mặt thanh thú bắt mắt.
Ngụy Tư Triết nhập tâm nhìn ngắm, nhưng mảnh giấy đã được chuyền trả về, anh đành nhìn xuống với tâm trạng chưa thỏa mãn, bất giác nhướng mi.
– Tận hiến vì đất nước, tự tâm với tha nhân, ràng buộc lấy bản ngã.
Một câu trả lời khiến Ngụy Tư Triết có phần không ngờ đến.
Hai câu trước anh hiểu, ràng buộc lấy bản ngã? Ngụy Tư Triết cũng chỉ trầm tư trong chốc lát, khoanh tròn vế cuối gửi cho Sở Gia Hoà lần nữa.
Lần này, quá trình đợi chờ hơi dài dặc.
Có người đặt câu hỏi cho thầy, Ngụy Tư Triết nghe xong, cả cơ thể lẫn tinh thần dần thả lỏng.
Mấy hàng chữ nắn nót xuất hiện trong tầm mắt, anh cầm giấy lên nhấm nháp từng chút thật chăm chút cẩn thận, ấn tượng về Sở Gia Hòa trong tâm trí lặng lẽ thay đổi.
– Đừng tùy tiện gieo hy vọng cho người khác nhưng lại nuốt lời, đừng đánh giá chủ quan những người mình không biết những việc mình không hay, đừng gây thương tổn cho bất kỳ một ai bằng lời nói, tất cả những điều ấy là thiện ý mà mỗi người trong chúng ta có thể dành cho thế giới ngoài kia.
Giọng nói của thầy đột ngột rút khỏi bên tai, từng lời Sở Gia Hòa viết chạm lên mi mắt, len lỏi vào tận tim.
Ngụy Tư Triết đọc nhẩm trong lòng hai lần, lấy làm đồng tình.
Thoạt trông như hành động cỏn con dễ làm như trở bàn tay, nhưng chẳng dễ gì thật sự thực hiện được.
Ngụy Tư Triết không dời mắt khỏi hàng mực nghiêng trên trang giấy trắng, lòng anh khẽ run lên, và bỗng chợt muốn đi sâu vào tìm hiểu xem một Sở Gia Hòa viết ra những dòng này rốt cuộc là con người thế nào.
Đánh mắt vào trong, tay Sở Gia Hòa di tới lui liên tục, lại bắt đầu hí hoáy bút, thỉnh thoảng dừng trên góc trang vẽ một bông hoa bảy cánh xinh xắn.
Mảnh rừng ngấm dần ánh hoàng hôn, bài Pháp thoại kết thúc trước một bước.
Sở Gia Hòa khép tập tại liệu lại, đưa mắt nhìn đồng hồ: “Còn gần năm phút nữa cũng tan lớp bên trung tâm sinh hoạt rồi, để tôi đưa anh đi.”
Ngụy Tư Triết cùng lúc đứng dậy với y: “Không cần, tôi nhớ đường mà.”
Sở Gia Hòa cười nói: “Vậy tôi về phòng dọn dẹp, chút nữa hẹn anh ở nhà ăn nhé.”
Ngụy Tư Triết đáp: “Ừm.”
Trên đường đến trung tâm sinh hoạt, Ngụy Tư Triết xếp “tờ giấy nhỏ” lại, cẩn thận cất vào bóp.
Gió xuân mơn man rì rào, lá cây xào xạc, Ngụy Tư Triết bước chân trên phiến đá xanh, chợt phát hiện dường như cứ mỗi lần đến viện dưỡng lão gặp Sở Gia Hòa, anh lại có thu hoạch mới.
Tiếng đám đông ồn ào nương theo cánh cửa mở bật ra, Ngụy Kiều “tan học” rồi.
Ngụy Tư Triết cầm sách học và tách trà, làm bộ tạo vẻ nghiêm túc của cha thời anh còn đi học.
Bấy giờ vai đang kề vai, anh lật tập vở của Ngụy Kiều ra kiểm tra xem ông có chăm chú nghe giảng hay không.
Hai người đi vào nhà ăn, Ngụy Tư Triết xem lướt vài trang, vui mừng nhận xét: “Bài vở trên lớp chép tốt lắm.”
Ngụy Kiều thong thả bước, nhàn nhã không thèm bận tâm con trai bày trò chọc ghẹo gì.
Ông ngồi vào chỗ mình thường ăn, Sở Gia Hòa vừa bận rộn xong bưng chén dĩa đến trước cửa sổ.
Ngụy Kiều thích ăn gì, không thích ăn gì y đã thuộc nằm lòng từ lâu rồi, chưa bao giờ mắc sai lầm khi lấy cơm cho ông.
Bưng lại bàn ăn, Sở Gia Hòa hỏi: “Anh Ngụy cũng thử bữa cơm của nhà ăn chúng tôi xem sao?”
Ngụy Tư Triết trả lời: “Không được rồi, nồi cháo rau tôi nấu hồi sáng còn nhiều, để qua đêm thì hư.
Tôi phải về ăn.”
Ngụy Kiều lấy đôi đũa, cường điệu: “Ngạc nhiên thật đấy, con mà lại đi nấu cơm à.
Lần này không nấu cháo khô đét lại thành cơm nữa chứ hả?”
Ngụy Tư Triết đau đầu đưa tay lên trán, thoáng nhìn đôi mắt cười của Sở Gia Hòa mà vắt hết óc nghĩ cách chống chế lấy mặt mũi: “Ba, thế hồi cấp ba con nấu cháo mùng tám tháng chạp* ba để đâu rồi.
Sao ba chỉ nhớ rõ mỗi cái tai nạn xấu hổ thời con nít đó vậy.”
*Người Trung Quốc có tục ăn cháo vào mùng 8 tháng Chạp âm lịch.
Theo phong tục truyền thống, đây là hoạt động khởi đầu của Tết Nguyên đán ở Trung Quốc.
Hồi nấu cháo mùng tám tháng chạp là nấu bằng nồi áp suất, ký ức ngày xưa hiện lên, Ngụy Kiều nhai hạt đậu phộng, quay mặt về phía Sở Gia Hòa: “Tiểu Sở, con có biết lần đầu Tư Triết nhìn thấy nồi áp suất xịt khí nó trốn đi tít chỗ nào không? Sống chết không dám bật bếp, sợ tới độ mặt mũi trắng bệch cả ra.”
Ngụy Tư Triết:…!Cả chuyện hồi mẫu giáo cũng đừng nhớ lại chi nữa ba à.
Sở Gia Hòa cười, lấy hai chai sữa chua trên xe đẩy xuống, cắm ống hút đặt vào tay hai người.
Thấy y phải đi, Ngụy Tư Triết hỏi: “Cậu không ăn cùng với ba tôi à?”
“Chúng tôi có cơm nhân viên riêng, tám giờ tan làm mới ăn được.” Sở Gia Hòa đáp, “Bác và anh nói chuyện với nhau đi, tôi đi gặp bác sĩ Phương, gọi anh ấy tối nay đến đo huyết áp cho bác.”
Sở Gia Hòa đi rồi, Ngụy Tư Triết một hai ngồi lại nhà ăn với Ngụy Kiều.
Anh uống nửa chai sữa chua, nhìn chòng chọc các ngăn trên khay ăn, bất ngờ phát hiện: “Xem ra đầu bếp của viện dưỡng lão nấu giống khẩu vị ba thật, cũng không thích thêm đậu trong ngô xào đậu.”
“Làm gì có chuyện trùng hợp vậy.” Ngụy Kiều múc một muỗng ngô ngọt trộn với cơm, “Lần nào cũng là Tiểu Sở lựa đậu ra cho ba đó.
Ba nhai khó, nói một lần là thằng bé nhớ kỹ.”
Ngụy Tư Tiết quấn ngón tay mình quanh ống hút, im lặng không nói gì.
Đến khi Ngụy Kiều bắt đầu húp canh, anh mới ngập ngừng lên tiếng: “Ba, ba thấy Sở Gia Hòa là người thế nào?”
Câu hỏi này đến một cách đầy đột ngột và mơ hồ, điều Ngụy Tư Triết muốn biết không phải là ông có hài lòng với thái độ làm việc của Sở Gia Hòa không, mà là cách nhìn của ông về bản thân y.
“Một số người đối xử tốt với con vì lợi ích.
Thứ “thiện ý” ấy có ý thức ranh giới và có thể khiến con nhận thức được mục đích của họ.” Ngụy Kiều sờ chỏm râu mọc lún phún trên cằm, ung dung nói: “”Thiện ý” của Tiểu Sở vượt xa giới hạn của một điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi, mọi lời nói và hành động của Tiểu Sở đều xuất phát từ sự chân thành, không ngụy tạo, không dối trá, không phải do vui vẻ nhất thời muốn thể hiện mà thành.
Tấm lòng lương thiện lâu dài ấy, chỉ có thể nói rằng đó là bản tính trời sinh.”
Ngụy Tư Triết sửng sốt trước, sau đó nở nụ cười: “Thật thế ạ, rất hiếm khi thấy ba khen ai như vậy.”
Ngụy Kiều hài lòng xoa xoa bụng: “Thật ra thì có thể tổng kết bằng một câu.”
Ngụy Tư Triết lập tức dỏng tai nghe, Ngụy Kiều hiền hòa tiếp tục: “Khả năng sinh hoạt của Tiểu Sở hơn con nhiều.”
Ngụy Tư Triết: “…”
Chăn ga gối đệm vừa thay mới, căn phòng đầy ắp hương chanh thanh nhẹ rất an thần dễ chịu.
Sở Gia Hòa nghe thấy tiếng mở cửa, đóng cửa sổ ngăn khí lạnh tràn vào, khom người bật máy sưởi điện lên.
Ngụy Tư Triết đỡ Ngụy Kiều nằm xuống, ngồi đó trông một lát chờ đợi bác sĩ Phương hoàn thành đợt kiểm tra định kỳ xong xuôi.
Anh xác nhận tình hình sức khỏe ba anh không có gì đáng ngại mới đứng dậy, chuẩn bị ra về.
“Con trai.” Ngụy Kiều gọi anh lại, “Công việc vẫn thuận lợi chứ?”
Ngụy Tư Triết nắm chặt lấy mu bàn tay Ngụy Kiều: “Ba yên tâm, chỗ con mọi chuyện đều ổn thỏa cả.”
Màu trời ngoài cửa sổ tối dần, màn đêm xanh thẫm điểm xuyết một vài vì sao, Ngụy Tư Triết ngẩng đầu mỉm cười, nói khẽ: “Ba nghỉ ngơi nhé, con về, cuối tuần con lại ghé nữa.”
Nhìn bóng lưng con trai mình khuất sau cánh cửa phòng, Ngụy Kiều nghiêng đầu nghệch ra, vẻ mặt mù mịt khó hiểu, trong đầu không khỏi thắc mắc: Chẳng phải con trai mình cất công đến tận đây gặp mình à? Thế thì làm sao dạo này toàn nhìn Tiểu Sở đắm đuối nhỉ?.