18.
Quá mệt mỏi!
Lại là mấy câu này.
Tôi ngắt lời bà: “Mẹ! Con trai và con gái đều như nhau, trong cơ thể đều có một nửa dòng máu của mẹ.”
“Con gái cũng có thể thành đạt, chăm sóc ba mẹ khi già. Đến bao giờ hai người mới chịu hiểu?”
Đêm đó, em gái chui vào chăn hỏi nhỏ: “Chị ơi, em làm chị bị liên lụy ạ?”
“Không đâu. Chị chỉ đang nghĩ đến khi nào ba mẹ mới thay đổi quan điểm đây?”
“Chờ em tốt nghiệp đại học kiếm được tiền thì sẽ thay đổi thôi.”
“Có thật không?”
Em gái gật đầu thật mạnh: “Chắc chắn.”
Ba tôi cuối cùng vẫn góp 1 vạn.
Một phần trong số ấy là đi vay người ta.
Tôi vừa tức vừa buồn.
Bác gái không vui, tỏ thái độ: “Chỉ có 1 vạn sao đủ được?”
Bà ta liếc sang tôi: “Hạ Hạ kiếm được tiền mà nhỉ? Anh mình kết hôn mà chẳng thấy cháu góp ít tiền nào cả.”
Tôi tỏ vẻ khó xử: “Học phí của cháu còn đang đi vay đây ạ. Cháu còn định đợi anh họ đính hôn xong thì vay ít tiền để đóng học.”
Bác gái lập tức thay đổi sắc mặt: “Bác không có tiền đâu, hai đứa kia nhà bác cũng không còn nhỏ nữa, sắp đến lúc rồi!”
Mụ ta lại đi khắp thôn nói xấu tôi.
Mấy ông bà già trong thôn đều nói tôi:
“Hạ Hạ à, dù đi học đại học cũng không được kiêu ngạo như thế. Cháu không có anh em trai ruột thịt thì anh em họ chính là anh em ruột của cháu.”
“Cháu vẫn phải giúp đỡ họ một chút, không được quên đi gốc gác.”
Giúp đỡ á?
Không bao giờ!
Tôi hận không thể đào cái “gốc gác” ấy lên mà cắt sạch nó.
Chị dâu mới của tôi rất đanh đá.
Hôm đính hôn, khi bác gái bảo hai người cùng đi làm thuê rồi cố gắng có đứa con càng sớm càng tốt, chị dâu từ chối thẳng:
“Đăng ký kết hôn xong cháu mới sinh con, không thì đến lúc bụng to mới cưới làm gì cũng bó tay bó chân.”
Mặt bác gái tôi tái mét, không dám phản đối.
Chuyện lần này khiến tôi hiểu ra rằng cả đời này ba mẹ sẽ không thể trở thành chỗ dựa của mình.
Sâu trong suy nghĩ, hai người cũng không tin mình có thể nương tựa vào đứa con gái này.
Vì thế nên tôi càng cố gắng hơn. Tôi sẽ là chỗ dựa cho chính cuộc đời mình.
Tôi muốn học lên thạc sĩ nên đã tạo một tài khoản trên diễn đàn đại học Nam Trung.
Diễn đàn lúc ấy rất hot.
Trong diễn đàn, tôi tra tư liệu, đặt câu hỏi, rồi quen Chu Tưởng.
Anh ấy là tiến sĩ của đại học Nam Trung.
Thời điểm đó, điện thoại thông minh đang phát triển, WeChat cũng nổi.
Tôi mua một chiếc điện thoại thông minh, đăng ký tài khoản WeChat. Người đầu tiên tôi thêm bạn bè là anh ấy.
Chu Tưởng có tư duy rõ ràng, điềm tĩnh, tốt bụng và nhiệt tình.
Chúng tôi rất hay nói chuyện với nhau.
Những bộ phim kinh điển, bài hát mới ra mắt, các vấn đề hoang mang không thể giải quyết, đôi lúc còn trò chuyện về triết học.
Hai tháng sau, một hôm tôi đi đưa lá trà khách đặt. Vừa khéo vị trí của khách ở gần trường anh ấy.
Anh hỏi tôi có tiện gặp nhau không.
19.
Hôm đó thời tiết rất đẹp, gió cuối tháng tư ấm áp thổi trên mặt.
Anh ấy khoảng 1m73, trắng trẻo và gầy gò.
Mặc áo sơ mi kẻ với quần kaki, đeo ba lô, đứng dưới một cây long não lớn chờ tôi.
Trong tiểu thuyết, nhân vật chính đều là những chàng trai cô gái xinh đẹp.
Nhưng trong cuộc sống, đâu có nhiều trai xinh gái đẹp như vậy.
Những người bình thường giản dị cũng có thể gặp được tình yêu.
Tôi nhìn áo sơ mi kẻ của anh ấy rồi cười: “Quả nhiên đây là kiểu dáng đặc trưng của dân công nghệ.”
Anh ấy có vẻ hơi căng thẳng và gãi đầu: “Không đẹp à? Đây là áo mới mua hôm qua đấy.”
“Tóc cũng mới cắt luôn.”
“Đẹp mà, tôi mặc toàn đồ cũ, biết thế cũng mua đồ mới rồi.”
Anh ấy liên tục xua tay, đôi mắt sáng rực: “Không cần không cần, như vậy là rất đẹp rồi.”
Hành trình tình yêu của những người bình thường thì cũng rất bình thường.
Không có trà xanh tiểu tam hay những màn đấu đá kịch tính.
Chúng tôi cùng nhau ăn cơm, leo núi, dạo phố và đi xem phim.
Giữa tháng năm, chúng tôi cùng nhau đi xem phim “Gửi tuổi thanh xuân sẽ qua của chúng ta”.
Khi phim kết thúc, cả rạp vang lên tiếng khóc.
Chỉ có tôi là thấy mông lung và thất vọng: “Tôi rất khó đồng cảm, có lẽ vì chưa từng có ai yêu tôi và tôi cũng chưa từng yêu ai. Thanh xuân của tôi là một khoảng trống rỗng.”
Chu Tưởng quay sang nhìn tôi, đột nhiên nắm lấy tay tôi.
Giọng anh ấy run run: “Thanh xuân của em chưa kết thúc, hãy để anh lấp đầy nó.”
“Làm bạn gái anh nhé?”
Lòng bàn tay anh ấy đầy mồ hôi.
Tôi đồng ý.
Ra khỏi rạp chiếu phim, anh ấy nói với tôi: “Em không biết anh đã lo em sẽ từ chối anh đâu.”
“Anh là tiến sĩ của Đại học Nam Trung mà, xuất sắc hơn em nhiều, sao lại sợ em từ chối?”
“Không, anh cảm thấy em xuất sắc hơn anh nhiều. Anh rất sợ em chê anh, sợ mình không xứng với em.”
Lúc đó tôi suýt khóc.
Hóa ra, dù là người bình thường thì trên thế giới này cũng luôn có một người, thấy bạn là duy nhất.
Thấy rằng, cần phải kiễng chân mới có thể chạm tới bạn.
Chu Tưởng đã tìm cho tôi đầy đủ sách chuyên ngành của Đại học Nam Trung, đề thi các năm và sách chuyên ngành tương ứng cho kỳ thi thạc sĩ.
Là sinh viên của một trường đại học hạng hai, muốn thi vào một trường và chuyên ngành hàng đầu như vậy thì tôi phải cố gắng từ sớm.
Giờ đây nghĩ lại.
Khi đó đúng là tuổi trẻ, tràn đầy năng lượng.
Mỗi ngày bận rộn như vậy mà tôi vẫn có thể dành thời gian để yêu đương.
Đến học kỳ cuối năm ba, thời gian càng gấp rút hơn.
Giữa công việc và việc ôn thi thạc sĩ, tôi phải đưa ra lựa chọn.
Quán trà tôi làm việc thực chất thuộc về một nhà máy trà lớn.
Công ty này sắp mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Vì tôi học chuyên ngành tiếng Anh, lại hiểu biết về trà nên rất phù hợp.
Quản lý mong muốn tôi gia nhập đội ngũ này.
Một khi đạt được thành tích, tôi sẽ trở thành công thần khai phá.
Tuy nhiên, lúc đó kỳ thi thạc sĩ đang cận kề, thời gian không còn nhiều.
Chu Tưởng ủng hộ tôi thi thạc sĩ: “Nếu em đi làm, sau này sẽ không có thời gian và môi trường như thế này để ôn thi.”
“Em cũng sẽ mất đi lợi thế của sinh viên mới tốt nghiệp.”
Anh ấy nắm tay tôi trong đám cúc dại đầu thu: “Chuyện chi phí sinh hoạt em đừng lo, anh có thể chuyển cho em mỗi tháng một ngàn rưỡi.”
Vừa nói, anh ấy vừa lấy điện thoại ra.
Tôi từ chối anh ấy: “Hiện tại em vẫn còn tiền tiết kiệm, khi nào không đủ em sẽ tìm anh.”
Thực ra, tôi muốn thi thạc sĩ cũng vì có anh ấy.
Anh ấy là tiến sĩ của một trường đại học danh tiếng, còn tôi chỉ là sinh viên của một trường hạng hai.
Hơn nữa, gia đình anh ấy rất khá giả.
Có lần mẹ anh ấy cho anh năm ngàn tiền sinh hoạt, tôi tưởng là cho một học kỳ, nhưng anh nói là cho một tháng.
Tôi muốn cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa chúng tôi.
Thi đại học thì mọi người cạnh tranh bằng trí thông minh và nỗ lực.
Còn thi thạc sĩ lúc đó không cạnh tranh khốc liệt như bây giờ.
Trí thông minh chỉ là yếu tố phụ, còn sự nỗ lực, kiên trì, và chống lại cám dỗ mới là quan trọng nhất.
Biết tôi muốn thi thạc sĩ, ba mẹ đều phản đối.
“Học thạc sĩ lại mất thêm ba năm, ba mẹ đã lớn tuổi rồi.”
“Con vốn không thông minh, giờ bỏ việc để thi thạc sĩ, không kiếm được tiền thì không nói, đến lúc không đỗ, cả hai đầu đều không xong.”
“Con đi học thạc sĩ, vậy học phí và sinh hoạt phí của em con sau này thì sao?”
…
Nhưng tôi không còn là cô bé mười bảy, mười tám tuổi phải phụ thuộc vào lời nói của họ nữa.
Em gái cũng đã nói rõ là học phí của con bé có thể đi vay.
Ba mẹ không thể không nhượng bộ.
Trong năm chuẩn bị cho kỳ thi thạc sĩ, ngoài Chu Tưởng và em gái, tôi gần như cắt đứt giao tiếp xã hội.
Khi nghĩ đến chúng ta ba có thể sẽ học cùng một trường sau này, tôi tràn đầy sức sống.
Tôi giống như một miếng bọt biển mà liên tục hấp thụ nước.
Chờ đợi ngày nào đó, đứng trên cán cân số phận.
Ngày đó, cuối cùng cũng đã đến.
Năm đó, mùa đông rất lạnh, sáng sớm thì đất đá bị đóng băng.
Nhưng hai ngày thi thạc sĩ lại hiếm khi có mặt trời sưởi ấm cả người.
Ba môn thi đầu tiên tôi đều thi tốt.
Chu Tưởng đợi tôi ở ngoài phòng thi, chúng tôi dự định đi ăn cùng nhau.
Ngay lúc đó, điện thoại của tôi reo lên, là mẹ gọi đến.
Tôi do dự vài giây, sau đó nhấc máy, từ bên kia truyền đến giọng nói hoảng sợ của mẹ:
“Ba của con ở nhà người khác uống rượu, về đến nhà ngã, đầu chảy máu. Hạ Hạ, mẹ phải làm sao, mẹ phải làm sao đây…”