Đợi Tới Khi Ve Xanh Rơi Rụng

Chương 94



Lý Khinh Diêu nói: “Loại giấy xác nhận nhập viện này chỉ cần nộp cho giáo viên chủ nhiệm là được, không có người xét duyệt. Nếu phụ huynh đã thông báo trước, có lẽ giáo viên sẽ không xem kỹ. Nghĩa là có thể làm giả giấy xác nhận để đánh lừa giáo viên.”

Trần Phổ: “Nhưng theo lời bạn học em nói, Hướng Tư Linh thật sự đã ốm nửa tháng.”

“Nhưng cô ta không đến bệnh viện chính quy.”

Hai người nhìn nhau, Trần Phổ mở máy tính, tìm và chiếu lên bảng một bản đồ khu vực bảy năm trước. Những tài liệu từ cách đây bảy năm như này đến chính Trần Phổ cũng không rõ mình đã thu thập được bao nhiêu. Thế nên bây giờ tìm dễ như trở bàn tay.

Anh dùng bút lông khoanh tròn vị trí ký túc xá nhà máy cơ khí gia đình Hướng Tư Linh sống lúc đó, Lý Khinh Diêu xích lại gần xem. Hai người tìm kỹ từng chỗ, đánh dấu toàn bộ 15 phòng khám trong phạm vi bán kính 5km.

Lý Khinh Diêu sửng sốt, cô nói: “Em nhớ hình như Lý Mỹ Linh từng làm việc ở phòng khám.”

Trần Phổ lập tức ngồi xuống trước máy tính, mở mở các hồ sơ và biên bản liên quan đến Lý Mỹ Linh.

“Đúng vậy.” Trần Phổ chỉ vào màn hình. Khi La Hồng Dân vừa qua đời, phía cảnh sát đã điều tra lý lịch của Lý Mỹ Linh. Bà ta từng đề cập rằng mình tốt nghiệp trường y, từng làm việc tại bệnh viện lẫn phòng khám. Nhưng do chỉ xét hỏi bình thường, cộng thêm những chuyện này đã xảy ra từ lâu và không liên quan đến vụ án nên đương nhiên cảnh sát phụ trách ghi biên bản lúc đó không tra hỏi chi tiết.

“Chuyện xảy ra ít nhất cũng phải mười mấy, hai mươi mấy năm trước rồi.” Lý Khinh Diêu nói: “Lý Mỹ Linh đã mất tích. Chúng ta phải làm rõ bà ta từng làm việc tại phòng khám nào. E rằng phải đi điều tra lại, mất khá nhiều công sức.”

Trần Phổ đưa ngón cái và ngón trỏ tay phải lên xoa cằm, ánh mắt sắc bén. Anh nói: “Không cần phiền phức như vậy. Mẹ Lý Mỹ Linh vẫn còn sống. Muốn biết chuyện cũ hỏi cụ già, chắc chắn bà cụ sẽ biết.”

Mẹ Lý Mỹ Linh sinh được tổng cộng ba người con, Lý Mỹ Linh là con út, trên bà ta còn có một anh trai và một chị gái. Anh trai đang làm việc ở tỉnh khác, bố Lý Mỹ Linh qua đời vì bạo bệnh cách đây vài năm, hiện mẹ bà ta đang sống cùng gia đình chị gái.

Được cảnh sát khu vực hỗ trợ, Trần Phổ và Lý Khinh Diêu ấn chuông cửa nhà chị gái Lý Mỹ Linh. Do đang là giờ làm việc, nên cả nhà chị gái Lý Mỹ Linh đều đi làm, con cái cũng đi học, chỉ có bà cụ ở nhà một mình.

Bà cụ đã ngoài bảy mươi tuổi, đầu tóc bạc phơ, thân hình ốm nhom, nhưng quần áo luôn sạch sẽ và gọn gàng. Tuy rằng khuôn mặt bà đã đầy vết nhăn, nhưng vẫn có thể nhìn thấy những đường nét thanh tú lúc xuân thì.

Chị gái Lý Mỹ Linh luôn giấu bà cụ chuyện Lý Mỹ Linh mất tích.

Cảnh sát khu vực cầm tay bà cụ, nói: “Bà Triệu, dạo này bà khỏe không ạ?”

Bà cụ mỉm cười, trả lời: “Bà khỏe lắm. Tiểu Lưu, hôm nay sao cháu lại ghé thăm bà thế?”

Cảnh sát khu vực nói: “Hai đồng chí này là cảnh sát ở cục Công an quận, muốn hỏi bà một số thông tin ạ.”

Lý Khinh Diêu vừa cười vừa nói: “Cháu chào bà Triệu. Cháu họ Lý, bà cứ gọi cháu Tiểu Lý là được ạ. Dạo này chúng cháu đang điều tra một vụ án liên quan đến phòng khám bất hợp pháp. Bà biết đấy, những phòng khám chui hại người vô cùng. Thế nên chúng cháu muốn hỏi bà, bà còn nhớ thời trẻ cô Lý Mỹ Linh từng làm việc ở phòng khám nào không ạ?”

Bà cụ nhìn cô, rồi nói: “Các cháu đợi một lát.” Bà đứng dậy, Lý Khinh Diêu đỡ ngay lấy bà, nhưng bà lại nói không cần, gạt tay Lý Khinh Diêu ra rồi một mình đi vào trong phòng.

Một lát sau, bà ấy mang ra một cái hộp giày nhỏ. Cảnh sát khu vực đứng dậy nhận lấy và đặt hộp giày lên bàn uống nước.

Bà cụ đeo kính lão, dịu dàng nói. “Những giấy tờ hồi bé và thời trẻ của Mỹ Linh bà đều cất ở đây. Con bé nói không cần nữa, nhưng bà không nỡ vứt đi.”

Lý Khinh Diêu và Trần Phổ bắt đầu xem từng món đồ bên trong. Có bằng tốt nghiệp Tiểu học, bằng tốt nghiệp Trung cấp, bằng điều dưỡng. Còn có một tấm thẻ nhân viên bệnh viện, ghi rõ là bệnh viện Hoa Vượng Thành phố. Lý Khinh Diêu nhớ bệnh viện này, vì hồi còn nhỏ cô từng nghe nói đến, đó là một bệnh viện tư nhân khá to lúc bấy giờ, nhưng sau đó đã đóng cửa.

Trần Phổ lấy ra một bản hợp đồng lao động, bản hợp đồng chỉ là một tờ giấy mỏng tang, nhìn là biết không chính quy. Hai bên ký kết hợp đồng là Lý Mỹ Linh và “Phòng khám Viễn An”. Người ký tên bên dưới là Lý Mỹ Linh và một người tên là Tôn Viễn An. Ngày ký kết hợp đồng là năm 2001, lúc đó Lý Mỹ Linh 22 tuổi.

“Bà có nhớ cô Lý Mỹ Linh làm việc tại phòng khám này bao lâu không ạ?”

“Cũng khá lâu. Hồi ấy khó tìm việc, trình độ học vấn của nó cũng không đủ để vào bệnh viện chính quy. Chắc là bảy, tám năm gì đó.”

Lý Khinh Diêu lại hỏi: “Chúng cháu có thể mượn những món đồ này không ạ? Chúng cháu hứa sẽ không làm hỏng, dùng xong sẽ trả lại cho bà.”

Cảnh sát khu vực cũng nói: “Bà Triệu, đồng chí cảnh sát điều tra cũng vất vả lắm ạ. Chúng ta nên giúp đỡ các đồng chí bà nhỉ?”

Bà Triệu gật đầu, “Các cháu cứ cầm đi đi.”

Lý Khinh Diêu lại trò chuyện với bà cụ thêm một lúc về những chuyện liên quan đến Lý Mỹ Linh hồi xưa, sau đó đứng dậy tạm biệt bà cụ. Khi bà Triệu tiễn họ ra đến cửa, bà hỏi: “Có phải Mỹ Linh nhà bà làm việc gì trái pháp luật không?”

Lý Khinh Diêu nhìn Trần Phổ, Trần Phổ mỉm cười, vừa định lảng tránh thì bà cụ lại nói: “Đứa con gái này đã không nhận bà từ mười lăm năm trước rồi. Nó học kém, tâm thuật bất chánh, chỉ muốn há miệng chờ sung. Thời trẻ nó đã chê bố mẹ vô dụng. Sau này chúng ta không chịu cho nó tiền nữa, nó liền cắt đứt quan hệ với chúng ta, sợ bị bố mẹ già liên lụy. Là bà không dạy dỗ nó nên người. Nó là con út, từ nhỏ đã xinh đẹp, bà và bố nó, cả anh trai và chị gái nó đều chiều chuộng nó, chiều hư cả đi.”

Vì khó đáp lại câu này nên Lý Khinh Diêu và Trần Phổ không nói gì.

Bà cụ lại nói: “Bà đã coi như không có đứa con gái này từ lâu rồi. Nhưng nếu sau này các cháu điều tra ra được kết quả, dù tốt hay xấu thì cũng hãy báo cho bà lão này biết nhé?”

Nhìn đôi mắt đỏ hoen của bà cụ, Trần Phổ trịnh trọng trả lời: “Cháu hứa với bà.”

Trần Phổ và Lý Khinh Diêu quay về trước tấm bản đồ.

Dù là hai mươi năm trước hay bảy năm trước, ở Tương Thành chỉ có một phòng khám duy nhất tên là “Phòng khám Viễn An” và chưa từng đổi tên. Người đứng đầu phòng khám luôn là bác sĩ Tây y Tôn Viễn An. Theo sổ hộ khẩu, năm nay Tôn Viễn An đã 53 tuổi, mất vợ từ khi còn trẻ, và không tái hôn. Tôn Viễn An có một người con gái tên Tôn Chỉ Lan, 28 tuổi, là giáo viên dạy Ngữ Văn Tiểu học.

Trần Phổ dùng bút đỏ khoanh tròn phòng khám Viễn An trên bản đồ. Anh để bút xuống bàn, tựa người vào thành bàn, Lý Khinh Diêu cũng nhìn chằm chằm vào bản đồ.

Phòng khám Viễn An nằm trong Gia viên Triều Dương, và vẫn luôn nằm ở đó.

Ký túc xá nhà máy cơ khí gia đình Hướng Tư Linh sống cách Gia viên Triều Dương khoảng 1,5km. Phòng khám Viễn An cách nhà Hướng Tư Linh chưa đầy 2km.

Chạng vạng tối, mùi khói dầu và hương thơm tỏa khắp đầu đường cuối ngõ Gia viên Triều Dương.

Phòng khám Viễn An nằm tại phòng 101 – 103, đơn nguyên 2, tòa số 3, Gia viên Triều Dương. Tòa nhà này nằm ngay mặt đường, tầng trệt được cải tạo thành cửa hàng có lịch sử lâu đời và được mặc định là phù hợp. Phòng đã rất cũ rồi, nhưng nhìn từ bên ngoài vào, phòng khám vẫn rất rộng rãi. Giờ này mà vẫn còn hai, ba người đang truyền dịch.

Trần Phổ hỏi Lý Khinh Diêu: “Em đói không? Hay chúng ta đi ăn trước đã nhé?”

Lý Khinh Diêu nói: “Em muốn điều tra rõ ràng đã, không muốn đợi thêm nữa.”

Trần Phổ gật đầu, móc trong túi ra một viên sô cô la và đưa nó cho cô.

Lý – từ lâu đã quên kiểm soát lượng đường – Khinh Diêu lắc đầu: “Em không ăn thực phẩm có lượng đường cao.”

Trần Phổ bóc sô cô la, nói: “Sô cô la đen nguyên chất, không đường.” Nói xong, anh cầm phần bao bì chưa xé, rồi nhét thẳng sô cô la vào miệng cô.

Lý Khinh Diêu bị ép ăn sô cô la vẫn bình tĩnh nhai rồi hỏi: “Sao anh lại mua cái này?”

“Tôi mua từ lâu rồi, mua để bổ sung năng lượng. Sáng nay ra khỏi nhà nhìn thấy nên mang theo.”

—Hết chương 94—


Mẹo: Bạn có thể sử dụng Trái, Phải, phím A và D để tới các chương.