Sự xuất hiện bất ngờ của ông Bình đã làm cho bà Diệp lo sợ trong lòng, bà ta cố gắng nở nụ cười bước đến trước mặt ông: “Sao ông về mà không báo với tôi một tiếng để tôi ra đón?”
Ông Bình không vội trả lời câu hỏi của vợ mình mà sải bước lại ghế ngồi, phong thái ung dung nhàn nhã.
Tuy vậy sự bình thản của ông lại khiến bà Diệp không rét mà run.
Trong gia đình bà, người đứng đầu và quyền lực nhất chính là Mai Duy Bình.
Ông là một người sống cả đời ngay thẳng, chính trực.
Ông rất thương yêu vợ và con cái nhưng nếu họ sai thì ông nhất định sẽ không nhắm mắt làm ngơ.
Con người ông được thể hiện qua cái tên Duy Bình, tức là người có đức tính tốt và biết phân định đúng sai.
“Bà nói với tôi là nhớ hai đứa con cho nên mới về thăm chúng.
Tôi tin tưởng bà nên để cho bà đi, vậy mà bà về đây năm lần bảy lượt gây khó dễ cho tụi nó?” Sau khi nhấp một ngụm trà, ông mới lên tiếng chất vấn.
“Ông à, tôi không có…”
“Bà không cần chối! Duy Đại đã kể cho tôi nghe hết rồi.”
Bà Diệp nuốt nước bọt, bước nhanh đến ngồi cạnh ông, để tay lên tay ông bộ dạng rất quýnh quáng: “Tôi cũng chỉ muốn tốt cho con…”
“Tốt?” Ông Bình lặp lại, giọng nói có phần không hài lòng: “Bà chê nó nghèo, không môn đăng hộ đối với gia đình mình vậy bà có nghĩ khi xưa bà cũng nghèo, gia đình tôi cũng cấm cản.
Nếu lúc đó tôi không cứng rắn, cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ bà thì ngày hôm nay bà có trở thành bà Mai được không?”
“Tôi…”
Trước những gì ông Bình nói, bà Diệp không thể phủ nhận.
Đúng là khi xưa gia đình bà không mấy khá giả nhưng bà được trời phú cho chút nhan sắc nên may mắn lọt vào mắt xanh của một thiếu gia nhà giàu là chồng bà hiện nay.
Lúc đó gia đình ông Bình cũng chê bà nghèo, không xứng với ông, tìm mọi cách để chia rẽ hai người họ.
Nhưng ông Bình thề sống chết chỉ muốn lấy một mình bà làm vợ, còn bỏ nhà, bỏ tất cả cơ ngơi mà nhà họ Mai để lại để cùng bà rời đi.
Về sau, ông bà Mai không chịu được cảnh con mình sống cực khổ nên đã đồng ý cho hai người kết hôn.
“Nếu như bà muốn môn đăng hộ đối như vậy thì tôi…” Ông ngừng lại đôi chút, bà Diệp nuốt nước bọt chờ đợi.
Bởi bà biết câu tiếp theo của ông nhất định sẽ khiến bà đứng ngồi không yên: “Tôi sẽ chuyển phân nửa tài sản của mình cho con bé để nó môn đăng hộ đối với nhà mình.
Bà thấy ý kiến này thế nào?”
Bà Diệp lập tức lắc đầu phản đối: “Ông không thể làm như vậy! Ông không thể đem tài sản của mình cho người ngoài được.”
“Bà nói vậy cũng đúng.” Ông Bình xoa cằm, gật gù: “Vậy thì tôi sẽ lấy lại hết tài sản của Duy Đại, đuổi nó khỏi tập đoàn cho nó theo người nó yêu.
Vậy là nó xứng với con bé rồi.” Ông Bình quay sang hỏi ý Duy Đại: “Con có chấp nhận không?”
Duy Đại không hề có ý kiến, anh gật đầu: “Con chấp nhận.”
“Tốt! Vậy bây giờ hai đứa theo ba lên tập đoàn, ba cần mở một cuộc họp về việc thay đổi vị trí Tổng giám đốc.”
Ông Bình đứng dậy, cùng Duy Đại và Duy Nhất chuẩn bị đến tập đoàn.
Chỉ còn một mình bà Diệp ngồi ngây người ở đó, tài sản không thể đem cho người ngoài, bà càng không thể trơ mắt nhìn con mình chịu khổ.
Nghe tiếng xe rồ ga, bà Diệp hốt hoảng chạy ra, đứng chắn trước đầu xe của họ.
Ông Bình hạ kính, nghe bà Diệp vừa khóc vừa nói: “Đừng đi! Tôi đồng ý, tôi không phản đối chúng nữa.”
Ba người trong xe nhìn nhau mỉm cười, kế hoạch vừa rồi diễn ra thật tốt đẹp.
“Con cảm ơn ba.” Duy Đại nhìn ba mình bằng ánh mắt biết ơn.
Duy Nhất ngồi sau cũng cảm thấy vui lây cho anh mình.
Thiên Ngọc sau khi biết chuyện mẹ anh đã đồng ý cho hai người đến với nhau, cô rất mừng.
Duy Đại nói với cô tất cả đều nhờ ba anh nên mới khiến mẹ anh thay đổi ý định cho nên cô muốn gặp ba anh, muốn mời ông một bữa ăn xem như lời cảm ơn, cũng như lần đầu ra mắt ba chồng.
Ấn tượng đầu tiên của Thiên Ngọc về ông Bình chính là một người đàn ông với vẻ ngoài lạnh như tiền nhưng khi tiếp xúc mới biết ông là một người vô cùng cởi mở và thân thiện.
Nếu nhìn kĩ sẽ thấy tất cả những nét đẹp mà anh em nhà họ Mai được hưởng chính là nhờ người ba này.
Bây giờ cô đã hiểu vì sao ông lại có hai người con xuất chúng như thế.
Ông Bình có đôi mắt nhìn người rất tốt, vừa nhìn thấy cô gái nhỏ nhắn khép nép, lễ phép một câu vâng, hai câu dạ ông có thể nhận thấy đây là một cô gái tốt, thiện lương và ngoan hiền.
Nếu không, con trai ông đã chẳng mê mệt đòi cưới cho bằng được.
Hơn nữa ông còn được Duy Đại cho biết, Thiên Ngọc chính là người bạn thuở nhỏ khi anh ở Việt Nam đã chơi cùng.
Ông còn nhớ sau khi rước anh về lại Mỹ, Duy Đại rơi vào trạng thái lầm lì, bạn bè không chơi ngay cả với ba mẹ anh cũng không thiết tha nói chuyện.
Hỏi ra mới biết anh không muốn xa cô bạn Dora của mình nhưng ông ở đây còn công việc, không thể chiều ý đưa Duy Đại trở lại Việt Nam.
Ông nghĩ rằng trẻ con, thời gian qua đi sẽ khiến chúng quên mau.
Vậy nên sau đó ông mới đưa Anna – con gái của người bạn làm ăn chung sang chơi cùng Duy Đại để anh quên hết chuyện cũ.
Ông Bình nhìn đôi trẻ trước mặt thể hiện tình cảm, nhìn cách Duy Đại chăm sóc cho Thiên Ngọc, ông chỉ biết cảm thán.
Âu cũng là cái duyên của bọn trẻ.