Như Nước Với Lửa

Chương 23: Thương vụ đầu tư vào Ô tô Phi Trì (5)



Tình hình của Hãng phim Tân Động và Ô tô Phi Trì đã không thể xoay chuyển được nữa, Kinh Hồng cũng gác chuyện này qua một bên.

Mấy hôm nữa Kinh Hồng sẽ phải tới Trùng Khánh tham gia một sự kiện quan trọng, đó là Triển lãm quốc tế về công nghệ trí tuệ Trung Quốc (Smart China Expo – SCE).

Triển lãm Smart China Expo được đồng tổ chức bởi hơn mười cơ quan ban ngành, bao gồm Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Viện Công nghệ Quốc gia Trung Quốc. Đối tác của triển lãm là Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cũng như các cơ quan nhà nước của nhiều nước khác. Năm nay là năm đầu tiên Triển lãm Smart China Expo được tổ chức, tỉnh Tứ Xuyên là tỉnh chủ nhà duy nhất của sự kiện này.

Sự kiện này được tổ chức dưới dạng triển lãm thương mại (trade show). Triển lãm tập trung vào trưng bày và giới thiệu sản phẩm, ngoài ra còn có các hội nghị, diễn đàn và các cuộc thi như thử thách lái xe tự động, giải đua máy bay không người lái, vân vân.

Chính phủ hy vọng Smart China Expo sẽ đưa các sản phẩm thông minh của Trung Quốc ra nước ngoài và thế giới. Do đó, buổi lễ ký kết các thỏa thuận thương mại nhằm vào các dự án lớn sẽ được tổ chức bên lề sự kiện.

Giám đốc Bộ phận Thị trường của Oceanwide đã mang một nhóm cấp dưới ưu tú tới triển lãm để sắp xếp gian hàng từ trước đó mấy ngày. Tại sự kiện này, gian hàng của Tập đoàn Oceanwide sẽ được đặt tại vị trí trung tâm của hội trường triển lãm, ngay kế bên gian hàng của Tập đoàn Thanh Huy. Gian hàng có diện tích trưng bày rất lớn, trang trí cũng rất nổi bật, bắt mắt.

Đêm qua, các Giám đốc của Bộ phận Trí tuệ nhân tạo và Bộ phận Điện toán đám mây của Tập đoàn cũng đã lên đường tới Trùng Khánh, tháp tùng theo đoàn là các quản lý cấp cao của phòng Thị trường, phòng Tiêu thụ, phòng Key Account, phòng Quốc tế & Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan của hai bộ phận trên, ngoài ra còn có cả những người phụ trách chính, các SVP và VP của các sản phẩm được đưa ra triển lãm nữa. Các giám đốc quản lý sản phẩm, đội phụ trách trên gian hàng và sau hội trường cũng đi theo nhóm. Tại triển lãm, phòng Thị trường phụ trách việc giới thiệu và trình bày về điểm ăn tiền của các sản phẩm cũng như giải đáp thắc mắc của khách tham quan gian hàng, phòng Tiêu thụ, phòng Key Account và phòng Quốc tế chủ yếu phụ trách việc kết nối và liên lạc.

Oceanwide quả thực là một tập đoàn lớn.

Kinh Hồng và trợ lý của anh là những người xuất phát cuối cùng.

Ở sự kiện này Kinh Hồng chỉ có một bài phát biểu nhỏ ở phiên toàn thể, sau đó anh sẽ đi xem sản phẩm tham gia triển lãm của các công ty khác, sau nữa là xem tình hình ký kết giao thương của Oceanwide, cuối cùng là tham dự buổi lễ ký kết thỏa thuận thương mại của triển lãm. Lịch trình khá là nhẹ nhàng.

Kinh Hồng đang ngồi trong Phòng chờ Thương gia của sân bay thủ đô để chờ lên máy bay.

Chuyến bay dự kiến cất cánh tại Bắc Kinh lúc 18 giờ và hạ cánh xuống Trùng Khánh vào khoảng 21 giờ, vừa đẹp để ngủ một giấc rồi dậy tham gia phiên toàn thể vào sáng hôm sau.

Kinh Hồng bắt chéo chân ngồi đọc báo cáo trên một chiếc sô pha đơn kê cạnh cửa sổ.

Giữa chừng có hai người đi qua chỗ anh, Kinh Hồng ngước lên thì trùng hợp bắt gặp ánh mắt Chu Sưởng nhìn về phía anh.

Chu Sưởng khẽ gật đầu, Kinh Hồng cũng hơi gật lại coi như chào hỏi nhau. Anh thầm nghĩ chắc Chu Sưởng cũng lên cùng chuyến bay với mình đây.

Chào hỏi rồi Kinh Hồng lại cúi xuống nhìn tập báo cáo trong tay, khóe mắt anh thoáng thấy hai người Chu Sưởng đi ra phía sau mình và ngồi xuống hàng ghế nào đó. Bầu không khí yên lặng trở lại.

Kinh Hồng vẫn luôn chờ thông báo lên máy bay. Ngồi được một lúc, anh lại tự nhiên cảm thấy thời gian chờ đợi này hình như hơi bị dài quá rồi.

Không lâu sau, thực tế đã lại chứng minh trực giác của Kinh Hồng là chính xác. Loa thông báo của sân bay cho biết, do có một vấn đề nhỏ được phát hiện trong quá trình kiểm tra an toàn nên chuyến bay CZ2704 của Hãng hàng không Nam Phương (China Southern Airlines) sẽ bị chậm giờ bay và chưa xác định thời gian khởi hành.

Nhân viên phục vụ tại Phòng chờ Thương gia lại qua thông báo cho Kinh Hồng lần nữa.

“…” Suy nghĩ một lát, Kinh Hồng bảo Đàm Khiêm qua hỏi nhân viên phục vụ tại phòng chờ xem có thể chuyển sang chuyến bay khác gần nhất không, anh không muốn đợi nữa.

Cảng hàng không Bắc Kinh không phải căn cứ điều hành chính của China Southern Airlines nên dù là sửa chữa hay điều chuyển thì việc xử lý cũng có thể sẽ phải tốn rất nhiều thời gian.

Đàm Khiêm lập tức làm theo yêu cầu của anh.

Một lát sau, nhân viên phục vụ lại qua chỗ Kinh Hồng và thông báo cho hai người rằng: “Hiện tại ghế thương gia và ghế phổ phông ở các chuyến bay khác đều đã kín chỗ. Trong ngày hôm nay chỉ còn chuyến bay của Hãng hàng không Tứ Xuyên (Sichuan Airlines) là còn ghế, chuyến bay dự kiến cất cánh lúc 22 giờ 15 phút và hạ cánh lúc 1 giờ 30 phút sáng mai.”

“10 giờ 15 phút?” Kinh Hồng nhìn đồng hồ, “Tức là chúng tôi phải chờ bốn tiếng đồng hồ nữa?” Mắt anh nhìn lên trên, để lộ phần tròng trắng dưới con ngươi.

Nhân viên phục vụ rất chuyên nghiệp, không hề lúng túng khi trả lời anh: “Đúng vậy ạ.”

Kinh Hồng gật đầu: “Được rồi, cảm ơn cô, để tôi nghĩ đã.”

Nhân viên phục vụ đáp: “Vâng thưa anh.” rồi rời đi.

Kinh Hồng khép tập tài liệu trên tay lại, ngón tay phải của anh gõ nhịp lên tay vịn của ghế sô pha.

Đang do dự thì Kinh Hồng chợt nghe có một giọng nói điềm đạm vang lên bên tai: “Tổng Giám đốc Kinh.”

“…?” Kinh Hồng nhìn sang thì thấy là trợ lý của Chu Sưởng.

“Tổng Giám đốc Kinh,” Trợ lý của Chu Sưởng khom người xuống nói, “Trước đó máy bay tư nhân của Tổng Giám đốc Chu đã đăng ký chặng bay nội địa đến Trùng Khánh, hiện tại có thể khởi hành ngay. Tổng Giám đốc Chu hỏi rằng liệu anh có muốn đi cùng chúng tôi không?”

“…” Kinh Hồng ngoái ra sau nhìn một cái. Chu Sưởng đang ngồi trên một chiếc ghế sô pha vàng nhạt sau lưng anh. Thấy Kinh Hồng nhìn qua, hắn lịch sự nở một nụ cười.

Kinh Hồn quay đầu trở lại, anh cân nhắc một thoáng rồi nói với trợ lý của Chu Sưởng: “Được, vậy làm phiền anh Chu.” Nhỡ chuyến bay tiếp theo lại có sự cố thì lỡ hết việc.

Trợ lý gật đầu rồi nói: “Vậy năm phút nữa chúng ta sẽ lên máy bay ạ.”

“Được.”

Kinh Hồng lật thêm được vài trang nữa thì chợt cảm thấy một bàn tay lớn ấn lên vai mình, liền sau đó bên tai phải cũng vang lên một giọng nói cuốn hút quen thuộc: “Đi Trùng Khánh thôi sếp Kinh.”

Vành tai ngưa ngứa.

Kinh Hồng không ngờ Chu Sưởng lại đích thân qua gọi anh.

Anh đưa tập tài liệu cho Đàm Khiêm để cất đi rồi đứng dậy đi theo Chu Sưởng – người đang cố ý thả chậm bước chân. Một tay Chu Sưởng đút trong túi quần, tay kia thì cầm điện thoại. Thấy hắn hình như đang đọc mail nên Kinh Hồng chỉ yên lặng đi đằng sau.

Khi hai người ra đến sảnh lớn của sân bay, tài xế của Chu Sưởng đã lái xe quay lại.

Kinh Hồng nhìn qua, ồ, lại là Rolls-Royce.

Con Rolls-Royce trước đã đưa Chris Wells, giờ là một con khác.

Không biết nhân viên may mắn tiếp theo được trao chìa khóa Rolls-Royce sẽ là ai đây.

Chu Sưởng và Kinh Hồng cùng ngồi lên hàng ghế sau.

Chu Sưởng đã cất điện thoại đi. Sau khi đóng cửa xe lại, hắn cười: “May là đã xin chặng bay trong nước.”

Nghe thế Kinh Hồng cũng cười hỏi: “Vậy sao lại đổi sang máy bay dân dụng?”

Chu Sưởng gõ tay lên bảng chức năng ở cửa xe, đoạn đáp: “Tối qua thấy tin có vụ rơi máy bay tư nhân ở Las Vegas, làm tôi sợ muốn chết.”

“…” Không biết hắn ta đang nói thật hay đùa nên Kinh Hồng đành im lặng không tiếp.

“Nhưng giờ đâu còn cách nào khác.” Khóe miệng Chu Sưởng lại cong lên, hắn vừa thắt dây an toàn vừa hỏi Kinh Hồng, “Giờ sếp Kinh còn dám đi không? Ngộ nhỡ chết là cùng chết đó.”

“Đi thôi.” Kinh Hồng thấy cái người bên cạnh này đúng là chỉ giỏi nói vớ vẩn. Anh cũng bấm chốt của dây an toàn rồi trả lời, “Tôi tin là sếp Chu không xui xẻo đến vậy, tôi cũng không xui xẻo đến thế đâu.”

“Đó là tất nhiên,” Chu Sưởng cũng đùa rằng, “Sếp Kinh đây là anh tài kiệt xuất, là đứa con cưng của ông trời mà.”

Bầu không khí giữa hai người đã hoàn toàn không còn sự căng thẳng của sự “một bên hết lần này đến lần khác từ chối bên kia đầu tư vào Phi Trì, một bên thì vắt óc vò tai cũng phải chen vào cho bằng được” trước đó.

Chằng mấy chốc xe đã dừng ở ga dành cho phi cơ cá nhân (*).

(*) Business jet

Sau khi kiểm tra an ninh xong, Kinh Hồng nhìn ra phía xa sân bay rồi chợt nói: “Bành Chính cũng ở đây.” Bành Chính là ông chủ của Hành Viễn – một tập đoàn nằm trong Big 4. Kinh Hồng nhận ra máy bay tư nhân của Bành Chính, nó đang đỗ ở vị trí ngoài cùng bên trái.

Kinh Hải Bình và Kinh Hồng cũng có máy bay riêng, nhưng nếu có thể bay thẳng thì Kinh Hồng thường chọn hàng không dân dụng cho đơn giản. Vì cũng sở hữu một cái nên anh biết nếu không thực hiện chuyến bay thì những chiếc phi cơ cá nhân này sẽ được để ở công ty quản lý máy bay. Chiếc máy bay tư nhân kia xuất hiện ở đây như thế này thì có nghĩa là tối nay Bành Chính cũng sẽ bay. Kinh Hồng nhớ danh sách khách mời của Smart China Expo cũng có tên Bành Chính thì phải.

Theo những gì Chu Sưởng biết thì cha con Kinh Hồng có quan hệ tốt với Hành Viễn hơn nhiều so với Thanh Huy, nhưng không biết là tốt thật lòng hay tốt ngoài mặt đây. Hắn hỏi Kinh Hồng: “Hay là anh đi cùng với anh ta?”

Kinh Hồng không hiểu nổi cái ngữ này nữa, anh nhìn qua chỗ đó rồi nói: “Bành Chính cũng đâu có mời tôi.”

Chu Sưởng nghe thế thì hỏi như muốn xác nhận lại: “Thế là anh vẫn đi với tôi hả?”

“Chẳng lẽ,” Chân Kinh Hồng khựng lại, anh cười nhạo: “… Anh Chu đổi ý à?”

“Oan cho tôi quá.” Chu Sưởng mỉm cười, “Phải là tôi sợ anh Kinh đổi ý mới đúng.”

Phi cơ cá nhân của Chu Sưởng là một chiếc Gulfstream G650, mẫu máy bay này chỉ mới được Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc phê duyệt vào đầu năm ngoái. Chiếc trước đó của Chu Bất Quần đã hết hạn sử dụng rồi.

Tự nhiên Kinh Hồng lại nghĩ đến đánh giá của Kinh Hải Bình về cha con nhà họ Chu: Xa hoa dâm dật giống y như nhau.

Kinh Hồng nghĩ, lần sau gặp phải báo cáo lại cho Kinh Hải Bình là “Chu Sưởng không những đổi xe mà còn đổi cả máy bay mới rồi” mới được.

Gulfstream G650 là máy bay có không gian bên trong lớn nhất so với các máy bay cùng loại. Kinh Hồng nhìn thoáng qua thì thấy cửa của phòng ngủ đang đóng, thường thì trong đó sẽ có giường đôi và TV màn hình LED. Bên ngoài là có bốn chiếc ghế sô pha đơn màu be và vài chiếc bàn bằng gỗ được đóng cố định. Giữa phòng ngủ và khu vực đặt sô pha là không gian dùng để họp đủ chỗ cho khoảng sáu người.

Chu Sưởng nói: “Anh cứ tự nhiên.”

“Tôi cảm ơn.” Kinh Hồng cũng không khách sáo, anh ngồi xuống chiếc sô pha đơn cạnh cửa sổ và kêu Đàm Khiêm ngồi xuống ghế đối diện, hai người cùng dùng chung một chiếc bàn.

Chỗ này chỉ có bốn ghế. Chỗ ngồi của Chu Sưởng cách Kinh Hồng một lối đi nhỏ.

Cách chia chỗ ngồi như thế này là hợp lý nhất, hoặc có thể nói là đây là cách chia hợp lý duy nhất: hai sếp lớn ngồi đúng hướng phi công lái, hai trợ lý thì ngồi ngược lại.

Kinh Hồng và Chu Sưởng cũng không thân thiết đến mức có thể ngồi đối diện nhau để nói chuyện trên cả hành trình. Hôm nay anh chỉ nhờ Chu Sưởng cho quá giang đến Trùng Khánh mà thôi. Lối đi giữa hai hàng ghế cũng không phải quá gần nhau. Chuyến bay này hai bên cứ việc ai nấy làm, đến lúc gần hạ cánh thì hỏi han tạm biệt nhau mấy câu cho đúng khuôn phép là được.

Hoàn tất công tác chuẩn bị, máy bay bắt đầu cất cánh.

Máy bay được trang bị bộ điều khiển áp suất không khí. Áp suất bên trong và bên ngoài máy bay được cân bằng với nhau giúp hành khách không cảm thấy khó chịu khi bắt đầu nâng độ cao.

Mười phút sau, máy bay đi vào trạng thái ổn định. Kinh Hồng định xem tiếp bản kế hoạch đang xem dở lúc nãy, nhưng sau khi lấy tập tài liệu ra, anh lại nghĩ lại rồi quyết định thôi không xem.

Lỡ máy bay này của Chu Sưởng có gắn camera các thứ thì sao? Bản kế hoạch này phải được giữ bí mật.

Vì thế Kinh Hồng nhẹ nhàng đặt tập tài liệu lên bàn rồi im lặng khoanh tay nhìn ra ngoài cửa sổ.

Chu Sưởng nâng mắt lên, đoạn hỏi: “Sếp Kinh không làm việc nữa à?”

“Không làm nữa.” Kinh Hồng chỉ ra ngoài cửa sổ, “Mây đêm nay rất đẹp.”

Kinh Hồng vốn không phải là một người thích lãng mạn, lời này chỉ đơn thuần là một cái cớ mà thôi.

Nghe anh nói vậy, Chu Sưởng cũng nhìn ra ngoài cửa sổ, sau đó hắn cũng nhấc tài liệu đang đặt trên đùi lên, kéo bàn ra rồi ném tập tài liệu lên bàn: “Nếu đã thế thì tôi cũng không làm nữa đâu.”

Bên ngoài đang đúng lúc hoàng hôn.

Ráng chiều nhuộm những tầng mây thành màu đỏ cam rực rỡ. Dưới ô cửa sổ, những đám mây bồng bềnh trôi, chiếc máy bay như đang nằm giữa một cánh đồng bông bói lấp lánh trong vệt nắng vàng. Phía chân trời, mặt trời đỏ tươi như lòng đỏ trứng gà. Hoàng hôn chia cắt bầu trời thành hai mảng xanh thẫm và vàng trong. Từ ô cửa nhìn xuống, mặt đất hiện lên như một bức tranh sơn dầu dưới những gợn mây, tràn trề sức sống và trải dài vô tận.

Ánh hoàng hôn nhuốm màu đỏ cam lên tất cả cảnh vật, hắt cả lên gương mặt đang kề cửa sổ của Kinh Hồng.

Chu Sưởng lặng lẽ nhìn sườn mặt phủ màu nắng ấm của Kinh Hồng.

Như viên ngọc trai trong đêm tối, lặng lẽ chờ người đến nhặt về.

Đương nhiên Kinh Hồng biết là Chu Sưởng đang nhìn mình, anh im lặng tỏ vẻ: “?”

Chu Sưởng bật cười: “Da sếp Kinh trắng như đèn ấy.”

Kinh Hồng: “…” So sánh gì kỳ cục.

Chu Sưởng lại hướng mắt ra ngoài cửa sổ rồi buông lời: “Khoảng thời gian làm cố vấn ở Mỹ tôi phải đi công tác rất thường xuyên.”

Kinh Hồng nhìn qua.

Chu Sưởng nói tiếp: “Một lần nọ, khi máy bay chuẩn bị cất cánh thì một người đàn ông da màu đang ngồi trong khoang máy bay đột nhiên tự cào cấu mặt mình, máu me be bét, chắc là có bệnh tâm thần. Các thành viên phi hành đoàn lo ngại người này có thể là một phần tử k hủng bố nên lập tức yêu cầu toàn bộ khách hàng rời khỏi để thực hiện kiểm tra đối với toàn bộ máy bay. Thời gian kiểm tra các thứ mất đến hơn bốn tiếng, đó là lần đầu tiên tôi qua đêm ở khách sạn sân bay.”

Dứt lời, Chu Sưởng lại dịch tầm mắt về, ánh mắt hai người khẽ chạm vào nhau.

“Chuyện như vậy…” Mắt nhìn trợ lý Đàm Khiêm đang ngồi đối diện cùng với hai người Chu Sưởng chếch bên, Kinh Hồng cũng chia sẻ trải nghiệm bị hoãn bay của mình, anh cười nói, “Lần đó là ở Argentina, máy bay đang từ từ nâng độ cao thì bất thình lình va phải một con chim. Nghe nói là nứt cả cửa kính nên phải hạ cánh khẩn cấp, cũng bị hoãn mất mấy tiếng đồng hồ.”

Chu Sưởng: “Nguy hiểm quá.”

“Thực ra cũng không có gì đâu.” Ánh mắt hai người lại chạm nhau, Kinh Hồng nhìn Chu Sưởng nói, “Đó cũng là lần đầu tôi gặp tình huống như vậy. Trường hợp đâm phải chim trời thường xảy ra khi máy bay cất hoặc hạ cánh, nhưng máy bay dân dụng có thể tích lớn nên có thể nhanh chóng điều chỉnh để hạ cánh xuống mặt đất.”

Chu Sưởng gật đầu: “Ra vậy.”

Im lặng một thoáng, Chu Sưởng lại hỏi: “Hai người đã ăn chưa? Tôi kêu phòng bếp chuẩn bị đồ ăn nhé?” Trên chuyên cơ này có cả phòng bếp.

“Không cần đâu.” Kinh Hồng đáp, “Chúng tôi đã ăn lót dạ trước khi lên máy bay rồi nên không đói.”

“Vậy có muốn uống gì không?” Chu Sưởng lại hỏi, “Tôi có vài chai rượu ngon, chỉ không biết sếp Kinh uống có quen không thôi.”

“Không cần phiền phức vậy đâu.” Kinh Hồng nói, “Cho tôi cốc nước đá là được, cảm ơn anh.”

Chu Sưởng lại quay sang hỏi trợ lý của Kinh Hồng: “Cậu Đàm thì sao?”

Đàm Khiêm đáp: “Cũng nước đá là được, cảm ơn Tổng Giám đốc Chu.”

Thế là Chu Sưởng trực tiếp kêu tiếp viên lấy bốn cốc nước đá.

Thật bất ngờ, tiếp viên trên máy bay riêng của Chu Sưởng không phải một cô nàng trẻ tuổi xinh đẹp mà là một người phụ nữ trung niên nhìn qua có vẻ dày dặn kinh nghiệm. Ở Trung Quốc, tiếp viên hàng không thường làm đến 35 tuổi, cùng lắm là đến 40 tuổi là điều chuyển vị trí làm việc. Kinh Hồng đoán người phụ nữ này hẳn là từng làm bên hàng không dân dụng.

Kinh Hồng uống vài ngụm rồi cầm cốc, đặt tay lên đầu gối, anh chợt lên tiếng: “Thực ra đã 20 năm trước rồi tôi chưa quay lại Trùng Khánh.”

“Ồ?” Chu Sưởng hơi bất ngờ, “Bảy tám năm nay ở Oceanwide anh cũng không tới Trùng Khánh lần nào sao?”

Kinh Hồng lắc đầu rồi nhìn Chu Sưởng: “Lạ là không.” Dứt lời, anh lại nhìn ra ngoài ô cửa, “Nhưng có lẽ vì được nhìn qua lăng kính tuổi thơ nên tôi có ấn tượng rất tốt đẹp với Trùng Khánh.”

Chu Sưởng chỉ nhìn anh chứ không nói gì, Kinh Hồng tiếp tục: “Bắc Kinh là vùng đồng bằng mà, Trùng Khánh thì đồi núi dày đặc, chỗ nào cũng lên lên xuống xuống xuống: lúc thì lên dốc lúc thì xuống dốc, lúc lên tầng lúc lại xuống tầng, thỉnh thoảng lại bắt gặp cầu vượt nối đường với đường hoặc nối các tòa nhà với nhau. Hồi ấy tôi thấy điều này rất mới mẻ, rất thú vị.”

Chu Sưởng gật đầu.

“Tôi từng ngồi trên thuyền dạo ngắm cảnh đêm Trùng Khánh.” Kinh Hồng nói tiếp, “Sông Gia Lăng, sông Dương Tử. Thuyền tham quan trôi hững hờ trên mặt sông, bên bờ Lưỡng Giang là các tòa nhà san sát nhau, ngợp trong ánh đèn điện, khung cảnh vô cùng đẹp mắt.”

“Ngồi thuyền đêm ở Lưỡng Giang Trùng Khánh à,” Chu Sưởng nói, “Cái này thì tôi chưa thử.”

Kinh Hồng nói với Chu Sưởng: “Trong trí nhớ của tôi thì thực sự rất đẹp.”

“Hồi anh còn nhỏ…” Chu Sưởng ngẫm nghĩ, “Hồng Nhai Động còn chưa được xây dựng mà phải không? Vậy bây giờ mọi thứ còn đẹp hơn nhiều.”

“Thật ư?” Kinh Hồng uống một ngụm nước đá, “Vậy nếu có cơ hội nhất định phải đi lại mới được.”

Một thoáng im lặng, Chu Sưởng lại hỏi: “Sếp Kinh còn nhớ gì nữa không? Về Trùng Khánh ấy.”

“Có chứ,” Kinh Hồng nở nụ cười, “Tôi nhớ là mình từng đến ăn một nhà hàng lẩu siêu đỉnh.”

“Ồ?” Chu Sưởng hỏi, “Là nhà hàng nào thế? Bây giờ có còn không?”

“Tên nó là ‘Nhà hàng đệ nhất Sơn Thành (*)’.” Trí nhớ của Kinh Hồng rất tốt. Anh nhìn Chu Sưởng rồi dùng ngón tay vẽ chữ “sơn” lên không khí, “Giờ nó có còn hay không thì tôi cũng không biết nữa.”

(*) Vì có một lượng lớn diện tích sườn đồi nên Trùng Khánh còn được gọi là “Sơn Thành”.

Chu Sưởng nghiêng người rút điện thoại ra: ” ‘Nhà hàng đệ nhất Sơn Thành’ đúng không?” Sau vài giây tìm kiếm, hắn nhướng mày, “Vậy mà vẫn còn này. Một nhà hàng lâu năm, là một trong những nhà hàng lẩu được đề cử nên tới khi đến Trùng Khánh.” Đây là máy bay tư nhân của Chu Sưởng nên wifi đã tự động kết nối từ trước.

Kinh Hồng gật đầu tán đồng: “Với chất lượng như vậy thì cũng phải thôi.”

Đang ngồi song song với nhau nên không thể cứ ngoái đầu nhìn nhau mãi được. Thế là Kinh Hồng và Chu Sưởng lúc thì nhìn trợ lý của mình, lúc thì bâng quơ ngó ra ngoài cửa sổ, thỉnh thoảng lại chạm mắt nhau, thỉnh thoảng lại quay sang nhìn nhau nói một hai câu rồi thôi.

Đàm Khiêm thấy bầu không khí giữa hai ông sếp lớn vô cùng vi diệu.

Trong giao tiếp xã hội thông thường, người ta thường nhìn vào dưới đôi mắt của người đối diện để tạo cảm giác dễ chịu, hoặc để khí thế hơn thì cùng lắm người ta chỉ nhìn vào mí mắt dưới của đối phương thôi. Nhưng Kinh Hồng và Chu Sưởng thì có thể là do đã quen làm kẻ bậc trên rồi nên cả hai đều nhìn thẳng vào mí mắt trên của người kia. Mắt đối mắt như vậy có thể gây ra bầu không khí căng thẳng, nhưng giữa hai người họ lại có một cảm giác rất hài hòa.

Chặng bay Bắc Kinh – Trùng Khánh thường kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ.

Suốt hành trình bay, hầu hết thời gian Kinh Hồng và Chu Sưởng đều như vậy, thỉnh thoảng lại nói chuyện phiếm một hai câu, thỉnh thoảng lại nhìn nhau một thoáng. Từ lúc hoàng hôn buông xuống cho đến khi trời đã đầy sao.

Họ nói về nhiều chủ đề khác nhau. Có lần khi máy bay đi vào một đám mây lớn, hai người còn nhắc tới cả bộ phim điện ảnh Bay Lên Trời Cao (*).

(*) Up in the Air (2009)

Lúc ấy Kinh Hồng đã hỏi Chu Sưởng: “Anh Chu có xem bộ phim Bay Lên Trời Cao chưa?”

“Tôi xem rồi.” Chu Sưởng trả lời, “Nội dung câu chuyện thì hơi nhạt nhẽo nhưng chủ đề được chọn để khai thác lại khá là sâu sắc. Tôi rất đồng ý. Tự do và ràng buộc là hai thứ con người hiện đại luôn mong muốn, nhưng bản thân nó lại là hai thứ mâu thuẫn. Cũng may là tôi không phải kiểu rất mong muốn có được ‘ràng buộc’.”

Bay Lên Trời Cao là bộ phim hài – kịch tính ra mắt năm 2009, được đạo diễn bởi Jason Reitman và do George Clooney đóng chính. Tác phẩm đã nhận được giải đề cử cho Bộ phim điện ảnh xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar năm sau đó. Bộ phim là câu chuyện về Ryan Bingham, một chuyên viên nhân sự. Ngày này qua năm khác, Ryan tất bật ở các sân bay lớn trên thế giới và bay khắp nơi để làm công việc của mình. Và rồi anh đã gặp được một người cũng “sống trên không trung” như mình. Từ đó trở đi, bên cạnh vali hành lý, anh có thêm một cô gái xinh đẹp để đồng hành trên những chuyến công tác. Cô gái này khiến anh muốn thay đổi cách sống của mình, anh muốn được ổn định, muốn có một gia đình. Cái kết của bộ phim này khá gây bất giờ, ấy là cô gái này đã có chồng con rồi. Tuy đã có gia đình, nhưng cô vẫn có lòng khát cầu tự do. Cuối cùng, Ryan lại tiếp tục bước lên chuyến hành trình của mình.

“Tôi cũng tán đồng.” Kinh Hồng nói, “Nhưng trong lòng cũng hy vọng hai thứ mong muốn này sẽ không mâu thuẫn nhau mãi.”

Liệu sẽ có một người vừa cho anh được trưởng thành, vừa cho anh được tự do?

Chu Sưởng bật cười, hắn nói: “Anh Kinh vẫn luôn nhìn thế giới một cách rất lý tưởng hóa.”

“Xin cảm ơn,” Kinh Hồng mỉm cười, “Cá nhân tôi cho rằng ‘lý tưởng hóa’ không phải một từ mang nghĩa xấu.”

Hai tiếng đồng hồ trông vậy mà trôi qua rất nhanh.

Khi cảnh đêm rực rỡ của Trùng Khánh dần hiện ra trong tầm mắt, suy nghĩ đầu tiên nảy lên trong đầu Chu Sưởng lại là: không nỡ lắm.

Một suy nghĩ rất lạ lùng, nhưng đúng là hắn không nỡ lắm.

Máy bay đã hạ cánh thành công.

Không biết có phải vì câu nói “Tối qua thấy tin có vụ rơi máy bay tư nhân ở Las Vegas, làm tôi sợ muốn chết.” của Chu Sưởng không mà khi bánh máy bay đáp xuống mặt đất, Kinh Hồng lại thực sự thở phào một hơi.

Tự nhiên anh lại nghĩ: Nghe nói vợ chồng nhà giàu thường không ngồi chung một chuyến bay, sợ lỡ có chuyện gì thì đi luôn cả đôi. Quản lý cấp cao của các doanh nghiệp trọng yếu cũng vậy, gần như không bao giờ bay chung một chuyến. Theo góc nhìn này thì việc anh và Chu Sưởng “nếu chết thì cùng chết” rất không hợp lẽ thường. Lỡ mà rơi thật thì Big 4 cũng bay luôn một nửa.

Kinh Hồng tháo dây an toàn rồi đứng lên, để lộ vóc người cao ráo. Chu Sưởng cũng đứng lên theo.

Chu Sưởng cười: “Hai tiếng đồng hồ không làm gì cả, chỉ ngồi không nhìn trời nhìn mây. Đây là chuyện ít nhất 20 năm rồi tôi chưa được trải qua, không nhớ nổi lần cuối được ung dung tự tại thế này là từ bao giờ rồi nữa.”

Đối với những người như họ, thứ quan trọng và quý giá nhất chính là “thời gian”.

Người nghèo luôn cố gắng đổi thời gian lấy tiền bạc, người giàu thì lại dùng hết tiền bạc để đổi lấy thời gian. Với người này, thời gian là vô giá, nhưng với người kia, thời gian lại chẳng đáng một xu.

Nghe Chu Sưởng nói vậy, Kinh Hồng nhớ lại rồi nhận ra mình cũng chẳng khác gì, vì vậy anh lịch sự đáp: “Tôi cũng vậy, nhưng khoảng thời gian ‘không làm gì cả’ này cũng được đấy chứ?”

“Đúng là rất được.” Chu Sưởng đút một tay vào túi, “Có câu thơ gì ấy nhỉ? Cùng tăng trò chuyện bên sân trúc?”

“Đúng rồi.” Kinh Hồng bất giác bật cười, tự nhiên nối tiếp nửa câu sau, “Trộm được phù sinh nửa ngày nhàn! (*)”

(*) Gốc là “Nhân quá trúc viện phùng tăng thoại, Thâu đắc phù sinh bán nhật nhàn”. Lý Thiệp sáng tác. Sakya Minh Quang dịch.

“Ừm.” Chu Sưởng nói, ánh mắt hắn chợt khóa trên đôi mắt Kinh Hồng, “Tôi của trước đây sẽ không thể ngờ được rằng, người cùng tôi trải qua khoảng thời gian ‘không làm gì cả’, ‘chỉ ung dung ngồi không’ duy nhất của đời mình lại là Tổng Giám đốc Kinh.”

Bị ánh mắt hắn nhìn chăm chú khiến tim Kinh Hồng đập cái thịch, tuy nhiên ngoài mặt anh vẫn tỏ ra điềm nhiên: “Chuyện này thì, tôi cũng không khác gì.”

Cửa khoang máy bay đã được mở ra, bên ngoài là gió của Trùng Khánh. Kinh Hồng kiểm tra lại đồ đạc cá nhân, đặc biệt là điện thoại và các tài liệu mang theo. Xong xuôi, anh bắt tay với Chu Sưởng để tạm biệt, và cũng là để nói lời cảm ơn một lần nữa: “Cảm ơn Tổng Giám đốc Chu đã cho chúng tôi đi nhờ chuyến này.”

“Không cần khách sáo.” Có lẽ vì sinh sống và làm việc ở Mỹ lâu năm nên Chu Sưởng đáp lại anh bằng một câu tiếng Anh, nhưng thực chất câu này lại không thông dụng ở Mỹ cho lắm, rằng, “It’s my pleasure.”


Mẹo: Bạn có thể sử dụng Trái, Phải, phím A và D để tới các chương.