Mùa Xuân Của Anh

Chương 9: “ngài Chu Chúng Ta Thử Một Lần Đi”



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Editor: Cỏ May Mắn

Ý của Chu Thời Dư… Là muốn xem mắt với cô?
Đề nghị này quá hoang đường, thế nên Thịnh Tuệ không suy xét mà từ chối theo bản năng: “Ngài Chu, ngài biết thể trạng của tôi, có lẽ tôi không thích hợp để kết hôn.”
Chu Thời Dư lại hỏi: “Bác sĩ nói người mắc bệnh tiểu đường mà kết hôn sẽ ảnh hưởng sức khỏe sao?”
Thịnh Tuệ nghe vậy thì sửng sốt, không hiểu anh có có ý gì.
“Thịnh Tuệ, cảm ơn cô nhìn vấn đề dưới góc độ của tôi, thay tôi suy xét lợi – hại.”
Không gian xung quanh ồn ào, nhưng giọng nói trầm ấm của người đàn ông vang bên tai khiến cô có chút hoảng loạn: “Nhưng tôi nghĩ, nếu là một cuộc hôn nhân lâu dài, cảm nhận của chính người trong cuộc mới quan trọng hơn.”
Cấp dưới thân tín của Chu Thời Dư chỉ cần nhìn thấy ánh mắt của anh liền hiểu anh đang truyền đạt gì, đây là lần đầu tiên Thịnh Tuệ nghe anh giải thích nhiều như vậy:
“Cô không cần băn khoăn quá nhiều, trước mắt chỉ cần đánh giá tôi rồi quyết định có thể xem mắt hay không.”
Thịnh Tuệ chưa thể chấp nhận sự thật rằng đối phương là Chu Thời Dư, khó xử nói: “Xin lỗi, chuyện này thật sự quá đột ngột.”
“Không sao, là do tôi đường đột, hy vọng không làm cho cô bối rối.”
Vốn Thịnh Tuệ từ chối người ta nên áy náy, lại nghe Chu Thời Dư trấn an mình, trong lòng lại càng thêm áy náy, những lời đồng ý sắp thoát ra khỏi miệng rồi lại được nuốt trở vào.
Trong nhất thời, đầu dây của cả hai người chỉ có tiếng hít thở áp lực, việc này thật là xấu hổ, điều khó khăn bây giờ là làm sao để kết thúc cuộc gọi.
Cuối cùng Chu Thời Dư vẫn là người phá tan sự bế tắc.
Trước khi ngắt điện thoại, giọng người đàn ông ôn hòa nói với cô: “Việc gặp mặt không phải là do tôi nông nổi nhất thời, nếu cô giáo Thịnh đổi ý, có thể liên hệ tôi bất kỳ lúc nào.”
“…… Được.”
Cuộc trò chuyện kết thúc, Thịnh Tuệ sững sờ, bên tai nghe từng tiếng “tút… tút…”.
Chu Thời Dư nói rằng anh không phải suy nghĩ nhất thời.

Nhưng hai người bọn họ chỉ mới gặp nhau hai lần, thậm chí là chỉ mới biết nhau có ba ngày.
Lý trí nói với cô rằng những gì Chu Thời Dư nói không phải là không có lý: Cả hai đều cần một cuộc hôn nhân, so với bị người trong nhà ép buộc kết hôn với một người xa lạ, không bằng cho nhau một cơ hội.
Hơn nữa, điều anh muốn là một bữa gặp mặt.
Cô dường như không có lý do gì để từ chối.
Nhưng rõ ràng, hai bọn họ không cùng một thế giới, Thịnh Tuệ tưởng tượng ra cảnh cô đứng bên cạnh Chu Thời Dư, cô cảm thấy thật kỳ lạ và khó xử, giống như một hòn đá tạp nham xếp bên cạnh một viên dương chi bạch ngọc.
(*)
Dương chi bạch ngọc: loại ngọc thượng phẩm, có màu trắng tinh khiết, cực kỳ trân quý.
Quan trọng nhất là, dù nghĩ thế nào cô cũng không hiểu tại sao Chu Thời Dư lại chọn cô.
Lúc này Vu Tuyết Mai cùng con trai ra khỏi lớp, thấy Thịnh Tuệ vẫn đang nghe điện thoại, bà bước tới thuận miệng hỏi: “Con đang gọi ai vậy? Là đàn ông sao?”
Thịnh Tuệ cất điện thoại, thất thần mà vâng một tiếng.
Vu Tuyết Mai vô cùng hứng thú, tra hỏi: “Bao nhiêu tuổi rồi? Là đồng nghiệp cùng trường hay —”
“Không.” Thịnh Tuệ lần đầu tiên ngắt lời mẹ mình: “Đó là phụ huynh của học sinh, mẹ đừng suy nghĩ nhiều.”
Con gái bà từ trước đến giờ luôn dịu dàng ngoan ngoãn, Vu Tuyết Mai có chút không hài lòng khi bị bác bỏ, sau đó bà lại nghĩ chắc Thịnh Tuệ vẫn còn buồn phiền vì buổi xem mắt ngày hôm qua, nên bà ngừng buôn chuyện, lái xe đưa hai chị em về nhà ăn cơm.
Ngôi nhà trong khu phố cũ là do ba dượng Hứa Tự mua khi còn trẻ, trong mười năm qua giá nhà đã tăng gấp bốn, năm lần, tuy rằng tòa nhà hơi thấp và cũ kỹ, nhưng diện tích cũng được 100 mét vuông, giá nhà ít nhất phải từ một triệu tệ trở lên.
“…… Đúng là tâm sinh tướng, cái thằng kia vừa thấy là đã biết không phải người tốt gì.”
Hai ba con họ Hứa ở trong phòng khách nghỉ ngơi, còn Thịnh Tuệ ở phòng bếp giúp mẹ một tay, Vu Tuyết Mai tay xào tay đảo nhưng miệng không quên bất bình thay cô: “Thà chia tay càng sớm càng tốt, lúc tốt đẹp thì không sao, lúc có chuyện thì lại nổi máu đánh người giống như Thịnh Điền.”
Nhắc đến ba Thịnh, Vu Tuyết Mai cẩn thận đóng cửa phòng bếp rồi mới hạ giọng hỏi: “Gần đây tháng nào con cũng chuyển tiền cho ông ta à?”
Thịnh Tuệ gật đầu, giọng bình tĩnh: “Ông ấy không có việc làm lại đang bị bệnh, thật lòng con không thể mặc kệ ông ấy được.”
“Con đúng là yếu lòng, quá lương thiện rồi.”
Vu Tuyết Mai nhìn con gái với ánh mắt phức tạp, nhớ tới năm đó lại oán hận mắng: “Ông ta bị bệnh là đáng! Mẹ đưa phí nuôi dưỡng nhiều như vậy, ông ta đều đổ hết tiền bạc vào rượu chè, nếu không thì sao con mắc bệnh tiểu đường lúc tuổi còn nhỏ như vậy chứ.”
Nguyên nhân của bệnh tiểu đường tuýp 1 vẫn chưa thể xác định, có thể do cơ chế tự miễn (*), di truyền, phơi nhiễm với một số loại virus,…
(*)
Cơ chế tự miễn: hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy, do đó cơ thể không còn hoặc còn rất ít insulin nên phải phụ thuộc nguồn insulin từ bên ngoài đưa vào.
Vu Tuyết Mai khăng khăng cho rằng ba Thịnh không chăm sóc Thịnh Tuệ chu đáo nên mới làm cô mắc bệnh: “Cả ngày toàn uống rượu, nhà còn không về, con cái không mắc bệnh mới là lạ.”
Nhưng thời điểm cô bắt đầu mắc bệnh là những năm trước khi tới đại học Thượng Hải, ít nhất có thể nhìn thấy ba cô, còn Vu Tuyết Mai trước giờ đến liếc mắt còn chưa có một lần.
Thịnh Tuệ cúi đầu yên lặng rửa rau, không phụ họa.
Cô không nói một lời khiến Vu Tuyết Mai áy náy, bà ngừng nói về chuyện quá khứ, để Thịnh Tuệ mang thức ăn lên bàn rồi quay người xới cơm.
“Chén này cho con.” Như muốn bù đắp cho cô, Vu Tuyết Mai xới cho cô một chén cơm đầy, còn cố ý dùng muỗng gỗ đè cho bằng: “Ăn nhiều một chút, dạo này thấy con gầy quá.”
Thịnh Tuệ lẳng lặng nhìn chén cơm lớn chứa đầy carb một lúc lâu, rũ mắt nói: “Mẹ, bệnh tiểu đường không thể ăn quá nhiều cơm.”
“……”
Vu Tuyết Mai xấu hổ rút tay về, cười dỗi nói: “Vậy tự con xới cơm đi, mẹ không biết con ăn cơm chừng nào.”
Nói xong bà vội vàng mang chén ra ngoài, giống như bà không chịu nổi không khí trong phòng bếp dù là một khắc.
Hai ba con họ Hứa đã đợi ở bàn ăn.

Nhìn thấy Thịnh Tuệ, Hứa Tự chỉ gật đầu nhẹ, ông nhận chén đũa từ tay vợ, thấp giọng nói: “Lần sau em bận việc thì gọi anh đi, đừng làm phiền Thịnh Tuệ.”
“Vậy anh muốn xin viện nghiên cứu cho nghỉ à?” Vu Tuyết Mai cảm thấy không quan trọng, “Vừa lúc Thịnh Tuệ tan làm đi qua đó, tan họp thì ghé nhà ăn cơm chiều, có gì lớn lao đâu.”
Nói xong bà còn hỏi Thịnh Tuệ: “Con thấy thế đúng không?”
Thịnh Tuệ nghe hiểu hàm ý trong lời nói của ba dượng, gật đầu: “Tiện đường nên không phiền ạ.”
Là bà chủ trong nhà, Vu Tuyết Mai gắp thức ăn cho hai chị em và cho chồng, sau đó được đà hỏi chuyện trong tuần qua của Hứa Ngôn Trạch.
Từ học tập đến ăn ở cho đến những thay đổi trong học kỳ mới, người mẹ đã một tuần không gặp con trai hỏi han từng chuyện lớn nhỏ, người ba không giỏi ăn nói cũng thỉnh thoảng nói vài câu, mặt Hứa Ngôn Trạch hiện đầy vẻ không kiên nhẫn.
Toàn bộ quá trình Thịnh Tuệ như người ngoài cuộc mà vùi đầu vào ăn cơm, chén đã trống rỗng nhưng cô không thể rời khỏi bàn, chỉ có thể ngồi như pho tượng.

Một nhà 3 người hoà thuận vui vẻ, chỉ có cô là người thừa và không thể hòa hợp với ai.
“Tiểu Tuệ ăn no rồi?” Thấy con gái hồi lâu không động đũa, Vu Tuyết Mai lập tức gắp một miếng cá lớn cho cô, “Mẹ nhớ khi còn bé con thích ăn cá nhất, ăn thêm cho bổ.”
Hồi trước Thịnh Tuệ rất thích ăn, nhưng lúc cô đang học lớp 9, cổ họng bị mắc xương cá.

Ba cô chữa mẹo bằng cách cho cô uống nửa chai giấm nhưng vẫn đau không thể ngủ được, hết cách đành phải đi bệnh viện mới lấy được nó ra, nên sau này cô không còn đụng vào món cá nữa.
Miếng cá nằm lặng lẽ trong chén của cô, trên bề mặt có vài chiếc xương nhỏ.
Nhưng Thịnh Tuệ không thể vứt nó đi, vì vậy cô cố gắng mỉm cười và nói: “Cảm ơn mẹ.”
Ý cười nơi đáy mắt Vu Tuyết Mai như muốn chứng minh: “Con thấy không, con thích ăn cái gì mẹ đều nhớ kỹ.”
Bữa cơm tiếp tục diễn ra trong khung cảnh vui vẻ yên bình, sau khi ăn xong, Hứa Tự phụ trách rửa chén, Hứa Ngôn Trạch về phòng học bài, Thịnh Tuệ cũng muốn về nhà soạn bài giảng.
Trước khi đi, Vu Tuyết Mai ở huyền quan tiễn cô, liên tục cảm thán: “Con đưa bạn trai về đây ăn cơm là mẹ vui lòng ngay.”
Thịnh Tuệ không nói gì.
“Năm trước lúc mẹ mắc bệnh, mẹ lo lắng nhất là con.” Mẹ cô trìu mến vỗ nhẹ vào mu bàn tay cô, chân thành nói:
“Người sống cả đời, phải có gia đình thì mới vẹn toàn.”
“Mẹ.” Thịnh Tuệ rút tay ra, lẳng lặng nhìn vào mắt mẹ cô: “Mẹ không còn gì khác muốn nói với con sao?”
Ngoại trừ xem mắt và kết hôn, cái gì cũng được.
Vu Tuyết Mai lại lộ ra vẻ mặt xấu hổ và bất lực, đưa một chiếc dù: “Dự báo thời tiết nói sẽ có mưa, con đi đường cẩn thận.”
Trên đường đi taxi về nhà, Thịnh Tuệ ngồi ở hàng ghế sau cầm điện thoại lên nhìn thì thấy trong giờ cơm tối Tiêu Mính đã gửi hơn mười mấy tin nhắn.

Đầu tiên cô ấy kể việc thu hút nhà đầu tư cuối cùng đã có tiến triển, tin tiếp theo là mẹ cô ấy ở dưới quê gửi lên quá trời dưa chua, ăn không hết cũng không biết cho ai.
Thịnh Tuệ nhìn ra giọng điệu của Tiêu Mính tuy đang phàn nàn nhưng những hàng chữ đều có sự thân mật không thể giấu được.
Sau khi trả lời tin nhắn, cô thoát khỏi cuộc trò chuyện, ma xui quỷ khiến trượt tay nhấp vào cuộc trò chuyện với ba cô.
Thời gian và nội dung trò chuyện giữa hai ba con rất cố định, bắt đầu bằng việc Thịnh Tuệ gửi tiền sinh hoạt vào đầu tháng và kết thúc bằng việc Thịnh Điền nhận tiền rồi khen cô là con gái ngoan.
Thịnh Tuệ rủ mắt cười.
Con gái ngoan.
Mẹ cũng thường khen cô như vậy.
Xe taxi dừng lại ở công viên, Thịnh Tuệ đặt điện thoại xuống, tựa đầu vào cửa sổ xe lạnh lẽo, nhìn vô định đứa trẻ và ba mẹ đang chơi đùa với nhau trên bãi cỏ, ai cũng đều tươi cười vui vẻ.
Mẹ cô tận tình khuyên bảo cô rằng chỉ có kết hôn mới có thể có một cuộc sống trọn vẹn.
Nhưng ngay cả chính cô còn chưa có gia đình, làm sao có thể trở thành gia đình với một người xa lạ nào đó.

Thứ sáu, trước giờ tan học, Tề Duyệt xin nghỉ do nhà có việc, một mình Thịnh Tuệ phụ trách đưa học sinh tan trường.
Trong lớp học, 5 em học sinh kia đều thu dọn sách vở, trật tự lên phía trước xếp hàng, chỉ có Chu Dập ngồi yên tại chỗ không nhúc nhích, tay ôm chú cừu bông vào ngực.
Đôi mắt đen láy của cậu nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ trên tường.
Cậu bé có ngũ quan nổi bật, đôi mắt đen cứ bình tĩnh nhìn thẳng vào chiếc đồng hồ ở trên tường, như đang lạc khỏi thế giới – một đặc điểm điển hình của bệnh tự kỷ.
Thịnh Tuệ ngồi xổm xuống, ngang tầm mắt với Chu Dập, cố gắng giao tiếp: “Dập Dập ơi, cô giúp con thu dọn cặp sách, được không con.”
Chu Dập vẫn không động đậy.
Sau đó, Thịnh Tuệ thuyết phục thêm nhiều lần nữa đều vô ích, cho đến năm phút sau, Chu Dập đột nhiên đứng dậy, từng đồ vật trên bàn đều được xếp ngăn nắp vào cặp sách, không đoái hoài đến ai, đi lên đứng ở cuối hàng.

Thịnh Tuệ vô thức quay đầu nhìn đồng hồ, phát hiện kim đồng hồ đang chỉ 4 giờ 30 — đây mới là thời gian tan học như bình thường.
Ngoài chướng ngại giao tiếp xã hội, hành vi rập khuôn là một đặc điểm chính khác của bệnh tự kỷ, bệnh nhân sẽ lặp đi lặp lại một vài hành vi cố định.
Đứa trẻ hiếu động đứng đằng trước vô tình làm rơi con cừu bông trong ngực của Chu Dập.
Thịnh Tuệ nhanh chóng tiến lên nhặt con cừu bông, phủi bụi rồi đưa cho Chu Dập, dùng tay xoa nhẹ đỉnh đầu cậu.
Chu Dập ngẩng đầu nhìn cô, đôi mắt đen láy đảo quanh, đôi mắt trong veo lại có chút hõm sâu.
Các học sinh nắm tay nhau đi thành một hàng đến cổng trường, Chu Dập đứng ở cuối hàng, theo sau là Thịnh Tuệ.
Kể từ khai giảng, cô đã rất chú ý đến Chu Dập, cô phát hiện ra mặc dù cậu thiếu kỹ năng giao tiếp, nhưng cũng may cậu rất có ý thức về bản thân, không bao giờ để người khác chi phối mình, ngược lại cậu có chủ kiến về mọi mặt.

Đối với trẻ tự kỷ, đây chắc chắn là một điều tốt.
Đích thân đưa năm học sinh cho ba mẹ xong, Thịnh Tuệ ngồi xổm xuống kéo khóa áo khoác của Chu Dập lên, ra ngoài cổng trường tìm dì bảo mẫu hay đến đón cậu nhóc.
“Chào cô giáo Thịnh.”
Không phải bóng dáng quen thuộc.

Một người đàn ông mặc âu phục, đi giày da bước tới chào cô, anh ta khoảng 35 tuổi, đeo kính: “Tôi là thư ký của sếp Chu, họ Trần.”
Phong thái của người nọ bình tĩnh nói: “Bảo mẫu trong nhà bị bệnh, sếp Chu để tôi tới đón Chu Dập về nhà.”
Đối phương có vẻ ngoài xa lạ, tim Thịnh Tuệ rung lên từng hồi chuông báo động, cô che chắn Chu Dập ở phía sau, sắc mặt không đổi: “Tôi không nhận được cuộc gọi nào từ phụ huynh.”
Những vụ bắt cóc trẻ em tống tiền được đưa tin rất nhiều, Chu Dập có thân phận đặc biệt nên Thịnh Tuệ đương nhiên không thể giao học sinh được.
“Xe của sếp Chu ở bên kia đường.” Thư ký Trần nghiêng người, nhìn chiếc Aston Martin cách đó không xa, giọng vẫn như cũ:
“Sếp Chu nói anh ấy xuất hiện sẽ làm cô giáo Thịnh không thoải mái nên để tôi đi qua.”
Thịnh Tuệ theo ánh mắt của anh ta nhìn chiếc xe bên kia đường.
Cửa sổ xe không thể nhìn thấy người bên trong, nhưng trong đầu cô lại tự động hiện ra dáng vẻ ôn hòa nghiêm túc của Chu Thời Dư, chân dài vắt chéo, tư thế thoải mái, đôi mắt đen sau mắt kính đang chậm rãi ung dung nhìn về phía bên này.
Hình ảnh hiện ra rõ nét đến nỗi làm tim Thịnh Tuệ loạn nhịp.

Để chắc chắn, cô kiên trì muốn gọi điện thoại để xác nhận, sau khi kết nối, cô hỏi: “Có người tự xưng là thư ký của ngài Chu.

Tôi có thể giao Chu Dập cho anh ấy không?”
“Có thể.”
Sau câu trả lời ngắn gọn, rõ ràng chỉ bằng hai chữ, để tránh làm cô xấu hổ, Chu Thời Dư không nhắc gì đến vụ xem mắt, chủ động cúp điện thoại.
Lúc này, Thư ký Trần đưa ra một hóa đơn và bốn phiếu giảm giá của Ngự Tinh Lâu trị giá 500 tệ.
Sau khi nhận, Thịnh Tuệ trả lại phiếu giảm giá: “Tôi không thể nhận phiếu giảm giá được, nhờ anh chuyển lại cho ngài Chu giúp tôi.”
“Phiếu giảm giá là do quản lý nhà hàng nhờ tôi đưa cô.” Thư ký Trần đưa tay ra sau lưng, giải thích: “Cô giáo Thịnh có thể tự mình đưa cho sếp Chu.”
Nói xong, anh ta hơi cúi người với Thịnh Tuệ, nắm tay Chu Dập đi qua bên kia đường.
Thịnh Tuệ không còn cách nào nên đành đuổi theo, cô dừng ở cửa sau của chiếc xe Aston Martin, đang định giơ tay thì cửa sổ xe đã hạ xuống.
Sườn mặt góc cạnh của Chu Thời Dư lộ ra, ánh mắt anh dừng ở phiếu giảm giá trên tay Thịnh Tuệ, trong làn gió nhẹ đầu xuân, giọng anh càng thêm ôn hòa:
“Phiếu giảm giá quả thật không liên quan tới tôi.”
“Tôi biết rồi.” Thịnh Tuệ không còn khăng khăng nữa, nghiêm túc nói, “Về sự việc Chu Kỳ, tôi chưa đích thân cảm ơn anh.”
Việc người đàn ông chủ động giúp đỡ vào đêm hôm đó làm cô có ấn tượng sâu sắc, nếu nói không cảm động là giả.
“Không cần cảm ơn.”
Ánh mắt Chu Thời Dư dừng ở mái tóc mềm mại tung bay theo gió của cô, anh cong môi cười nhẹ: “Tôi nghĩ, nếu bây giờ tôi mở lời tiện đường đưa cô giáo Thịnh về, hẳn là cô sẽ từ chối.”
Thịnh Tuệ uyển chuyển nói: “Ngài Chu, ngài là người tốt.”
“Nhưng không phải đối tượng thích hợp kết hôn.”
Giọng điệu của Chu Thời Dư không vội vã, như thể anh đang từ từ kể một câu chuyện xưa: “Lần trước gặp mặt, cô rất kinh ngạc nói rằng khó tưởng tượng được tôi như vậy mà cũng gặp khó khăn vì chuyện kết hôn.”
Người đàn ông cười thoải mái: “Tôi nghĩ, chắc mình còn nhiều thiếu sót lắm.”
Cho nên mới bị cô từ chối.
Câu sau chưa nói nhưng hai người trong lòng cũng biết rõ.
Mùa xuân se lạnh, có lẽ là bởi vì cô đứng trong gió quá lâu khiến tâm tư rối bời, hoặc cũng có thể vì vẻ mặt cô đơn của người đàn ông bóp chặt trái tim cô, dưới ống tay áo dài, Thịnh Tuệ nắm chặt hai tay, buột miệng nói:
“Anh nói việc hẹn gặp mặt không phải là nông nổi nhất thời, có thật vậy không.”
Bốn mắt nhìn nhau, đôi mắt đen nhánh của Chu Thời Dư toát lên vẻ trịnh trọng: “Chuyện này tôi không nói dối cô.”
“Được.” Thịnh Tuệ hít thở sâu, gió lạnh tràn vào phổi làm cô khẽ rùng mình: “Cho tôi thời gian suy nghĩ một chút, như vậy có được không?”
“Đương nhiên rồi.” Chu Thời Dư để ý cô hơi run run, cởi áo vest chuyền qua cửa sổ, nhẹ giọng nói: “Bên ngoài trời lạnh, cô cẩn thận bị cảm.”
Thịnh Tuệ lại một lần nữa từ chối lòng tốt của người đàn ông.
Buổi tối, cô cố tình bắt xe buýt về nhà.
Bất cứ khi nào buồn bã hoặc rối bời, Thịnh Tuệ sẽ chen chúc vào đám đông.

Trốn trong đám đông sẽ không ai quan tâm đ ến sự tồn tại của cô, ngược lại còn có cảm giác an toàn, bèo dạt mây trôi, đủ để cô tìm thấy yên bình.
Giờ tan tầm là giờ cao điểm, mỗi lần tới trạm người lên kẻ xuống khiến xe chật ních, phải đến khi xe ra khỏi thành phố chạy về vùng sâu vùng xa, hành khách mới thưa thớt hơn.
Xe chạy gần về bến Thịnh Tuệ mới tìm được một chỗ trống ở hàng cuối cùng.
Cô ngồi xuống, đặt chiếc cặp lên đùi, lấy điện thoại di động ra, muốn dùng màn hình đen kiểm tra mái tóc, lại không ngờ nhận được tin nhắn của Chu Kỳ.
Chu Kỳ: [Tôi chỉ nói với người giới thiệu rằng cả hai không hợp tính cách, cô đừng lo lắng.]
Chu Kỳ: [Tôi xin lỗi vì sự thô lỗ của mình ngày hôm đó, về sau tôi sẽ không quấy rầy cuộc sống của cô.

Cô có thể nói một tiếng với sếp Chu để anh ấy giơ cao đánh khẽ được không?]
Thịnh Tuệ đọc xong không khỏi nhíu mày.
Cô không rõ chuyện gì đã xảy ra mà chỉ trong thời gian ngắn thái độ của Chu Kỳ thay đổi như thế, nhưng ít nhất cô có thể chắc chắn rằng, chỉ Chu Thời Dư mới có thể làm được điều này.
Người tình cờ gặp gỡ lại giúp đỡ cô vô số lần.
Nếu không phải Chu Kỳ chủ động tìm tới, Thịnh Tuệ cũng chẳng bao giờ biết được Chu Thời Dư giúp cô trong âm thầm.
Thịnh Tuệ click vào khung chat với Chu Thời Dư, nhìn xuống dưới cùng là tin nhắn chuyển tiền và lời cảm ơn nhạt nhẽo.
Vì vậy lần thứ hai lại vì chuyện này mà cô sẽ gọi điện để cảm ơn anh, rồi sau đó lại tàn nhẫn từ chối anh ấy?
Thịnh Tuệ đang do dự thì nghe thấy một cặp vợ chồng già ở hàng ghế đầu đang tranh cãi.
Cô cẩn thận lắng nghe, hóa ra cửa sổ xe buýt không đóng được, gió lạnh bên ngoài thổi vào cụ bà rất mạnh, cụ ông bên cạnh định cởi áo khoác che gió cho bà, bà lại sợ ông lạnh nên không chịu, thế là hai người cãi nhau.

Cuối cùng, cả hai đều nhường nhau một bước, quyết định mỗi người đều khoác một nửa áo khoác vào, kết quả là bà cũng không chắn được hết gió, mà ông cũng không hết lạnh.
Thịnh Tuệ ở hàng ghế sau nhìn hai vợ chồng mái đầu trắng xoá đang nhìn nhau cười, bỗng chốc cô trở nên mềm lòng.
Cô không tin tình yêu, nếu bắt buộc cô phải mô tả kỳ vọng cao nhất của mình đối với hôn nhân, Thịnh Tuệ sẽ không do dự mà trả lời “tôn trọng nhau như khách”.
Chẳng hạn sự ấm áp mà cô chứng kiến vào lúc này.
Chiếc áo khoác màu đen được hai ông bà trùm hờ lên đầu, tay áo tung bay trong gió, không biết vì sao Thịnh Tuệ đột nhiên nhớ tới chiếc áo vest mà Chu Thời Dư sợ cô cảm lạnh nên chuyền ra cho cô, nó cũng có màu đen.
Ít nhất vào lúc này, cô nghĩ rằng mình thật sự hâm mộ cặp vợ chồng bên nhau đến khi đầu bạc kia, đồng thời cũng nhớ tới khoảnh khắc ấm áp mà Chu Thời Dư đã cho cô.
Ngay cả khi nỗi nhớ này không liên quan gì đến tình yêu.
Cho đến khi tiếng bíp dừng lại, điện thoại được kết nối, Thịnh Tuệ cũng chưa nghĩ ra lý do cụ thể tại sao cô gọi cho Chu Thời Dư.
Đầu dây bên kia yên ắng, người đàn ông vẫn im lặng chứng tỏ anh đủ kiên nhẫn.
“…… Về việc xem mắt, tôi thay đổi ý kiến.”
Thịnh Tuệ đang xúc động nên giọng điệu nhanh hơn, như thể có một giọng nói vang vọng bên tai thúc giục cô phải nói xong trong một hơi, nếu không giây tiếp theo cô rút lui và cúp điện thoại: “Ý tôi là —”
“Ngài Chu, chúng ta thử một lần đi.”
——oOo——


Mẹo: Bạn có thể sử dụng Trái, Phải, phím A và D để tới các chương.