Sau khi dò la, Nguyên Hoài biết được ta vốn chỉ là kẻ bán bánh thịt, không chỉ bị hắn xem là phường bán phấn buôn hương mà bắt về, còn bị hắn giữa ban ngày ban mặt, trước mặt bàn dân thiên hạ mà cắn vào mông.
Mang trong lòng nỗi hổ thẹn chồng chất, với vẻ mặt cương trực như thể sẵn sàng hy sinh, hắn muốn cho ta một danh phận.
“Danh tiết của nữ nhi rất quan trọng, ta sẽ chịu trách nhiệm với nàng.” Tiểu tướng quân đứng trước gian hàng bánh thịt vừa mở lại của ta, vẻ mặt như đưa đám.
“Danh tiết thì đáng là gì, Tam Nương ta nào cần.” Ta phẩy tay xua hắn đi, không muốn để hắn làm lỡ việc nướng bánh của ta.
Nguyên Hoài nhìn chiếc bánh trên tay ta, bất chợt hỏi: “Nàng bán bánh thịt nơi đây, một tháng kiếm được bao nhiêu bạc?”
Ta đáp: “Cũng tạm, một lạng bạc.”
Nguyên Hoài nói: “Nếu đến doanh trại làm, ta trả cho nàng gấp năm.”
Ta hối hận đến mức cấu mạnh vào đùi mình.
Ôi chao! Vừa rồi e ngại hắn định thu thuế, ta đã khai báo ít đi mất rồi!
Ta thu dọn hành trang, theo chân Nguyên Hoài về doanh trại.
Đồ đạc đơn sơ, chỉ vỏn vẹn một bọc y phục thay giặt, một chiếc chậu rửa mặt, một cái lược, tất cả đều được treo trên lưng ngựa của Nguyên Hoài.
Ta ôm một chiếc bình nhỏ, một cuộn tranh, cùng Nguyên Hoài dắt ngựa đi.
“Trong bình đựng gì vậy?” Hắn hỏi.
“Tro cốt của người chồng quá cố.” Ta khẽ đáp.
Nguyên Hoài im lặng một hồi, rồi lại hỏi: “Vì sao không an táng người ta cho yên ổn?”
“Ta phiêu bạt khắp nơi, không có chốn nương thân nhất định, đi đến đâu cũng mang hắn theo đến đó.
Hắn thích non sông gấm vóc, chim muông hoa cỏ, ắt hẳn cũng muốn cùng ta ngao du bốn bể.” Ta ôm chặt chiếc bình, đưa mắt nhìn về phương xa: “Nay đã bôn ba ba năm, cũng mong rằng năm nay có thể an táng hắn cho yên ổn.”
Nguyên Hoài không nói gì thêm, không khí có phần trầm mặc.
Ta lên tiếng trêu chọc hắn: “Tướng quân năm nay hai mươi ba, nghe đồn vẫn chưa tính đến chuyện thành thân.
Chẳng hay có phải trên người mang bệnh tật khó nói nào không?”
Nguyên Hoài quả nhiên sa sầm nét mặt.
Ta mỉm cười: “Tướng quân muốn cho ta danh phận, không phải là muốn kết hôn giả với ta, để ngăn chặn những lời đồn đại của người đời đấy chứ?”
Lời đã nói đến mức này, ta nghĩ hắn hẳn là sẽ nổi giận.
Chẳng biết có phải vì ánh chiều tà lúc ấy quá đỗi diễm lệ, không khí quá đỗi ôn hòa hay không mà hắn không những không giận, mà còn cùng ta ôn lại chuyện xưa.
“Năm mười bảy tuổi, ta cũng từng rung động trước một cô nương.”
“Sáu năm về trước, lần đầu ta cầm quân đánh Nam Man, đại quân nhổ trại trong đêm, tướng sĩ im ắng đến lạ.
Bởi đó là một trận chiến không cân sức, địch mạnh ta yếu, phần thắng mong manh, nhưng không thể không đánh.
Ai nấy đều hiểu rõ, lần này e rằng phải bỏ mình vì nước, thậm chí chẳng còn ai sống sót để mang hài cốt huynh đệ về cố hương.”
“Đến thung lũng, bỗng thấy bóng người thấp thoáng.
Bách tính Đại Chiêu tự động kéo đến, đánh trống, giương cờ tiễn đưa đoàn quân.
Trên sườn núi, một bóng giai nhân yểu điệu, áo đỏ thắt lụa là, tay áo tung bay, hòa theo nhịp trống tiễn biệt, nàng múa một khúc Tái Thượng Lệnh.”
“Điệu múa tuyệt mỹ như vậy, vốn là tiểu thư khuê các khổ luyện nhiều năm, mong một ngày dâng lên trước vương hầu công khanh, để mưu cầu một tương lai tươi sáng cho mình.
Nhưng nàng không làm thế.
Nàng nói, binh sĩ Đại Chiêu lấy cái đầu buộc trên thắt lưng, dùng sinh mạng tươi trẻ đổi lấy thái bình muôn đời, nếu họ không được xem, thì còn ai xứng đáng được xem cảnh ca múa thái bình này?”
“Đêm ấy trăng sáng treo cao, ta ngồi trên lưng ngựa, thậm chí còn thấy rõ nốt ruồi son đỏ rực trên eo nàng.
Dưới ánh trăng là một điệu múa đẹp đến ngỡ ngàng.
Nàng đập vỡ chén rượu, cất tiếng trong trẻo: “Sơn hà trăng sáng của Đại Chiêu, mỹ nữ như hoa, xin phó thác cho các vị!”
“Trận chiến ấy vốn không có phần thắng, vậy mà cuối cùng lại đại thắng.”
Ánh mắt Nguyên Hoài sáng long lanh, đang kể đến đoạn cao trào, bỗng nhiên im bặt.
Ta cố nén dòng lệ chực trào, hỏi: “Rồi sao nữa?”
“Sau đó, ta từ núi thây biển m.á.u bò trở về, muốn gặp lại cô nương đã thắp lên ngọn đèn soi sáng cho ta trong đêm đen, nhưng lại nghe tin nàng đã thành thân.”
“Ta nghĩ, vậy cũng tốt.
Một cô nương tốt như vậy, nên gả cho một công tử biết ngâm thơ họa tranh, sống một đời bình an, dài lâu như núi sông.
Nhưng mà, nàng lại không được hạnh phúc.”
“Đợi đến khi ta thu xếp ổn thỏa mọi việc trở về kinh đô, nàng đã biến mất không còn dấu vết, như chưa từng tồn tại trên cõi đời này.
Khúc múa tuyệt sắc trong đêm trăng ấy, quả thật như một giấc mộng.”
Trên mặt Nguyên Hoài lộ vẻ xúc động, không thể nói tiếp được nữa.