5.
Em gái ngây thơ nói: “Chị muốn học cấp ba thì cứ đi học đi, em học cấp 2 ở quê cũng có khác gì đâu.”
Ba mắng nó: “Con thì biết cái gì mà nói! Ở quê sao bằng trong thành phố được!”
Sau khi im lặng rất lâu, cuối cùng tôi siết chặt tay nói: “Thế thì con không học cấp ba nữa. Cô chủ nhiệm bảo thành tích của con mà học ở trường trung cấp chuyên nghiệp sẽ được miễn học phí.”
Tôi van nài: “Ba mẹ chờ con tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp được không ạ? Con chắc chắn sẽ đưa hết cho ba mẹ tiền mà con kiếm được trong 3 năm.”
Bây giờ nhìn lại, tôi có thể hiểu tại sao khi ấy ba mẹ lại lựa chọn như thế.
Tài lực trong nhà chỉ có từng ấy, họ cần phải tập trung đầu tư cho người có thành tích tốt hơn.
Tôi chỉ là một đứa bình thường, chắc chắn phải từ bỏ.
Nhưng nếu có cơ hội quay trở lại, tôi chắc chắn sẽ kêu khóc, lăn lộn, quỳ xuống cầu xin, bằng mọi giá phải đi học cấp ba.
Bà nội và bác gái đều trách tôi: “Mày là cái đứa vô tâm, không biết nghĩ cho ba mẹ gì cả. Mấy đứa con gái khác trong thôn đứa nào cũng đi làm, thành tích mày đã không tốt mà còn đòi đi học tiếp, vô tích sự!”
Các dì trong thôn cũng khuyên ba mẹ tôi:
“Bây giờ tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp xong ít việc làm, học cũng chẳng có tác dụng mấy, con trai thì chẳng nói làm gì, nó là con gái, làm gì phải tốn tiền như thế?”
“Để con bé đi làm rồi kiếm tiền xây nhà cho anh chị ấy. Cái nhà gạch này chẳng biết còn chống được bao lâu.”
Trước khai giảng, khi mẹ đưa tiền sinh hoạt cho tôi thì dặn dò lại: “Ba mẹ nuôi con vất vả lắm, tiêu tiền phải tiết kiệm nhé.”
Trường trung cấp chuyên nghiệp ở trong thành phố, chi phí sinh hoạt khác một trời một vực với nông thôn.
Một tháng 200 đồng miễn cưỡng đủ tiền ăn.
Vào thời điểm đó, internet xuất hiện.
Tôi cũng tạo một tài khoản QQ.
Khi nhắn tin với Hương Hương, cô ấy bảo: “Việc ở đây méo phải việc cho con người làm nữa rồi! Bọn tớ làm 12 tiếng một ngày, mỗi tháng được nghỉ 4 ngày, không làm đủ số lượng còn bị trừ tiền.”
“Ngày nào cũng nhìn đống linh kiện đấy, tớ sắp điên đến nơi rồi.”
“Hạ Hạ, tớ thấy đi học vẫn tốt nhất. Đối diện chỗ làm của bọn tớ có một công ty nước ngoài, những nhân viên ở đấy ai cũng mặc áo trắng, tô son, đi giày cao gót. Trông họ nhàn nhã lắm.”
Thời bấy giờ phim Hàn rất nổi nên tôi chọn chuyên ngành tiếng Hàn thương mại.
Tôi tự đặt ra một mục tiêu: Nhất quyết phải được vào làm văn phòng ở một công ty nước ngoài.
Tuy không liều mạng bằng hồi cấp 2 nhưng tôi cũng không lười biếng, vô cùng chăm chỉ.
Nếu nhóm bạn cùng phòng tôi đi quán net để chơi game, xem phim thì tôi tra tư liệu hoặc luyện nói theo phim Hàn.
Đúng 6 giờ sáng hàng ngày tôi sẽ thức dậy, chạy bộ, ăn sáng, học bài rồi đến trường.
Ngoài giờ học, trừ khi đi làm thêm thì hầu hết thời gian tôi đều ở thư viện.
Tôi đọc rất nhiều sách.
Khi đó còn trẻ, tôi không biết được quyển nào tốt nên cái gì cũng đọc.
Môi trường học hành ở trường tôi khá kém. Cả trường chẳng có mấy ai chịu học.
Cả trai lẫn gái đều để kiểu đầu “Smart”(*).
(*)Kiểu tóc Smart: Mấy chế cứ gõ HKT ra là mường tượng được kiểu tóc ấy.
Nữ thì trang điểm mắt khói đậm đến nỗi không nhìn thấy con ngươi. Nam thì xỏ khuyên, hút thuốc.
Có người còn ôm hôn, sờ soạng nhau ngay trong căng tin trường.
Chỉ cần không chết người, giáo viên đều nhắm mắt làm ngơ.
Để tiết kiệm tiền đi lại nên ngày thường tôi rất ít về nhà.
Mỗi lần gọi điện cho mẹ, bà luôn dặn đi dặn lại tôi: “Ở trường nhớ phải ngoan ngoãn, tiêu tiền cẩn thận, ba mẹ vất vả lắm mới kiếm được tiền đấy.”
Tôi rất hiếm khi mua quần áo mới, lúc nào cũng chỉ có hai bộ nội y mặc đi mặc lại, đồ trang điểm thì chưa từng chạm vào.
Đi chơi với bạn cùng phòng, dù chỉ tiêu 2 đồng mua món đồ uống rẻ nhất là nước chanh tôi cũng thấy có lỗi.
Đúng vậy, lời dặn của mẹ khiến từng đồng tôi tiêu đều có cảm giác tội lỗi vô cùng.
Điều này khiến nhiều năm sau dù đã tự kiếm được tiền, mỗi lần đi mua đồ tôi cũng luôn xem giá đầu tiên.
Mặc dù tôi biết mình đủ khả năng mua chiếc áo đấy nhưng vẫn không có tự tin.
Sự nghèo khó đã khắc sâu vào xương máu của tôi.
Tôi tốn rất nhiều thời gian mới khiến nó phai bớt.
Nhưng chắc cả đời này tôi cũng không thể xóa bỏ nó hoàn toàn.
Ở trường, có một học sinh tên Triệu Lượng rất đẹp trai học trên hai khoá thích tôi.
Anh ta theo đuổi tôi hơn hai tháng, ngày nào cũng mua thức ăn chờ tôi dưới ký túc xá.
6.
Bạn cùng phòng khuyên tôi đồng ý làm bạn gái anh ta.
“Người ta đẹp trai thế còn gì, nghe nói nhà anh ấy cũng giàu nữa.”
“Anh ấy đối xử với cậu cũng tốt mà, cứ thử hẹn hò xem.”
Tôi từ chối.
Hút thuốc, uống rượu, đánh nhau trong mắt mấy cô bé 15, 16 tuổi là ngầu, đẹp trai, có cá tính nhưng tôi không thích.
Khoảng một tháng sau, Triệu Lượng có bạn gái mới, là một sinh viên đại học của ngôi trường gần đây.
Anh ta mang bạn gái mới đi khoe khắp nơi. Nhiều học sinh nam trong trường vô cùng ngưỡng mộ, khen anh ta tài giỏi.
Triệu Lượng còn cố ý lượn lờ trước mặt tôi.
Buổi tối, khi trò chuyện với bạn cùng phòng, họ vô cùng tức giận.
“Mới bao lâu mà đã yêu ngay được người khác rồi.”
“Tớ thấy nhỏ đấy cũng chẳng ra gì, lớn hơn bọn mình tận 3, 4 tuổi, đã thế còn chẳng đẹp bằng Hạ Hạ.”
Sau khi chê bai một hồi, trưởng phòng ký túc nói: “Nhưng nhỏ đấy học đại học, là sinh viên chính quy đàng hoàng.”
Ký túc xá bỗng chốc lặng ngắt như tờ.
Chúng tôi đều hiểu giữa bản thân và cô ấy là một khoảng cách xa vời đến nhường nào.
Do học vấn của cô gái ấy nên mấy học sinh nam kia mới ngưỡng mộ Triệu Lượng, vì anh ta nhảy qua được khoảng cách xa vời vợi này, nắm lấy tay người đối diện.
Cô gái kia cứ như không phải đi học vậy, ngày nào cũng đi cùng Triệu Lượng đến trường chúng tôi.
Em gái tôi đỗ kỳ thi tuyển vào trường cấp hai. Ba mẹ thuê một phòng trọ nhỏ ở thành phố để tiện chăm sóc con bé đi học.
Chuyện này gây náo động trong làng.
Bà nội cầm cái gậy chống gõ liên tục xuống đất mắng: “Chúng mày bỏ nhiều tiền nuôi hai đứa con gái như thế có khác gì vứt tiền cho nhà người ta không? Tiền đấy mày phải để cho cháu trai chứ! Không đến lúc chết chẳng có ai lo thắp hương cúng giỗ cho mày đâu!”
Người trong thôn ai cũng giễu cợt sau lưng, bảo ba mẹ tôi thà kén đứa con rể còn hơn.
Mẹ tôi hít sâu một hơi, bảo em gái nhất định phải cố gắng, rồi lại nói với tôi: “Con cũng phải cố gắng mà học. Khi nào con đi thực tập rồi ba mẹ sẽ đỡ vất hơn.”
Thành phố nhỏ ấy cũng không có nhiều việc, ba mẹ đẩy xe đi bán hủ tiếu xào, lắm hôm bị quản lý thành phố đuổi, khó khăn lắm mới kiếm đủ ăn.
Chương trình đào tạo của trung học chuyên nghiệp kéo dài ba năm, hai năm đầu chỉ học ở trường, từ nghỉ hè năm thứ 2 trường sẽ cho học sinh tới nhà máy thực tập.
Tôi từ chối và đi cùng mấy người bạn vẫn luôn chăm chỉ học tập ở trường tự tìm việc làm.
Mấy năm nay thành tích của tôi vẫn luôn dẫn đầu.
Tôi đã tham gia vài cuộc thi và giành được giải thưởng.
Cũng có chút lợi thế ấy chứ.
Tôi mua một bộ đồ công sở, nhờ bạn cùng phòng trang điểm cho mình.
Hôm đó thời tiết rất đẹp, tôi bước ra cửa, ánh nắng rực rỡ.
Là điềm tốt.
Tôi cầm sơ yếu lý lịch của mình, tràn đầy tự tin và hy vọng đến phỏng vấn ở một công ty nước ngoài.
Không ngờ tôi lại gặp phải cô sinh viên nọ, cô ấy là một trong số những ứng viên của buổi phỏng vấn.
Ban đầu tôi hơi hoảng sợ nhưng sau đó nhanh chóng bình tĩnh lại.
Chị ta trốn học suốt ngày, không ở tiệm net thì cũng có mặt tại quán bar.
Mà tôi thì luôn chăm chỉ học tập.
Trong thời gian chờ phỏng vấn, tôi vẫn ôn đi ôn lại trong đầu bài giới thiệu bản thân bằng tiếng Hàn, cố gắng luyện trôi chảy, không để mắc một lỗi nào.
Cuối cùng người phỏng vấn cũng tới.
Cô ấy liếc qua tập sơ yếu lý lịch, sau đó chia thành hai nửa trái phải.
“Lý Lâm, Trương Khải, Lý Bích, Trịnh Hạ Hạ,…”
Đến tên của tôi rồi!
Tôi nhanh chóng đứng dậy, sẵn sàng chiến đấu.
Thế nhưng câu nói tiếp theo của người phỏng vấn đã tạt cho tôi một gáo nước lạnh.