Qua tết, Gia tần mới được nhàn rỗi.
Cô ấy mới lên Tần, mồng một phải đi chúc tết Hoàng thái hậu, tới Lễ đường tế thiên. Mồng hai lại theo hoàng hoàng hậu đến Trường Xuân đường lễ phật. Qua ba ngày đầu năm, thấy sắp đến sinh nhật Tứ hoàng tử, mỗi ngày cô ấy lại đến chỗ ta học cách thêu tranh hổ con hai mặt.
Cái khác thì không nói chứ thêu thùa ta dạy được, tuy kỹ năng bình thường nhưng ta biết rất nhiều mẫu thêu.
Gia tần đã lâu không đụng đến kim chỉ nên ngượng tay, đường may xô lệch làm phí nhiều vật liệu của ta. Ta bèn giữ lại chỗ thêu hỏng làm thành bao cát cho Đại công chúa, tránh cho lần sau chơi vứt lung tung không tìm được, mất vui.
Gia tần thêu thêu sửa sửa đến mười hai tháng giêng, lập xuân.
Cứ ngồi thêu mãi cũng mệt, trời lại đang ấm lên, ta phải bắt cô ấy ra ngoài.
Cô ấy giơ cao kim, cầm chỉ để xỏ, nghẹo cổ cười:
– Thấy muội cứ nhấp nhổm như vậy, ta lại tưởng trên ghế có kim đấy.
Ta nâng cằm nhìn cô ấy:
– Từ lúc tỷ làm tần đến giờ, cái gì không giỏi chứ ngồi yên thì tiến bộ lắm.
Cô ấy cúi đầu:
– Chờ đến lúc muội cũng lên Tần, gia yến phải ngồi nghiêm chỉnh, đi bái kiến hoàng hậu cũng phải ngồi nghiêm chỉnh, lúc sao kinh cầu phúc cũng phải ngồi nghiêm chỉnh thì muội sẽ hiểu thôi.
Ta chưa làm Tần nhưng cũng biết chứ. Mỗi lần đến chỗ hoàng hậu nương nương thỉnh an, ta và cô ấy đều phải ngồi ngay ngắn không nhúc nhích, uống xong hai chung trà cả người đã cứng đờ.
Nhớ đến chuyện đó, ta nghĩ hẳn mình cũng chẳng muốn làm Tần đâu.
Gia tần luồn chỉ xong tiếp tục đường thêu:
– Không ngồi yên được thì thôi, muội đến chỗ Lương quý nhân chơi đi. Tỷ thấy cô ấy lúc nào cũng vò võ một mình.
Ta lại không muốn đi. Lần nào đến chỗ cô ấy cũng thấy cô ấy đang thêu tẩm y hoặc đai lưng. Ta kê thang dưới hiên để nhìn tổ chim yến, cô ấy ngồi ở ngoài thêu hoa. Ta chơi đánh đu trong sân, cô ấy lại ngồi dưới hành lang thêu hoa. Ta chơi một mình mãi cũng chán chứ.
Tiệc sinh nhật một tuổi của Tứ hoàng tử sẽ được tổ chức ở cung Vĩnh Hòa. Vì hoàng hậu nương nương không khỏe nên Cẩn phi lại bận rộn giúp Tuệ phi tổ chức tiệc, không rảnh để ý đến ta.
Gần đây Đại công chúa cũng không đến cung Đường Lê, e là lại bị Thuần tần quản chặt rồi.
Mười ba tháng giêng, ngồi nhìn Gia tần thêu cả ngày, chòm râu cọp bị thêu xấu quá.
Mười bốn tháng giêng, ngồi nhìn Gia tần thêu nửa ngày, buổi chiều, Gia tần đến chỗ hoàng hậu thu xếp chuyện thưởng hoa đăng Nguyên tiêu cho các cung.
Mười lăm tháng giêng, hôm nay không gặp được Gia tần, rầu rĩ ăn Nguyên tiêu một mình, hơi đau răng, bỗng thèm món bánh trôi nhân vừng của mẹ quá.
Mười sáu tháng giêng, nhìn Gia tần thêu một ngày.
Mười bảy tháng giêng, nhìn Gia tần thêu một ngày.
…
Sắp đến hai lăm, tranh hổ của Gia tần đã thêu xong rồi, không biết tại sao đôi mắt ở mặt trái nhìn như hai hạt đậu xanh.
Ngày hai mươi sáu, ta và Gia tần đến cung Vĩnh Hòa từ sớm. Tuệ phi mặc áo nhũ đỏ, quần thiên thanh ngồi trong điện. Từ xa ta đã thấy nàng ta, cảm thấy nàng ta rất giống bông hoa mẫu đơn nở trong ngự hoa viên. Trên mặt nàng ta đầy ý cười, có vẻ rất hạnh phúc.
Thấy chúng ta đến, cô cô bên người Tuệ phi vội ra đón, nói Tứ hoàng tử đã được ma ma bế đến Trường Xuân điện rồi.
Tranh hổ của Gia quý nhân được mắc lên giá gỗ tử đàn làm bình phong, nhìn xa cũng không tệ nhưng nhìn gần thì không thuận mắt cho lắm. Lương quý nhân chuẩn bị một chiếc trường mệnh tỏa tinh xảo. Người mẹ nuôi như ta lại keo kiệt chút, tặng thằng bé cặp hoa tai biển đậu (*) bằng bạch ngọc, cầu mong nó luôn được bình an.
(*) Biển đậu: Đậu cô ve.
Tuệ phi cảm ơn rồi cho bọn ta ngồi, lát sau các ma ma mới ẵm Tứ hoàng tử vừa đi xin bùa Trường sinh về.
Ta chưa từng thấy em bé một tuổi bao giờ, thằng bé trông đáng yêu hơn hồi đầy tháng, cả người trắng mềm như miếng bánh nếp. Ta ghé sát lại nhìn, thằng bé cũng không sợ ta, cười hì hì chìa tay về phía ta.
Tứ hoàng tử có đôi mắt to, khóe mắt hơi rủ xuống, rất giống Di tần. Đột nhiên ta thấy buồn làm sao.
Ta nhìn sang Gia tần, thấy chút bi thương khẽ lướt qua nét mặt dịu dàng của cô ấy.
Lương quý nhân biết ta nghĩ chuyện gì nên khẽ nắm lấy tay ta.
Rời khỏi chỗ Tuệ phi, chúng ta tình cờ gặp Thục phi cũng đang đến cung Vĩnh Hòa, xung quanh liễn kiệu là các cung nữ thái giám, cuối hàng là một cậu bé choai choai, có lẽ là Đại hoàng rử.
Chúng ta thỉnh an, Thục phi cứ đi mà không thèm nhìn lại.
Nếu Tuệ phi tựa như một đóa mẫu đơn xinh đẹp dễ gần, Thục phi lại như cành hoa hồng đầy gai nhọn làm người ta không muốn làm thân.
Năm nay trời nổi gió sớm, Gia tần vì muốn bù đắp chuyện ngó lơ ta bấy lâu nay, đầu tháng hai đã sai người làm hai con diều mang tới.
Sáng sớm mười bảy tháng hai, Cẩn phi nương nương sai người mang mỳ trường thọ đến, bên trong có trứng bồ câu rất ngon, tiếc là chỉ có hai quả, ăn chưa đã thèm.
Đến hôm nay, ta đã tròn mười bảy rồi.
Hạ tuần tháng hai, Hoàng thái hậu không được khỏe nên các phi tử từ Tần vị trở lên phải đi hầu bệnh, Gia tần cứ ba ngày lại có một ngày không được nghỉ ngơi. Đến mùng một tháng ba, phía hoàng hậu truyền lời rằng hoàng hậu bị phong hàn, không cần đến thỉnh an.
Ta nói với Mịch Nhi rằng đất hoàng cung này không tốt, mới có hai, ba tháng mà hết người này đến người kia ngã bệnh.
Mịch Nhi nói mùa xuân trời gió, lại lạnh, Hoàng thái hậu lớn tuổi rồi, các vị chủ nhân cơ thể yếu ớt, khó tránh khỏi bị bệnh.
Ta nghĩ cũng đúng ha. Suốt ngày ngồi lì một chỗ không hoạt động, không chịu nổi gió thổi mưa rơi, đi đường cũng cần người dìu thì sao mà không yếu ớt cho được.
Ta đột nhiên nhớ tới lần trước Đại công chúa đến chơi, nói chờ khi nào ấm trời sẽ tìm cách dẫn ta đến mã tràng, không biết lúc nào mới đi được.
Đến mồng bốn là tiết Thanh minh, Hoàng thái hậu khỏe lên, Gia tần cũng được rảnh rỗi. Chúng ta hẹn nhau chơi diều, Gia tần cầm con diều Bách hoa ta vẽ tặng cô ấy năm ngoái đến.
Ta đắc ý nói:
– Năm ngoái muội nói không sai phải không? Có diều của muội, đảm bảo mỗi ngày của tỷ tươi đẹp phơi phới.
Gia tần làm bộ thi lễ với ta:
– Phải phải phải, Từ thường tại tự tay làm đương nhiên tốt nhất, ai được tặng diều đều vạn sự như ý.
Cô ấy nói vậy làm ta nhớ tới con diều “Bách điểu triều phụng” ta làm cho Di tần, không khỏi ngẩn ra.
Lương quý nhân chầm chậm đi tới, cung nữ phía sau cầm một con diều Đại sa yến, cô ấy nhìn con diều trong tay Gia tần rồi nói với ta:
– Nói ra muội đừng giận, không phải tỷ không giữ gìn đồ đạc, năm ngoái vào hè các cung nữ dọn đồ ra phơi thì trời đổ mưa, làm hỏng mất con diều đẹp.
– Hỏng rồi thì thôi, có đáng gì. Huống hồ con diều “cá chép vượt long môn” kia cũng không hợp.
Gia tần giật dây diều, quay lại nói với ta:
– Hợp hay không cũng phải xem đưa cho ai, nếu con diều đó muội dùng thì hợp lắm.
– Cái đồ đùa dai nhà tỷ.
Gia tần bỏ chạy, ta làm bộ hờn giận đuổi theo sau. Người đuổi kẻ chạy, cánh diều bay cao, cánh hải đường hồng bay lượn trên trời xanh, đẹp tựa giấc mơ.