Buổi tối ngày hôm đó, trở về nhà ăn cơm xong, Sửu đem theo một cái chăn mỏng rồi nói với vợ:
– – Bu nó ở nhà nhé, tôi đi ra đình làng đây. Hai mẹ con đóng cửa ngủ trong nhà cẩn thận. Làng mình đang xảy ra nhiều chuyện lắm.
Vợ Sửu gói hai củ khoai luộc vào lá chuối rồi dúi vào tay chồng:
– – Anh mang theo đói thì ăn, anh đi là mẹ con em khóa trái nhà cửa lại luôn. Cẩn thận anh nhé.
Sửu gật đầu:
– – Đừng lo, chỉ là ngủ ngoài đó 1 đêm thôi mà. Sáng mai mọi người cũng ra sớm bơm nước nên bu nó đừng lo. Mình sống xưa nay không hại ai, vậy nên cũng chẳng lo có ai hại mình. Thôi, tôi đi đây.
Sửu xoa đầu con rồi rời khỏi nhà, nói cho vợ yên tâm chứ ra khỏi nhà, bước trên con đường đất heo hút, tối om, hai bên đường toàn tre là tre, tiếng lá tre xào xạc thôi cũng đủ khiến Sửu cảm thấy ớn lạnh rồi. Đi qua nhà ông Vọng, thấy bên trong nhà vẫn sáng ánh đèn, Sửu định tạt vào chào, nhưng nghĩ trời cũng tối rồi, phải ra sớm trông coi đồ đạc, hơn nữa những gì cần dặn, thầy Lương cũng dặn hết cả rồi, thế là Sửu đi qua luôn.
Trước khi xảy ra chuyện, khu vực giếng làng là nơi mỗi buổi chiều đến, trẻ con, người lớn tụ tập ra đây, người thì gánh nước, trẻ con thì tắm rửa chơi đùa, chúng nó cởi truồng trượt trên nền gạch trơn trượt bao quanh thành giếng rồi cười vang làng, vang xóm. Kể từ hôm có cảnh báo nước giếng bị nhiễm độc, dân làng không ai dám bén mảng đến khu vực này nữa. Rồi sau đó là cái chết của Mão, suốt cả ngày hôm trước cho tới ngày hôm qua, buổi sáng không ai ra đường luôn chứ đừng nói bây giờ trời đã tối. Nói đâu xa, ngay như gia đình Sửu, Sửu cũng dặn vợ con không được đi ra ngoài.
Sợ thì tất nhiên là sợ, nhưng là một người dân làng Văn Thái, lại có con nhỏ, đã từng đi theo thầy Lương tìm hiểu một số chuyện, Sửu biết, chậm trễ ngày nòa, mọi người sẽ nguy hiểm ngày đấy. Một vài hộ trong làng có con đi làm ăn xa còn có nơi để đi, chứ như gia đình Sửu, mấy đời gắn bó tại làng, giờ mà đi thì biết di đâu. Bởi vậy, giúp được gì cho làng, Sửu đều cố gắng hết sức mình.
Cầm đèn pin, bước vào khuôn viên của đình, Sửu soi một vòng cái bể mà chiều hôm nay Sửu cùng mọi người mới làm xong. Khẽ chạm nhẹ vào lớp xi măng, Sửu có chút lo lắng bởi chỉ qua một đêm, sợ rằng xi sẽ không kịp khô, mặc dù trong lúc làm, mấy anh em đã dùng đủ mọi thủ thuật để sau khi xong, phần vữa trát sẽ khô nhanh nhất có thể. Máy bơm, dây điện, đường ống….tất cả đều đã được để trong sân đình, chỉ đợi đến sáng mọi người đến là tiến hành bơm nước.
Nói chung, cho đến thời điểm hiện tại mọi thứ vẫn ổn. Trong đình có lắp bóng đèn, lúc chiều Sửu cũng cẩn thận căng dây điện, đấu bóng sáng trưng ngay khu vực bể cùng chỗ để máy bơm. Giờ vào đình, Sửu chỉ việc cắm điện là mọi thứ sáng trưng.
Sửu cười:
– – Hề hề, sáng thế này thì cũng đỡ sợ.
Thời gian chậm rãi trôi qua, đèn điện có sáng thật, nhưng ở một mình trong ngôi đình rộng, bao quanh đình là đồng ruộng, cây cối, ngay cả trong khuôn viên của đình cũng có mấy bụi trúc khá rậm rạp. Ban ngày nhìn thì chẳng sao, giờ tối đến, nhìn cái gì cũng thấy ghê rợn. Mỗi lần gió thổi qua, mấy bụi trúc lại xôn xao, xào xạc, cành lá rung chuyển, dưới ánh đèn điện, bóng của chúng đổ xuống đưa qua đưa lại giống hệt bóng người đang lắc lư.
Không dám nhìn về phía đó, Sửu quay mặt đi chỗ khác. Cứ được một lát thì gió lại ngừng thổi. Nhưng tiếng gió dừng thì tiếng ếch nhái bên ngoài ruộng lại vang lên ồm ộp. Đem theo cả cái đồng hồ báo thức bằng nhựa, tròn tròn to bằng lòng bàn tay đã cũ. Được một lúc Sửu lại nhìn vào xem mấy giờ rồi, lúc Sửu ra đây là 7h tối, ngồi bao nhiêu lâu, cảm tưởng thời gian phải trôi nhanh lắm rồi mà nhìn lại, đồng hồ bây giờ mới chỉ đến 8h tối. Nghĩa là mới trôi qua 1 tiếng, Sửu nuốt nước bọt lẩm bẩm:
– – Trời đất ơi, giờ mới 8h thì bao giờ mới đến sáng ngày mai.
Đương nhiên la Sửu nghĩ chỉ cần ngủ một giấc là sáng, nhưng khổ nỗi, ở nhà nghĩ vậy, nhưng ra đến đây nằm mãi cũng không ngủ được. Thò thò vào cái túi đựng chăn, đang định lấy cái chăn ra đắp thì Sửu mò thấy cái gì đó cưng cứng, Sửu ồ lên:
– – Mèng ơi, suýt quên….Chậc chậc, đây rồi, có cái này thì ngủ ngon luôn.
Sửu lôi trong chăn ra một chai rượu chừng nửa lít, sớm ở nhà, lúc cho chăn vào trong túi là Sửu đã găm thêm chai rượu đem theo rồi. Ra đến đình, nhìn đâu cũng hoang mang nên Sửu quên mất. Càng về khuya thì trời lại hơi se se lạnh, sẵn hai củ khoai vợ bảo cầm theo chống đói, Sửu đem khoai ra nhậu với rượu luôn.
Có tí tửu vào người nó ấm hẳn lên, mà công nhận phải nói rượu đúng là tinh hoa của con người. Làm hớp đầu tiên thấy nóng nóng, làm hớp thứ hai lại thấy cay cay, êm êm…..Cứ thế Sửu uống hết chai rượu lúc nào không hay, rượu vào, ban nãy mấy cái bụi trúc còn khiến Sửu sợ, bây giờ nhìn những cành trúc bị gió đưa qua, đưa lại Sửu lại thấy vui mắt, tiếng ếch nhái kêu khi nãy Sửu thấy ồn ào, bây giờ thì lại thấy vui tai, sao lo lắng, sợ hãi khi nãy theo men rượu bay biến hết. Mắt hoa hoa, người lâng lâng, nhìn đâu cũng quay cuồng….Đúng là rượu vừa ngon lại còn vừa nặng, tang rượu này bình thường ở nhà Sửu chỉ làm vài chén, hôm nay chơi hết cả nửa lít, bảo sao mà không phê.
Nhưng phê tốt, ngồi thêm lúc nữa thì Sửu lăn quay ra luôn trước hiên đình ngủ say như chết, thân hình vạm vỡ như con trâu, Sửu vừa ngủ vừa ngáy chẳng biết trời đất gì luôn.
Cho đến nửa đêm, Sửu vẫn đang ngủ, tiếng ngáy vẫn chưa bị trật một nhịp nào. Nhưng đột nhiên, cái bóng đèn treo ngoài sân đình bỗng nhiên chớp tắt liên tục…
” Xoẹt….xoẹt…rẹt…rẹt…”
” Phụp “
Bóng đèn tắt ngúm, bốn xung quanh tối đen như mực bởi lúc này đã là nửa đêm, khi nãy gió vẫn còn hiu hiu thổi thì giờ đây cũng yên lặng, tiếng ếch nhái, côn trùng tất cả cũng im bặt.
” Khò…..Khò…..Khò…”
Âm thanh duy nhất đang vang lên trong màn đêm lúc này là tiếng ngáy của Sửu. Không gian tĩnh lặng một cách bất thường.
” Tích…Tắc…Tích…Tắc. “
Cái đồng hồ đặt ngay bên cạnh đầu Sửu đang nhích dần từng kim giây rồi trong khoảnh khắc, khi cả kim giờ và kim giây cùng dừng lại ở con số 12 thì đồng hồ bỗng dưng ngừng chạy.
Sửu cũng không còn ngáy nữa, tiếng ngáy của Sửu đột nhiên dừng lại. Không biết do đâu, hay là do dù đang ngủ nhưng Sửu cũng cảm nhận được sự thanh vắng của không gian xung quanh hay sao mà đang ngủ say, Sửu giật mình mở to mắt rồi lập tức ngồi bật dậy.
Điều đầu tiên Sửu thấy đó chính là mọi thứ đều im lìm một cách đầy ghê rợn. Nhưng không, sự tĩnh lặng đó đang dần bị phá vỡ bởi những tiếng cười cứ mỗi lúc một to dần:
” Hi….hi….hi……Hi….hi…hi “
Sửu nuốt nước bọt, không dám cả thở mạnh, Sửu cố nghe rõ lại một lần nữa có đúng là có ai đó đang cười hay không..?
” Hí….hí….hí…..Hi….hi….hi..”
Lần này tiếng cười đã vang hơn, rõ hơn, có cảm giác gần hơn nhưng nhìn thẳng ra phía cổng đình làng thì chẳng thấy có ai cả, bên ngoài tối đen như hũ nút.
Và rồi, đến lần thứ 3 thì Sửu không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là có người đang cười, mà không phải chỉ có 1 người, có ít nhất là ba điệu cười khác nhau đang vang lên, mà đều là tiếng cười của trẻ con, cứ như thể có một đám nhóc đang chạy nhảy, chơi đùa với nhau vậy.
” Tích…tắc “
Tiếng kim đồng hồ chạy khiến cho Sửu giật mình, đã hơn 12h đêm. Nửa đêm, nửa hôm, trẻ con nào lại nô đùa trong làng như vậy cơ chứ, tiếng cười đó phát ra ở khoảng khu vực giếng làng phía trước cổng đình.
” Bắt….tớ….đi…..Tớ…ở…đây…nè…”
” He…he…he….He….he…he…”
Không chỉ có tiếng cười mà Sửu còn nghe rõ có cả tiếng nói nữa, đích thị là giọng trẻ con. Toàn thân Sửu bắt đầu run lên rồi nổi da gà, Sửu tự hỏi:
– – Chẳng….lẽ….là….ma…..?
Ma thì ai cũng nghe, nhưng nhìn thấy ma thì hầu như chẳng ai nhìn thấy. Tiếng cười với giọng nói đó phát ra ở khu vực giếng. Sửu đang rất sợ, sợ đến độ run cầm cập luôn. Nhưng trong một thoáng suy nghĩ, Sửu lại thắc mắc, nếu lỡ như ngoài đó có con cái nhà ai thật thì sao…? Mặc dù suy nghĩ này hơi bất thường, nhưng không phải là không thể, nhà quê, trong làng có những hộ đẻ đến 3-4 đứa, bố mẹ chúng nó có người hay đi soi đêm để câu ếch, bắt chim. Lỡ đâu nhà nào bố mẹ đi rồi bọn trẻ con lại bỏ ra ngoài chơi thì sao…? Chứ ma sao lại nói tiếng người rõ thế được chứ, mặc dù vô cùng sợ, nhưng cứ nghe thấy tiếng cười khúc khích, rồi tiếng đùa nghịch phía bên ngoài đình là Sửu lại thấy bồn chồn.
Nén lại nỗi sợ, Sửu cầm đèn pin đứng dậy quyết định đi ra phía giếng làng xem sao. Có lẽ do rượu một phần, cũng do tò mò, lo lắng nên Sửu quên mất lời mà thầy Lương dặn lúc chập tối:
” Nhớ ban đêm, đừng bước chân ra khỏi khuôn viên của đình “
Sửu lia đèn pin đi ra, đình làng cách giếng không xa, chỉ đi một đoạn là đến. Càng đi đến gần giếng thì tiếng cười lại càng rõ hơn.
Nhưng khi Sửu dừng lại ngay chỗ giếng làng thì không còn nghe thấy bất cứ một âm thanh nào cả. Bốn bề tối om, Sửu chiếu đèn pin vào thành giếng, không có ai, nhưng khi đèn pin lia cao hơn một chút đến gốc cây lộc vừng thì Sửu tá hỏa giật nảy mình, đang đứng úp mặt vào gốc cây là một cô bé chừng mười 13-14 tuổi, tóc thả dài nhưng rối bù xù, nó mặc một bộ quần áo vừa bẩn lại vừa rách phải vá nhiều chỗ.
Còn chưa biết mình gặp người hay ma thì Sửu nghe thấy tiếng con bé đang đếm:
– – 1…..2…..3……Nhìn…..thấy…..rồi…..nhé….he….he….he….