9.
Cầu xin ba mẹ đừng bẻ gãy đôi cánh ước mơ của con.
Xin ba mẹ quay lại nhìn đứa con gái bình thường nhưng vẫn luôn cố gắng nỗ lực hết mình này một lần.
Em gái tôi khóc: “Mẹ ơi, cho chị đi học đi ạ, con không học thêm nữa. Con chắc chắn sẽ đạt được hạng nhất khóa.”
Từ đầu đến giờ, ba vẫn luôn im lặng ngồi bên cạnh.
Ông dụi tắt điếu thuốc nói: “Chỉ một năm thôi, nếu không đỗ thì phải ngoan ngoãn đi làm, lấy chồng nghe chưa?”
Đêm đó, em gái ngủ cùng tôi trên chiếc giường nhỏ.
Em ấy nói nhỏ: “Chị ơi, bây giờ em mới thấy đạt hạng nhất không dễ xíu nào.”
Nếu coi cuộc đời là một vòng tròn, thì giây phút mỗi người sinh ra chính là điểm bắt đầu của vòng tròn ấy.
Vòng tròn càng lớn, chúng ta càng phát hiện nhiều điều mà bản thân chưa biết.
Khi ấy, con người sẽ nhận ra bản thân nhỏ bé đến nhường nào.
Có người sẽ lựa chọn rút lui, trở thành một vòng tròn nhỏ bé, hữu hạn.
Nhưng tôi không chấp nhận điều ấy!
Dẫu chỉ là một người bình thường, tôi cũng muốn lan rộng và lan rộng vòng tròn ấy mãi.
Dù khi kết thúc tôi chỉ là một hạt bụi nhỏ bé trong vũ trụ.
Nhưng tôi đã cố gắng hết mình nên sẽ không bao giờ hối hận.
Cuộc đời tôi từ trước đến nay vẫn luôn bị những tiếng chửi rủa vây quanh.
Tiếng bà nội chửi tôi ngu dốt, ngang bướng, mơ mộng hão huyền, không có số làm sinh viên.
Tiếng người trong thôn cười cợt, chế giễu tôi. Bọn họ tin chắc tôi sẽ thất bại, khuyên ba mẹ đừng uổng phí tiền bạc, thà rằng tiết kiệm tiền dưỡng lão.
Đến giữa tháng 7, tôi từ biệt gia đình để đi học ở huyện bên.
Ở cổng thôn, em gái tiễn tôi lên xe.
“Chị ơi, cố lên nhé!”
“Thu Thu à, nếu không muốn ở đây cả đời thì đừng lười biếng nhé. Em không biết chứ chị hơi bị ghen với cái đầu thông minh của em đấy!”
Năm đó em gái lên lớp 8, tôi học lại tương đương lớp 12.
Lớp học lại rất khó theo kịp.
Mọi người đều đã từng học ba năm cấp ba nên đã có gốc, giáo viên chỉ giảng phần luyện tập.
Họ không quan tâm những học sinh kém như chúng tôi có theo kịp không.
Tôi như một trang giấy trắng, ngồi nghe giảng mà như nghe thiên thư(*).
(*)Thiên thư: Sách trời.
Ba mẹ chỉ chu cấp học phí cho tôi.
Vì thế, ngày nào tôi cũng giúp dì đầu bếp ở căng tin rửa mấy chậu bát để được miễn phí ba bữa cơm.
Thức ăn thừa còn cái gì thì tôi ăn cái đấy.
Sau này, thấy tôi làm việc chăm chỉ nên dì thường cố ý để lại đùi gà hoặc thịt kho tàu.
“Con vẫn còn đang tuổi ăn tuổi lớn, ngày nào cũng ăn cơm thừa canh cặn sao được?”
Một bữa tôi có thể ăn 5 lạng gạo(*), hồi ấy chẳng bao giờ lo béo, lúc nào cũng thấy ăn mãi không đủ.
(*)Ở Trung Quốc 5 lạng = 250g.
Cứ mười rưỡi tối ký túc xá sẽ tắt đèn.
Đèn ở hành lang là loại cảm biến, cứ một lúc lại tắt, phải đi qua đi lại để bật lên.
Mùa hè rất nhiều muỗi, nước đuổi muỗi chẳng có tác dụng gì.
Tôi không dám đập vì sợ tạo ra tiếng động làm phiền các bạn khác, đành liên tục vung chân thật mạnh.
Qua một đêm, chân tôi đầy vết muỗi đốt.
Bầu không khí trong trường rất áp lực.
Ai cũng vùi đầu vào học, hiếm khi nói chuyện với nhau.
Tôi không hiểu nhiều chỗ quá nhưng ai cũng bận học, không muốn lãng phí thời gian giúp một người mất gốc.
Cuối cùng, lớp trưởng Giang Tâm không đành lòng: “Tôi dạy cậu!”
Vì luôn bị tôi hỏi bài nên cô ấy khá khó chịu.
Không sao cả.
Một người đã trải qua đòn hiểm của xã hội như tôi sao chùn bước trước xíu khó chịu ấy được?
Đến khi quen dần, tôi phát hiện ra cô bạn này là người rất tốt. Cô ấy sẵn sàng cho tôi mượn hết vở ghi chép, sách bài tập lớp 10 và 11 của mình.
Do đôi mắt phải làm việc liên tục nên thị lực của tôi giảm xuống rất nhanh.
Những con chữ tôi vốn có thể nhìn rõ dần trở nên mờ hơn. Thế nhưng kính mắt rất đắt, tận 100 đồng một chiếc, tôi không có tiền nên đành cố chịu.
Tôi khó khăn nhích từng bậc từng bậc thành tích, từ bét bảng xếp hạng cứ thế lên dần.
Dù cầu nguyện nhiều đến đâu, thời gian cũng không chậm một phút nào vì tôi.
Một học kỳ nhanh chóng trôi qua.
Vào lần thi tháng cuối cùng của học kỳ, tôi xếp thứ 18.
Tôi nhìn bảng điểm, cười rồi lại khóc.
Có lẽ hơn 300 điểm này với học sinh trung học bình thường chỉ là chuyện dễ như nhắm mắt mà thôi.
Nhưng chỉ tôi mới hiểu có được số điểm này khó đến thế nào.
Đêm 30 năm ấy, ba đẩy cửa phòng tôi hỏi: “Con không ra xem Xuân Vãn(*) à?”
(*)Xuân Vãn: Gala mừng xuân của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).
Tôi vẫn cúi đầu ngậm bút, trả lời: “Để lát nữa đi ạ, con làm xong bộ đề này đã.”
Ba đứng ở cửa lặng lẽ nhìn tôi một lúc lâu, sau đó ông đóng cửa ra khỏi phòng.
Tiếng TV ở ngoài bỗng nhỏ đi rất nhiều.
Khi tôi làm xong bài đi ra, chiếc TV màu đang phát bài “Đêm nay khó quên”.
Ngày mùng 2 Tết, bà nội và bác gái nhắc lại chuyện cũ, muốn làm mai cho tôi.
“Tuy là cưới vợ lần hai nhưng người ta cho tận tám vạn sính lễ đấy! Làm mất cơ hội này thì không còn mối nào tốt thế nữa đâu.”
10.
Hiếm hoi mới được một lần ba tôi mạnh mẽ: “Chuyện gả chồng đợi con bé thi xong thì bàn sau.”
Bác gái trợn mắt: “Thanh xuân của con gái chỉ có mấy năm này thôi, đến khi hơn 20 tuổi không còn cái giá ấy nữa đâu, vợ chồng nhà chú không nghe tôi sau này hối hận thì đừng có trách!”
Hết Tết đã là tháng 2, đây là giai đoạn vô cùng gấp rút.
Tôi mắc phải nút thắt trong học tập. Ngồi nhẩm đi nhẩm lại mãi mà không thuộc bài khiến tôi vô cùng lo lắng.
Dì ở căng tin không cho tôi rửa bát nữa.
Tôi khá hoảng vì mẹ chỉ cho 100 đồng tiền sinh hoạt, từng ấy không đủ ăn một tháng.
Dì ấy vừa lau tay lên tạp dề vừa cười với tôi: “Từ giờ ngày ba bữa cứ đến đây ăn, dì không lấy tiền của con đâu. Cứ tập trung mà học nhé, dì tin con sẽ đỗ!”
“Con cảm ơn dì ạ!”
Dì đầu bếp bất ngờ, nói với tôi: “Cứ tưởng con từ chối cơ, dì còn đang chuẩn bị khuyên đây này.”
Tôi phì cười, cười một lát thì đôi mắt bỗng đỏ hoe. Tôi cúi đầu thật sâu: “Con cảm ơn dì.”
Mắt dì ấy cũng đỏ, dì quay người sang chỗ khác, xua tay: “Đi học đi, ngày xưa con của dì mà nỗ lực như thế thì dù có phải đập nồi bán sắt dì cũng cho nó đi học.”
Giang Tâm nhận ra sự lo lắng của tôi.
Trước tiết tự học buổi tối, cô ấy cầm tờ giấy nháp vẽ một cái cây lớn.
“Cậu coi mỗi triều đại lịch sử là một cái cây, năm tháng là thân cây, các sự kiện là cành cây, dần dần viết kín cái cây,… Muốn thuộc cũng phải có mẹo, cậu phải tự tìm ra cách học phù hợp với mình…”
Cô ấy đã cắt phăng nút thắt kìm chân tôi bấy lâu nay.
Tôi loại bỏ hết những suy nghĩ xao nhãng, tập trung học ngày học đêm.
Tháng 6 đã tới.
Cây sơn chi ở dưới ký túc đã nở hoa, hương thơm thoang thoảng tỏa khắp nơi.
Những chiếc xe của kỳ thi đại học nườm nượp tới.
Ngày mùng 6, sau khi ăn cơm tối Giang Tâm rủ tôi đi dạo ở sân thể dục.
Màn đêm dần bao trùm, những tia nắng cuối sắp tắt, nửa khuôn mặt cô ấy chìm trong bóng tối.
“Hạ Hạ này, nếu năm nay không đỗ cậu có thi lại không?”
“Tớ sẽ không còn cơ hội nào nữa.” Tôi nắm chặt tay, “Cậu không cần lo đâu, chắc chắn cậu sẽ đỗ mà.”
“Nhưng tớ muốn đến Phục Đán.”, cô ấy bỗng cầm chặt tay tôi, “Đi thôi, chúng mình tranh thủ chút thời gian cuối cùng làm một bộ đề nữa.”
Mai là ngày thi nên đa số mọi người đều nghỉ ngơi.
Phòng học vắng tanh.
Giang Tâm lôi ra một đề toán từ quyển Hoàng Cương Mật, xé thành 2 phần.
“Mình làm đề này đi, tớ có linh cảm mai chắc chắn sẽ vào đề này!”
Từng giây từng phút trong giờ thi tưởng như dài ra vô tận, vô cùng căng thẳng.
Thi xong, tôi mệt mỏi vô cùng, cả người cứ lâng lâng như đi trên mây vậy.
Sau khi dọn hành lý, tôi chào Giang Tâm và quay về nhà.
“Cảm ơn cậu hôm ấy đã rủ tớ làm đề.”
Cô ấy nở một nụ cười rạng rỡ: “Tớ bảo rồi, chắc chắn trúng đề đấy mà!”
Vì nuôi hai chị em đi học nên giờ ba đang đi làm ở công trường, mẹ tôi thì đẩy xe bán hủ tiếu xào.
Tôi cất hành lý rồi đi tìm mẹ.
Xe đẩy đã quá cũ, khi đạp lên dốc mẹ phải nhổm cả người lên, trông vô cùng vất vả.
Mắt tôi bỗng cay cay, tôi chạy nhanh tới phía sau đẩy xe cho bà.
Mẹ quay đầu, nhìn thấy tôi thì cười tươi, lộ rõ cả nếp nhăn trên mặt: “Thi xong rồi à?”
Bà không hỏi tôi thi thế nào, đến tối khi dán cao cho ba thì mẹ nói: “Con muốn thi đại học ba mẹ cũng cho rồi. Sau này không được trách ba mẹ bất công nhé! Chờ hết vụ thu hoạch thì đi làm nghe chưa?”
Hóa ra họ cũng không tin tôi sẽ đỗ.
Ngày công bố kết quả thi trùng với đại thọ của bà nội.
Mới 5 giờ rưỡi sáng mẹ đã rời giường, đi chợ mua thức ăn, rồi ngồi chuyến sớm nhất về quê.
Trong bếp mẹ tôi bận túi bụi, bác gái thì ngồi ngoài cửa, nhặt rau, rửa rau, tám chuyện hết nửa tiếng.
Khi thức ăn được bày lên bàn, mẹ vẫn đang bận rộn trong bếp.
Vì là đại thọ nên có rất nhiều bạn bè họ hàng đến.
Tổng cộng có 3 bàn tròn.
Ai cũng có chỗ ngồi, chỉ có mẹ là không.
Bà cô gọi mẹ tôi vẫn đang loay hoay trong bếp: “Quế Hoa à, không làm nữa cháu, ra đây ngồi ăn đi!”
Bà nội gõ chén: “Kệ nó, tính nó thế, không thích ngồi ăn ở bàn.”
Em gái tôi nhìn đồng hồ trên tường, hỏi nhỏ: “Chị ơi, 12 giờ rồi kìa, có thể tra kết quả thi rồi đúng không?”
Không ngờ bác gái nghe thấy.
Bà ta cười nhạo tôi: “Có gì đâu mà tra, người ta học khổ cực ba năm còn chưa chắc đã được. Nó đã không thông minh mà học có mỗi một năm. Có mà đỗ bằng mắt!”
“Có được nổi 300 điểm không?”
Họ hàng mỗi người một câu, ai cũng nói những lời nghe mà nản lòng.
Ông chú còn mắng ba tôi: “Con gái đáng lẽ phải lấy chồng từ sớm, mày cứ để nó tự tung tự tác, lãng phí bao nhiêu tiền!”
Bác gái cười rung hết đống mỡ: “Chú ấy không có con trai nên cũng hết cách.”
Bà nội xụ mặt: “Lúc trước mày đồng ý với mẹ nếu Hạ Hạ không thi đỗ thì mảnh đất kia của mày sẽ cho Đại Bảo, không được đổi ý đâu đấy!”
Bờ vai ba tôi căng cứng lại, ông đưa chiếc Nokia cũ cho tôi: “Con tra đi.”
Bác gái cắn hạt dưa, cố tình nói: “Hạ Hạ à, mọi người ai cũng quan tâm cháu, mở loa ngoài ra nhé!”
Giây phút này, tôi biết kết quả thi không chỉ ảnh hưởng tương lai mình.
Nó còn quyết định danh dự của ba, địa vị của mẹ và quyền sở hữu mảnh đất đang không được dùng kia của nhà tôi.
Tôi hít một hơi thật sâu, gọi số tổng đài và nhập mã số thi vốn đã khắc sâu vào tâm trí.
Sau giây phút dày vò chờ đợi, âm thanh máy móc vang lên.