Đàn Đạo Nhất tiễn Nguyên Dực xong quay lại, trông thấy A Na Côi kiễng chân xoay tròn dưới hiên. Nàng vẫn ăn mặc như đồng nô, tay áo hẹp đuôi áo ngắn, quần rộng thùng thình, để lộ cổ tay trắng muốt mảnh khảnh, vẻ mặt chìm đắm như mình vừa hóa thân thành hồ điệp bay múa tung tăng, kì thực vào mắt Đàn Đạo Nhất cũng chỉ là một con thiêu thân xám đang vỗ cánh phành phạch.
“Oan gia ơi, nhớ mãi thôi, hôm nay tới, mừng khôn nguôi…” A Na Côi ngâm nga giai điệu hân hoan, uyển chuyển xoay người, thấy Đàn Đạo Nhất vượt qua nàng đi vào phòng, A Na Côi vội vã chạy theo.
“Tôi vào được chứ, lang quân?” Chưa bước qua ngưỡng cửa, A Na Côi nhớ đến lời Đàn Đạo Nhất khuyên bảo, nàng bám khung cửa, khách sáo hỏi.
Không nghe thấy Đàn Đạo Nhất trả lời, nàng bèn coi như chàng chấp thuận. Nhận được lời hứa hẹn của Nguyên Dực, A Na Côi rất vững dạ, nhảy qua ngưỡng cửa, nàng há miệng liền nói: “Tôi không muốn giả trang nam nhân nữa!”
Đàn Đạo Nhất gối đầu lên hai cánh tay nằm trên giường, ngắm màn lụa xanh phất phơ ngẩn người, A Na Côi “này” một tiếng, chàng lơ đễnh nói: “Ngươi muốn giả trang thành gì?”
A Na Côi mím đôi môi đỏ, trong mắt óng ánh không giấu được khấp khởi, nàng bất giác uốn eo, sẵng giọng: “Không giả trang gì hết, tôi vốn là con gái mà!”
“Tùy ngươi.” Đàn Đạo Nhất hờ hững ném lại một câu.
A Na Côi chớp mắt chờ đợi, Đàn Đạo Nhất mãi không cử động, cũng chẳng nói gì tiếp.
A Na Côi nổi giận, nàng vừa không có tiền, vừa không có thân phận, cũng chẳng có tiếng nói gì với quản gia, chẳng lẽ lột váy vóc trâm vòng của tì nữ xuống lấy cho mình?
Chửi rủa Đàn Đạo Nhất một trận trong lòng, A Na Côi lại gần, dè dặt quan sát vẻ mặt Đàn Đạo Nhất.
Đàn Đạo Nhất hốt nhiên xoay người xuống giường, đi tới trước bàn giá đỡ.
“Vậy…” Nàng thoái lui cầu cái khác, nói với bóng lưng chàng: “Tôi không muốn bị gọi là Nhu Nhu nữa.”
Đàn Đạo Nhất mở hộp kiếm, rút ra một thanh trường kiếm, thờ ơ xoay người.
A Na Côi sợ đến vụt so vai, tưởng chàng định giết người. Môi nàng run run, ngập ngừng nói: “Anh muốn gọi là gì thì gọi…”
“Ra vẻ.” Đàn Đạo Nhất khẽ nguýt, vòng qua nàng đi ra sân.
Chuyện mượn sức Đàn gia đã là tình thế bắt buộc đối với Nguyên Dực. Một tuần1 sau, Đàn Tế gọi Đàn Đạo Nhất tới, trỏ vào phong thư trên bàn, nói: “Thúc phụ con gửi thư từ Kinh Châu, nói Nguyên Dực muốn ghi tên một ái thiếp dưới danh nghĩa chú ấy, sung làm thứ nữ Đàn gia, chú con hỏi ta có được hay không – Con có biết chuyện này không?”
1 Tuần ở đây tính theo lịch cổ Trung Hoa, một tuần có mười ngày, một tháng có ba tuần.
Đàn Đạo Nhất kinh ngạc với tốc độ hành động của Nguyên Dực, “Điện hạ từng đề cập với con, con nói không được.”
Đàn Tế gật đầu, “Ta không muốn có bất kì liên hệ gì với Nguyên Dực, con cũng không được.” Đàn Tế nghiêm nghị nhìn vào mắt Đàn Đạo Nhất.
Muốn giấu cũng chẳng giấu nổi nữa, khoảng thời gian này Đàn Đạo Nhất bị A Na Côi quấy nhiễu đến phiền lòng nhọc tâm, dứt khoát thẳng thắn, “Cô gái ấy hiện đang ở trong phủ chúng ta.”
Đàn Tế tức thì trợn trừng mắt, nhảy dựng lên chỉ vào Đàn Đạo Nhất mắng: “Con thay Nguyên Dực nuôi kĩ thiếp ngay dưới mí mắt ta?”
Đàn Đạo Nhất không khỏi giải thích: “Không phải thiếp của ngài ấy…”
“Không phải thiếp của hắn, chẳng lẽ là thiếp của con? Con nuôi nó làm gì?”
Đàn Đạo Nhất bị ông hỏi cứng họng, há miệng lè lưỡi.
Ánh mắt Đàn Tế không dấu vết dò xét vẻ mặt chàng, “Con dắt người đến đây cho ta xem.”
Đàn Đạo Nhất ngạc nhiên. Đàn Tế vểnh ngón tay thành hình hoa lan, chậm rãi vân vê một sợi râu, mặt tỏ vẻ cao thâm khó dò.
A Na Côi biết Đàn Tế muốn gặp mình, hưng phấn đến độ tim đập thình thịch. Nàng kìm nén kích động, đi đến trước mặt Đàn Tế thi lễ, mặt cười mỉm, thận trọng đoan trang.
Đàn Tế tỉ mỉ quan sát nàng mấy lượt, giọng điệu cũng ôn hòa hơn vài phần, “Con tên gì?”
A Na Côi thoáng ngó Đàn Đạo Nhất, cao giọng đáp: “Con tên A Tùng ạ.”
“Không có họ à?”
“Con mất cha mẹ từ nhỏ, không biết họ gì.”
Đàn Tế lấy làm cảm khái, “Thật là một đứa trẻ đáng thương.” Ông lại hỏi: “Thi từ ca phú, cầm kì thư họa, biết những cái nào?”
A Na Côi ngập ngừng, đáp: “Con biết hát ạ.”
Đàn Tế gật đầu khen ngợi, “Nghe giọng con như chim hoàng anh vậy, có giọng ca đẹp cũng chẳng thua gì cầm kì thư họa. Con hát một bài cho ta nghe thử đi.”
Đàn Đạo Nhất nhếch mép, không ngăn cản. A Na Côi có lòng muốn khoe giọng trước mặt Đàn Tế, làm ông hài lòng, nàng mở bả vai, tay nhón đai lưng, tựa một cành sen mới ngậm nụ sắp nở, cất tiếng hát véo von, “Oan gia ơi, nhớ mãi thôi, hôm nay tới, mừng khôn nguôi. Chẳng cởi áo, ôm ấp nhau. Ôm một cái, tan ưu sầu, ấp một cái, tiêu lo âu, hận không thể chung chăn chung gối…”
Đàn Tế phun sạch ngụm trà ra ngoài, mặt mo đỏ bừng trách cứ: “Thô tục!”
A Na Côi đang hát dở thì bị ông quát dừng, ngượng ngùng ngậm miệng, nghĩ bụng: Thì ra ông cũng là một ông già giả đứng đắn, bảo sao sinh ra một ông con giả đứng đắn. Nghĩ vậy, miệng nhỏ như củ ấu không nhịn được dẩu lên. Đàn Tế thấy nàng tiểu mỹ nhân non nớt nũng nịu vậy, lại không nỡ mắng mỏ, hắng giọng nói: “Bài này không hay, sau này đừng hát nữa.”
A Na Côi vội gật đầu, “Vâng, sau này con sẽ không hát nữa.”
Đàn Tế gật đầu, toan răn dạy nàng thêm mấy câu, quay đầu lại, thấy Đàn Đạo Nhất hãy còn ở đây, ông kinh ngạc hỏi: “Sao con còn chưa đi?”
Đàn Đạo Nhất điềm nhiên như không, “Con đang hầu chuyện phụ thân mà.”
“Không cần con nữa,” Đàn Tế phất tay với chàng, “Con đi đi.”
Đàn Đạo Nhất đành di chuyển hai chân, ra đến ngoài cửa, chàng đặt bước rón rén, khẽ khàng áp sát bên cửa sổ, dỏng tai lắng nghe.
“Khụ!” Đàn Tế lớn tiếng ho khan, gọi nô bộc: “Đến chỗ lang quân các ngươi, bảo nó là ta đã chuẩn bị sẵn quà lễ Tết Trùng Cửu, nhắc nó mấy ngày nữa đích thân đến nhà họ Tạ biếu nhạc phụ.”
Nô bộc ứng tiếng đi ra, Đàn Đạo Nhất khẽ nhíu mày, nhanh chóng rời đi.
Trở lại chỗ ở, Đàn Đạo Nhất trầm ngâm suy tư, song nghĩ mãi vẫn không xác định được dụng ý của Đàn Tế, chàng tính toán trong lòng: Đợi Nhu Nhu trở lại, chàng chỉ cần bóng gió hai ba câu là có thể hỏi được đầu đuôi sự việc ấy mà.
Trong lòng bình tĩnh hơn, chàng khẽ mỉm cười, trong lúc chờ A Na Côi, chàng rảnh rỗi kéo một tờ giấy trắng phau lại, gom ống tay áo, nâng bút nắn nót từng nét hai chữ Nhu Nhu, sau đó viết thêm hai chữ A Tùng sang bên cạnh.
Hai chữ này đặt canh nhau, chàng nhìn một hồi, nghĩ thầm: Thể chữ lệ tròn vành dày dặn, hợp viết chữ Nhu, mà cô tùng trên đỉnh núi tuyết thì thiên tư xuất chúng, phóng khoáng tiêu sái, dùng hành thảo vẫn thỏa đáng hơn. Thế là lại giật thêm một trang, một lần nữa viết xuống.
Chàng dậy hứng, múa bút không ngừng, chẳng biết thời gian vụt trôi thoăn thoắt. Chợt nghe tiếng người xì xầm bên ngoài, Đàn Đạo Nhất tưởng là A Na Côi lại đang tác quái ở đâu, lạnh mặt hỏi: “Chuyện gì thế?”
Nô tì thõng tay đi vào, bẩm báo: “Lang chủ muốn chuyển A Tùng sang biệt viện ở, chúng nô trở về thu dọn y phục chăn nệm cho A Tùng.”
Đàn Đạo Nhất sửng sốt, đặt giấy xuống đứng dậy, hỏi: “Dọn sang biệt viện nào?”
“Sang vườn bên kia tường ngăn ạ. Lang chủ nói A Tùng là nương tử chưa xuất giá, ở đây không tiện.”
Đàn Đạo Nhất bất giác nở một nụ cười thư thái, nói: “Tốt lắm.” Thấy mấy tì nữ kia ra ra vào vào phòng A Na Côi, Đàn Đạo Nhất lại hỏi: “Sao nó không tự quay lại một chuyến?”
“Nó ạ?”
Đàn Đạo Nhất định gọi tên Nhu Nhu, lời chưa kịp ra khỏi miệng lại không tình nguyện sửa thành: “A Tùng.”
Tì nữ cười bảo: “Những việc nặng này cứ để chúng nô làm là được.”
Đàn Đạo Nhất nhíu mày, nghĩ đến nghi hoặc lúc trước của mình – A Na Côi không trở lại ngay, Đàn Tế cố ý ra vẻ thần bí. Chàng dứt khoát lắc đầu, lười truy cứu.
Vừa cúi đầu xuống mới ý thức được mình đã viết rất nhiều Nhu Nhu và A Tùng. Vốn nghĩ có thể cho nàng làm mẫu viết phỏng theo, hiện giờ không cần nữa, Đàn Đạo Nhất vo giấy ném đi.
Mấy ngày sau đó không còn chạm mặt A Na Côi. Lúc đi lại dưới hiên nhà yên ắng, thi thoảng Đàn Đạo Nhất nghe thấy tiếng sáo trúc mỏng manh bên kia tường. Tuy Đàn Tế không nạp thiếp nhưng vẫn có mỹ tì nhạc kĩ đồng liêu biếu tặng, đều nuôi ở biệt viện. Đàn Tế ít khi đến biệt viện, bên kia cũng ít khi có động tĩnh, hai ngày nay lại náo nhiệt khó hiểu, đại khái là vì có A Na Côi chui vào.
Nguyên Dực không chờ được hồi âm từ Kinh Châu, không thể đợi tiếp nữa bèn đến nhà họ Đàn tìm hiểu tin tức, “Sao không thấy A Na Côi đâu?” Hắn lượn một vòng trong phòng xép không bóng người, hỏi Đàn Đạo Nhất.
“Dời đi rồi.”
Nguyên Dực “ồ” một tiếng, gọi một tì nữ lại, hỏi thăm tình hình ở biệt viện. Đàn Đạo Nhất cũng hơi hiếu kì, nghe rất chăm chú. Tì nữ kia nói: “A Tùng bây giờ bận lắm ạ, lang chủ mời mấy vị sư phụ dạy nàng thi từ ca phú, cầm kì thư họa, còn thường xuyên gọi A Tùng đi nói chuyện.”
“Nói cái gì?”
Tì nữ lắc đầu, “Lang chủ không cho nô nghe.”
Nguyên Dực nhíu mày, đợi tì nữ lui ra rồi, nói với Đàn Đạo Nhất: “Phụ thân cậu đang nuôi dạy A Na Côi như con gái. Theo cậu, có phải ông ấy định gả A Na Côi cho ta không?”
Đàn Đạo Nhất liếc xéo hắn, trầm tư không nói gì.
Nguyên Dực thả sức tưởng tượng một hồi, cười nói: “Chẳng biết bây giờ A Na Côi ra làm sao, ôi, thực ra nếu nó thật sự bị nuôi dạy thành thục nữ như con gái Tạ Tiện thì hết thú vị rồi.”
Đàn Đạo Nhất không nhịn được bật cười, “Nó ấy à?”
“Ha, cậu có thành kiến với cô nhóc sâu thế. Chẳng lẽ là vì nó nhìn trúng ta mà không nhìn trúng cậu?” Nguyên Dực đắc ý xoa mặt, hơi cảm thấy tiếc nuối vì không gặp được A Na Côi, hắn rủ Đàn Đạo Nhất, “Ra ngoài uống rượu đi, nghe nói tên môn khách họ Tiết bên cạnh thái tử kia thường hay lêu lổng ở thị lâu1 gần cầu Chu Tước, chúng ta đi gặp hắn thử xem.”
1 Là công trình kiến trúc thường được xây ở khu vực trung tâm mua bán của thành thị thời cổ đại, là nơi quan lại quản lý có thể nhìn được toàn cảnh thành thị, cũng là đơn vị quản lý chợ và hoạt động mậu dịch.
Đàn Đạo Nhất vui vẻ đồng ý, đang định ra ngoài thì bị gia nô ngăn cản, “Chủ nhân nói hôm nay tiểu lang quân phải trai giới, không nên ra ngoài.”
Đàn Đạo Nhất mất hứng hết sức, đành hậm hực tạm biệt Nguyên Dực, trở về phòng giả bộ nhắm mắt tĩnh tọa, trong đầu vùn vụt xoay chuyển, lúc thì nghĩ đến thái tử và Tiết Hoàn, lúc thì nghĩ đến Nguyên Dực và Đàn Tế, sau cùng nghĩ cả một chút về A Na Côi mà chàng ghét cay ghét đắng.
“Anh lúc mỉm cười lúc nhíu mày là đang trúng tà à?”
Đàn Đạo Nhất mở bừng mắt, khuôn mặt của A Na Côi đập vào mắt. Nàng vịn bàn chống cằm, ngoẹo đầu, mái tóc đen vấn thành một búi phi thiên trên đầu, bên tóc cài một cây trâm hoa ngọc, giữa trán điểm hoa điền đỏ thắm. A Na Côi chạy vội tới đây gặp Nguyên Dực, vạt áo lỏng ra, hoa cũng bị lệch, nào ngờ vồ hụt, nàng thực sự uể oải, cầm khăn lụa mềm lịch sự thấm mồ hôi rịn trên trán, nói: “Trong đầu anh toàn nghĩ chuyện không nên nghĩ, thế mà cũng gọi là tĩnh tọa à?”
Đàn Đạo Nhất nhắm mắt, chậm rãi thở ra, gương mặt trầm tĩnh lãnh đạm: “Chuyện gì mà không nên nghĩ?”
“Sao mà tôi biết được.” Đạo hạnh A Na Côi hãy còn thấp, mới mấy câu nói đã không duy trì được cẩn trọng nữa, nàng xách váy nhảy cẫng lên, “Tôi có ở trong đầu anh đâu.”
Đàn Đạo Nhất không muốn lý tới nàng. A Na Côi càng xách váy cao hơn, cố ý để lộ đôi giày tơ đính minh châu, đi vòng vòng từ trước mặt ra sau lưng Đàn Đạo Nhất hòng làm chàng chú ý tới chiếc váy lộng lẫy phức tạp, tầng tầng lớp lớp của mình. Nhưng chàng nhắm mắt không nói, tựa như thật sự nhập định, A Na Côi không nhịn được đẩy chàng một cái, “Vì sao anh không nhìn tôi?”
Đàn Đạo Nhất liếc xéo, “Nhìn cái gì?”
A Na Côi kiễng chân nhẹ nhàng xoay tròn mấy bước, “Nhìn xiêm y của tôi, nhìn giày tôi,” Nàng chỉ vào đôi môi tô son của mình, “Cả cái này nữa, đẹp không?”
“Không đẹp.”
Cảm giác đắc chí tức thì biến mất, A Na Côi thẹn quá hóa giận, hứ một tiếng, “Mắt anh mù rồi.”
Đàn Đạo Nhất mỉm cười, “Mù cũng tốt hơn là ngốc.”
“Ai ngốc?” A Na Côi nhạy bén trừng mắt qua.
Đàn Đạo Nhất không tiếp lời, chàng hỏi như bâng quơ: “Nghe nói phụ thân ta thường đích thân gọi ngươi đi nói chuyện, nói những cái gì?”
A Na Côi nghiêng mặt nhìn chàng, nàng chớp mắt, nói: “Nói anh ngỗ nghịch bất hiếu, chọc ông ấy tức muốn chết.”
Đàn Đạo Nhất sa sầm mặt, biết A Na Côi đang lừa mình, chàng ngậm miệng, trong lòng mấy ngày nay sao mà bực bội bức bối, như mắc nghẹn trong họng, khạc ra không được nuốt vào không xong. Chàng cân nhắc mấy lượt, ngoắc tay với A Na Côi, “Ngươi lại đây chút.”
Thịch một tiếng, A Na Côi chống hai cùi chỏ lên bàn, nàng ghé sát lại gần, phe phẩy hàng mi nhìn chàng, “Cái gì?”
“Ông ấy, không có cử chỉ bất nhã gì, trước mặt ngươi chứ?”