Sau Nguyên tiêu, mùa đông dần đi qua. Đầu tháng hai, đào liễu nhú mầm xanh.
Đầu tháng ba, Xu Ninh ăn vạ muốn đi chơi ném lục lạc, ta thấy trời gió lớn nên không cho con bé đi. Bài đồng dao của trẻ con kinh thành ta cũng biết, “dương liễu xanh, ném lục lạc; dương liễu mọc, đánh con quay, dương liễu dài, đánh giát giát, dương liễu tàn, chơi đá cầu”, chỉ không biết con bé nghe được ở đâu.
Đứa bé này khác Hân Uyên. Hân Uyên ham học, Xu Ninh ham chơi.
Ngày mười bảy tháng ba, Hoàng thượng đến cung Đường Lê, cuối cùng dỗ được bệ hạ dẫn con bé đi.
Trên đường đi, Xu Ninh lại nũng nịu không muốn đi bộ, Hoàng thượng cúi xuống định ẵm con bé lên, nửa đường bỗng dừng lại.
Ta nhìn thấy, cũng thấy bệ hạ nhìn về phía ta, ta làm quay đi không thèm để ý. Sau đó người cười nói với Xu Ninh rằng, mẫu phi có đồ tốt đấy, con ra chỗ mẫu phi lấy đi, được không?
Ngày ấy trời rất xanh, là bầu trời xanh nhất ta từng thấy ở kinh thành, tựa như ngói lưu ly trên nóc cung Đường Lê.
Xu Ninh chạy phía trước, bệ hạ làm bộ đuổi theo phía sau, Hân Uyên ở bên cạnh cầm bài tập của sư phó học thuộc lòng. Ta đã quên mình ngồi nhìn hay đứng nhìn, đó là ngày đẹp nhất cuộc đời ta.
Ngày ấy trở về, bệ hạ bị ho khan, cả tháng trời không thấy đỡ. Ta dặn Tiểu Trịnh Tử pha trà hoa cúc cho bệ hạ. Lúc bệ hạ gọi ta đến điện Cần Chính dùng bữa, ta thấy trên bàn có tách trà rất đặc. Ta đang định nhắc nhở bệ hạ vài câu, người liền nói trước:
– Thôi thôi, từ hôm nay trẫm không uống loại trà đặc này nữa. Bảo Triệu thái y kê cho một đơn nước sơn tra trần bì mới được.
Ta thở dài trong lòng, ta biết bệ hạ nói vậy để ta yên tâm thôi, ngày mai chắc chắn lại dùng trà đặc để tỉnh táo đây mà.
Hai năm qua, tuy biên quan đã bình định, nhưng Hoàng hà lại gặp nạn châu chấu. Mỗi khi có thiên tai, phải mất đến hai, ba năm để xử lý. Vừa phải cứu tế nạn dân, vừa phải phòng chống mã tặc, sơn tặc, lại còn phải đẩy mạnh trồng trọt thêm lương thực, sắp xếp hệ thống thủy lợi. Bệ hạ thật sự rất bận.
Ăn cơm xong, bệ hạ đột nhiên bảo ta:
– Trẫm muốn thăng vị phân cho nàng, đã bảo Khâm thiên giám chọn ngày đẹp để phong Phi, phong hào vẫn là Dao, ý nàng thế nào?
Ta nghi hoặc hỏi lại:
– Đang yên đang lành sao đột nhiên lại muốn thăng vị ạ?
– Nàng tiến cung đã mười năm rồi, có hoàng tử công chúa, phong Phi cũng không coi là quá phận.
Tuy bệ hạ nói như vậy nhưng ta vẫn thấy không hợp quy củ. Một là gia thế của ta bình thường, kém xa các vị Phi hiện tại. Thứ hai, tính ta lười biếng, không có công quản lý hậu cung. Thứ ba nếu nói về tư lịch thì lại thua các vị chủ tủ đến từ Vương phủ.
Phong Phi thì vẫn phong, ngày được chọn là mười ba tháng sáu, ta biết dụng ý của bệ hạ khi chọn ngày đó, chỉ là ta không thấy hào hứng nổi. Luôn cảm thấy việc phong Phi này có lợi ích gì đó, các cung khác lại nhìn ta chằm chằm, thật sự không dễ chịu chút nào.
Ta kể chuyện này với Gia phi, cô ấy không để tâm lắm, bảo phong Phi là chuyện tốt. Hoàng thượng thích thì phong, người xung quanh ghen tị cũng cứ kệ đi, có Hoàng thượng ở đây, họ chẳng dám manh động đâu.
Tháng mười năm đó, phụ thân Lương quý nhân hỗ trợ thiên tai ở địa phương, sổ sách rõ ràng, nạn dân được thu xếp chu đáo, đê điều được tu sửa, lập được đại công. Ông ấy được thăng làm Tam phẩm Ty vận sứ, Lương quý nhân cũng được thăng thành Lương tần.
Ngoài ra không có chuyện gì lớn cả. Thêm chuyện sức khỏe của Hoàng thượng và hai đứa nhỏ, ta thật sự không có thời gian để ý mấy chuyện vặt vãnh.
Đến tháng chạp, trong cung nhộn nhịp hơn hẳn. Năm nay ta bận chăm sóc Xu Ninh, nên Cẩn phi và Tuệ phi phải giúp Hoàng hậu thu xếp hết mấy chuyện to nhỏ. Ta rảnh rỗi liền đốc thúc Hân Uyên đọc sách, may thêm quần áo cho Xu Ninh. Con bé mới tí tuổi đã thích ăn diện, một tháng phải thay hai bộ quần áo mới.
Tháng tư năm sau, phía Định Sóc Đại tướng quân đột nhiên cấp báo, nói khu Y Lê ở Tây Bắc xuất hiện dư nghiệt của Chuẩn Cách Nhĩ, có thể xảy ra chiến tranh bất cứ lúc nào. Xin chuyển thêm binh lương chuẩn bị.
Ảnh hưởng từ nạn châu chấu hai năm trước còn chưa qua, lần này coi như chó cắn áo rách. Hoàng thượng lại đêm đêm khó ngủ.
Ta sốt ruột cũng chỉ có thể hỏi thăm mấy câu, đưa đến vài bát tổ yến.
Đúng lúc này Xu Ninh lại mắc đậu mùa, ta vội vàng bảo các ma ma, cung nữ quét dọn phòng ốc, làm thêm quần áo, dặn nhà bếp kiêng mấy món chiên xào. Bên này phải lo cho Xu Ninh nên không chăm sóc được Hân Uyên, ta bèn đưa Hân Uyên sang chỗ Cẩn phi nương nương. Cũng may thằng bé ngoan ngoãn, mỗi ngày lại đứng ở cửa sổ hỏi thăm muội muội.
Cứ như vậy nửa tháng ròng, Xu Ninh qua cơn bệnh nặng, cung điện lại bị dọn dẹp từ trên xuống dưới một lần mới đón được Hân Uyên về.
Mà ta cũng không ngờ vì nửa tháng đó mà trong cung xuất hiện lời đồn đãi.
Một hôm, Gia phi đến thăm mới kể cho ta biết. Vì Cẩn phi nương nương không có con, tư lịch gia thế lại cao hơn ta, bây giờ Hoàng thượng long thể bất an, trong cung liền có mấy lời đồn trái tai.
Ta thắc mắc hỏi lại:
– Hoàng thượng còn khỏe mà, dù có chuyện gì đi nữa thì đã lập Nhị hoàng tử làm Thái tử đấy thôi?
Gia phi liền nói:
– Thái tử hiện tại không phải trưởng tử, mẫu thân cũng không phải Thục hoàng hậu. Bây giờ Tây Bắc lại có chiến sự, e là phải dựa vào mẫu gia của Thục hoàng hậu.
– Vậy thì họ cứ nhìn vào Hoàng hậu đi, dù sao cũng là chọn giữa Đại hoàng tử và Nhị hoàng tử, liên quan gì đến muội chứ?
– Sở dĩ Hoàng thượng chọn Nhị hoàng tử vì Đại hoàng tử tư chất bình thường, khó lòng đảm đương đại sự. Huống hồ còn có vị ngoại thích là Đại tướng quân kia? Năm ngoái Hoàng thượng đột nhiên phong muội làm phi, ai cũng nghĩ lập Nhị hoàng tử làm trữ quân chỉ là kế nghi binh, che chở cho Lục hoàng tử. Hoàng thượng đang chờ Lục hoàng tử trưởng thành.
Ta lại không thấy vậy. Ta hiểu tính Hân Uyên, nó không có dã tâm. Ta càng hiểu rõ Hoàng thượng, người sẽ không vì yêu ta mà ưu ái nó.
Gia phi chỉ ngồi chốc lát rồi đứng dậy ra về:
– Tỷ phải về cung đây, phải kèm Ngũ hoàng tử luyện chữ. Chuyện tỷ vừa nói, muội cũng để bụng đi. Muội chẳng có tâm tư gì nhưng người ngoài không biết, bây giờ bên ngoài đồn đãi khắp nơi, muội phải có đề phòng.
Hoàng thượng bận rộn, ta lại muốn tránh hiềm nghi nên không đến điện Cần Chính. Mồng bảy tháng bảy năm đó cũng cáo bệnh không ra cửa, ta đang ngồi hóng mát dưới hành lang thì Hoàng thượng đến.
Người tươi cười, tay chắp sau lưng, rảo bước đến dưới ánh trăng soi rọi. Ta đứng dậy nghênh tiếp, thấy hôm nay Hoàng thượng tươi tỉnh thì yên tâm hơn nhiều.
– Sao Hoàng thượng đến sớm thế?
– Năm ngoái phải chờ tàn tiệc mới đến, trăng đều lặn rồi. Năm nay đến sớm ngắm trăng với nàng.
Ta sai tiểu thái giám kê thêm một chiếc ghế tựa, bọn ta ngồi sóng vai nhau, khí trời oi bức, thỉnh thoảng ta lại quạt cho bệ hạ.
Mặt trăng đầu tháng bảy bị khuyết một góc như vừa bị ai cắn xuống, nhỏ bé cô đơn làm sao. Sao điểm trên bầu trời lấp lánh, nối liền nhau tựa một dòng sông dài.
– Thần thiếp thấy mặt trăng này như bị thiếu cơm ăn, thật tội nghiệp.
Hoàng thượng bật cười, đùa giỡn nhéo mũi ta:
– Chỉ có nàng lúc nàng cũng nghĩ đến chuyện ăn no hay không, cổ nhân gọi là trăng có tỏ, mờ, tròn, khuyết.
– Người có buồn, vui, ly, hợp. Trăng có tỏ, mờ, tròn, khuyết. Thần thiếp đọc ít sách nhưng vẫn biết câu này.
– Ý Tùy, nếu một ngày chúng ta cách xa nhau, nàng hãy ngẩng đầu nhìn trăng.
Bệ hạ ngẩng đầu ngắm trăng, ánh mắt vừa ưu sầu vừa dịu dàng.
– Hoàng thượng nói gì vậy, Ý Tùy đã nói, Ý Tùy sẽ ở bên người, mãi mãi ở bên người.
Bệ hạ không nói thêm gì nữa, ta tựa đầu vào lồng ngực Hoàng thượng, mãi đến lúc nửa đêm sương giáng mới tỉnh. Ta cẩn thận nhìn lên, bệ hạ nhắm mắt như đã ngủ, lông mày vẫn nhíu chặt lại. Ta vươn tay chạm vào mặt bệ hạ, vậy mà người đã tỉnh rồi.
– Giờ nào rồi?
– Đã canh tư rồi ạ.
– Vậy nàng mau về nghỉ ngơi đi.
– Còn Hoàng thượng thì sao?
– Trẫm còn tấu chương phải duyệt.
Nói xong, bệ hạ đứng dậy vội vã ra về. Đêm khuya thăm thẳm, chốc lát ta đã không thấy bóng dáng người đâu nữa.
Ta buồn bực trở vào, ngẩn ngơ tập viết một lúc lâu mới ngủ thiếp đi.
(*) Trích trong bài Thủy điệu ca đầu của Tô Thức.
Cả bài:
Minh nguyệt kỷ thời hữu?
Bả tửu vấn thanh thiên.
Bất tri thiên thượng cung khuyết,
Kim tịch thị hà niên.
Ngã dục thừa phong quy khứ,
Hựu khủng quỳnh lâu ngọc vũ,
Cao xứ bất thắng hàn.
Khởi vũ lộng thanh ảnh,
Hà tự tại nhân gian.
Chuyển chu các,
Đê ỷ hộ,
Chiếu vô miên.
Bất ưng hữu hận,
Hà sự trường hướng biệt thời viên.
Nhân hữu bi, hoan, ly, hợp,
Nguyệt hữu âm, tình, viên, khuyết,
Thử sự cổ nan toàn.
Đãn nguyện nhân trường cửu,
Thiên lý cộng thiền quyên
Bản dịch thơ của Nguyễn Chí Viễn đăng trên thi viện:
Trăng sáng bao giờ có?
Nâng chén hỏi trời cao
Chẳng hay trên đây cung khuyết
Đêm đó nhằm năm nao?
Rắp định cưỡi mây lên đến
Chỉ sợ lầu quỳnh điện ngọc
Cao ngất lạnh lùng sao?
Đứng múa vời thanh ảnh
Trần thế khác chi đâu.
Xoay gác đỏ
Luồn song lụa
Rọi tìm nhau
Chẳng nên cừu hận
Sao lại nhằm tỏ lúc xa nhau
Người có buồn, vui, ly, hợp
Trăng có tỏ, mờ, tròn, khuyết
Tự cổ vẹn toàn đâu
Chỉ nguyện người trường cửu
Ngàn dặm dưới trăng thâu.