Ngày thứ hai ở Jerusalem, khi Sầm Ni thức dậy, cô nhận ra Moger đã đổi ảnh đại diện.
Ảnh đại diện màu xám trước đây đã được thay thế bằng một bài thơ.
Chính xác hơn, bức ảnh này có vẻ như được chụp tại một góc triển lãm trong bảo tàng nghệ thuật nào đó.
Trên bức tường treo một tấm nền với những con sóng xanh thẳm, những dòng thơ tiếng Anh được in trên đỉnh những bọt sóng trắng:
“I do not love you as if you were the salt-rose, topaz or arrow of carnations that propagate fire.”
“I love you as certain dark things are to be loved, in secret, between the shadow and the soul.”
“I love you like the plant that does not bloom, but carries within itself, hidden, the light of those flowers.”
(Anh không yêu em như đá hoàng ngọc, hoa hồng, hoặc vẻ đẹp truyền lửa của hoa cẩm chướng
Anh yêu em như những bóng đêm bí ẩn, cần yêu nhau giữa bóng tối với linh hồn.
Yêu em như cây cỏ không nở hoa tưng bừng mà giấu ở trong mình ánh sáng từ hoa ấy.)
Sầm Ni nhớ những câu thơ này xuất phát từ bài Sonnet XVII về tình yêu của Pablo Neruda.
Cô không biết anh đã chụp chúng ở đâu và khi nào.
Nhìn những dòng thơ ấy, cô vô thức lẩm nhẩm trong lòng, cảm thấy tình yêu được diễn tả trong thơ quá đỗi sâu nặng. Nhưng lúc đó cô chưa bao giờ nghĩ trong tương lai mình lại có thể thực sự cảm nhận được tình yêu ấy một cách chân thực.
“Cenni.” Anna gõ cửa phòng cô, “Sẵn sàng chưa?”
“Ừ, mình xong rồi.” Sầm Ni vội vàng đáp lại, cất điện thoại và mở cửa cho cô ấy.
Trong hai ngày này, họ sẽ đến thăm một trường học có chương trình giảng dạy kết hợp giữa người Do Thái và người Ả Rập để khảo sát môi trường giáo dục của trẻ em, đồng thời quan sát xem có sự khác biệt trong cách đối xử giữa các chủng tộc khác nhau hay không.
Khách sạn mà họ đặt chỉ cách trường khoảng năm phút đi bộ.
Hôm qua Sầm Ni đã liên lạc với người phụ trách của trường, vì vậy khi họ đến cổng trường, có giáo viên ra đón và dẫn họ vào lớp học, ngồi ở hàng cuối cùng để tham gia buổi học cùng các em nhỏ.
Như một phần của nghiên cứu thực địa, trong quá trình học, họ sẽ quan sát và ghi chép lại diễn biến của lớp học và môi trường giảng dạy, sau đó tổng hợp thành tài liệu và ghi lại nhật ký thực địa.
Vào giờ ăn trưa sau tiết học buổi sáng, Sầm Ni và Anna đến nhà ăn, ngồi cùng các em nhỏ để dùng bữa và trò chuyện. Nội dung cuộc trò chuyện cũng được ghi lại như một phần của nghiên cứu. Nhiều em nhỏ chưa nói tốt tiếng Anh, chỉ biết một vài từ cơ bản, vì vậy các giáo viên trong lớp sẽ giúp họ phiên dịch tạm thời.
Sau giờ tan học buổi chiều, Sầm Ni và Anna phỏng vấn một số giáo viên trong văn phòng, chủ yếu là thu thập dữ liệu từ góc nhìn của giáo viên, sau đó tổng hợp và tóm tắt lại.
Hai ngày liên tiếp, họ thực hiện công việc tương tự, chỉ thay đổi đối tượng phỏng vấn, cho đến khi đến ngày thứ ba, họ đã phỏng vấn hết giáo viên và học sinh trong trường.
Khi ngồi trên xe buýt trở về, Anna hỏi Sầm Ni liệu có quen với việc lần đầu tiên đi làm khảo sát thực địa.
Sầm Ni gật đầu và nói mọi thứ rất tốt, không có gì vất vả.
Anna cười nói như vậy là tốt, vì trong hai tháng tới, họ sẽ phải di chuyển qua lại giữa Haifa và Jerusalem, sau đó họ sẽ phải đến Budaroya để thực hiện khảo sát thực địa, nên nếu cô không quen với công việc này thì có thể sẽ khó khăn hơn khi đến đó, vì ngôn ngữ chính thức ở Budaroya là tiếng Budaroya, tỷ lệ người nói tiếng Anh ở đó không cao bằng ở đây, lúc đó rào cản ngôn ngữ sẽ khiến mọi thứ càng trở nên phức tạp hơn.
Sầm Ni gật đầu, cho biết mình có thể tranh thủ khoảng thời gian này để chuẩn bị tốt hơn.
Ngày Moger trở về là vào tối thứ Sáu.
Hôm đó, Sầm Ni đang ngồi trong văn phòng để phân tích và tổng hợp số lượng lớn dữ liệu thực địa mà cô đã thu thập.
Anna đã tan làm từ sớm, khi mặt trời lặn, trong tòa nhà hầu như không còn ai, chỉ còn phòng của cô là vẫn sáng đèn.
Chiều hôm đó, khi làm việc, Sầm Ni đã bật chế độ không làm phiền trên điện thoại rồi để nó ở góc bàn, vì vậy khi cô tập trung vào việc viết lách, cô hoàn toàn không nhận ra màn hình điện thoại hiển thị cuộc gọi.
Moger đến tìm cô vào khoảng bảy giờ tối.
Hành lang rất yên tĩnh, Sầm Ni đang lật sổ tay, tập trung sắp xếp các ghi chép phỏng vấn, nhưng lại bị tiếng gõ cửa bất ngờ làm giật mình.
Cô ngẩng đầu lên đã thấy Moger đứng ở cửa, tay cầm bút của cô khựng lại.
Cô như ngẩn người trong chốc lát.
Anh mặc rất trang trọng, áo sơ mi và quần âu sạch sẽ và thanh lịch, có lẽ anh vừa tan làm và vội vàng đến đây.
“Sao vậy, mấy ngày không gặp mà không nhận ra anh nữa à?” Giọng nói của anh vẫn lười biếng như thường lệ, nhưng lại chứa đựng sự vui vẻ.
“Sao anh đến đây?” Sầm Ni không ngờ anh lại đến tìm cô ở văn phòng, giọng cô có chút ngạc nhiên, nhưng đôi mắt cô ánh lên niềm vui mà chính cô cũng không nhận ra.
“Gọi điện cho em không nghe, đến căn hộ của em cũng không thấy ai, nên anh đành phải đến đây tìm.” Moger nhếch môi, bước đến bên bàn làm việc của cô, hai tay chống lên bàn, cúi xuống định hôn cô.
Sầm Ni vừa kịp quay đầu lại, vừa cầm điện thoại vừa nói, “Em quên mất—”
Đôi môi của anh chạm vào, ngăn cô nói tiếp.
Nụ hôn thoáng qua dường như không đủ để xua tan nỗi nhớ nhung, Moger bế cô từ ghế ngồi lên bàn rồi ôm chặt cô vào lòng, tiếp tục hôn sâu.
Anh dùng đầu gối tách hai chân cô ra, áp sát cơ thể mình vào cô, tay anh vẫn giữ lấy eo và lưng cô để đỡ cô.
Có lẽ vì vẫn đang ở trong khuôn viên trường, Sầm Ni cảm thấy không thoải mái trước sự nồng nhiệt quá mức của anh nên đã đẩy anh ra.
Do bị anh hôn đến mức thiếu oxy, giọng cô trở nên không ổn định, “…Đừng ở đây.”
Nghe giọng cô mềm mại, Moger bật cười và ôm chặt cô hơn, một tay vẫn ôm lấy cổ cô, “Chỉ hôn một chút thôi cũng không được à?”
Sầm Ni nhăn mặt, hiếm khi tỏ ra trẻ con và tranh cãi với anh, “Đây mà là một chút sao?”
Moger không trả lời, chỉ cười và vuốt má cô rồi hỏi, “Xong việc chưa, đi ăn tối nhé?”
“Gần xong rồi, để em dọn dẹp một chút.”
Cô nhảy xuống từ bên cạnh, gập máy tính lại rồi bỏ mọi thứ vào túi xách.
Khi xuống tới tầng dưới, Sầm Ni thấy một chiếc xe Jaguar SUV màu trắng đỗ bên đường.
“Xe của anh đâu?” Cô hỏi.
Chỉ có chiếc xe này, không có chiếc nào khác, khiến cô bối rối.
“Chính là chiếc này.” Moger bấm chìa khóa mở xe, đèn của chiếc SUV màu trắng đó nhấp nháy.
“Sao anh lại đổi xe nữa rồi?”
Dù biết anh không phải là cậu ấm bình thường, nhưng tốc độ đổi xe thường xuyên như vậy vẫn khiến cô kinh ngạc.
Hơn nữa, chiếc xe này lại là màu trắng, kiểu dáng nhỏ, khác hẳn với phong cách thường ngày của anh. Hầu hết xe của anh đều là màu đen tuyền, anh có vẻ thích những dòng xe mạnh mẽ và cứng cáp hơn.
Vì vậy, việc thấy anh lái chiếc xe này hôm nay khiến cô rất bất ngờ.
“Hôm nay em lái xe.” Moger ném chìa khóa xe cho cô, ra vẻ giao nhiệm vụ.
Sầm Ni liếc nhìn anh, nhưng anh đã bước tới vị trí lái xe, mở cửa xe cho cô.
“Anh muốn xem tay lái của em thế nào.” Anh mỉm cười, tựa người vào cửa xe.
Vừa lên xe, Sầm Ni đã ngửi thấy một mùi hương dễ chịu, giống như mùi hoa nào đó, thanh nhã và thơm ngát.
“Thơm quá.” Sầm Ni nhìn quanh xe, không thấy chai nước hoa hay bình xịt nào đặc biệt, quay lại nhìn ghế sau cũng không thấy gì.
“Xe này sao lại thơm vậy nhỉ?” Cô lại hít mũi, quay sang hỏi Moger: “Anh có ngửi thấy không?”
“Có à?” Anh nhướn mày, giọng lơ đãng: “Không ngửi thấy.”
“Thôi vậy.” Sầm Ni nhún vai, ngồi thẳng dậy, hai tay đặt lên vô lăng, “Về biệt thự nhé?”
Hôm nay là thứ Sáu, mặt trời đã lặn và một tuần lễ Sabbath lại bắt đầu. Hầu hết các nhà hàng và cửa hàng đều đã đóng cửa, nên Sầm Ni đề nghị, “Hay em về nấu món Trung cho anh nhé?”
“Anh muốn ăn không?”
Moger quay sang vuốt nhẹ tóc dài của cô, “Được thôi, chỉ cần là em nấu thì anh đều thích.”
“Chưa ăn mà anh đã thích rồi? Tay nghề của em anh cũng biết đấy, hay bị hỏng lắm.” Sầm Ni vừa nói vừa khởi động xe.
Nhưng nghĩ kỹ lại, có vẻ như mỗi lần cô vào bếp, anh đều ăn rất nghiêm túc và hài lòng, ăn xong còn ôm cô khen ngợi. Mỗi lần như vậy, cô chỉ biết cảm thông cho anh, nghĩ chắc anh chưa từng ăn thử món Trung Quốc nào chính thống và thật sự ngon, vậy nên mới thấy món cô nấu là ngon.
“Em lái xe quen không?” Khi xe đi vào hầm Carmel, Moger bỗng hỏi.
“Hả?” Sầm Ni nhìn về phía trước, ánh sáng từ đèn đường trong hầm không quá sáng, có phần mờ nhạt, cô chăm chú nắm vô lăng, “Cũng tạm.”
Nói xong, bầu không khí có phần im ắng, Sầm Ni bỗng nhớ tới việc anh thay đổi ảnh đại diện, nên liền khen ngợi: “Ảnh đại diện của anh đẹp lắm.”
“Anh tham khảo từ em đấy.” Moger mỉm cười, “Không biết dùng gì làm hình đại diện nên chụp tấm gần giống với ảnh của em.”
“Tham khảo từ ảnh của em?” Sầm Ni liếc nhìn anh một cái.
Ảnh đại diện của cô được chụp cách đây vài năm tại một viện bảo tàng nghệ thuật, nơi đang triển lãm một tác phẩm của cha mẹ cô cùng với bản phác thảo thiết kế. Đó là một chiếc trâm cài lông vũ hình đám mây, được lồng khung trên một phông nền đen và treo trên tường, vì vậy cô đã chụp lại tác phẩm đó.
Trong bức ảnh, ánh đèn vàng ấm chiếu hẹp vào góc phải dưới, tập trung vào phần giới thiệu chữ viết, nơi ghi tên của chiếc trâm cài và ý tưởng sáng tạo. Cô đã lấy góc này làm ảnh đại diện, từ đó đến giờ chưa bao giờ đổi.
“Hôm đó trên đường đến công ty, anh nhìn qua cửa sổ xe thấy ở Munich có triển lãm nghệ thuật và văn học của Neruda, nên xuống xe dạo một vòng, thấy bài thơ này nên đã chụp lại.” Moger tựa người vào ghế phụ, một tay chống lên cửa sổ và giải thích với cô.
Giọng nói của anh vang lên rõ ràng trong đường hầm núi yên tĩnh và dài. Sầm Ni bỗng dưng nghĩ vu vơ, liệu có phải hai người họ đã vô tình có cùng ảnh đại diện đôi không?
Cô chưa kịp nghĩ thông suốt, xe ra khỏi hầm thì gặp ngay một trạm kiểm tra an ninh. Những người lính làm nhiệm vụ ra hiệu cho họ dừng xe vào lề.
Ở Israel thường gặp những trạm kiểm tra an ninh như thế này, với các binh lính cầm súng thực hiện kiểm tra. Khi gặp trạm kiểm tra, thường chỉ cần giảm tốc độ và đi qua, nhưng lần này họ bị yêu cầu dừng lại để kiểm tra giấy tờ.
Sầm Ni dừng xe và hạ cửa sổ xuống, nhận lấy giấy tờ mà Moger đưa.
Người lính mặc đồng phục rằn ri màu xanh lá cây, trước ngực đeo một khẩu súng, tiến đến bên xe của họ: “Cô vui lòng cho xem giấy tờ.”
Sầm Ni đưa giấy tờ qua, người lính xem qua rồi đối chiếu với khuôn mặt cô, sau đó trả lại, “Xong rồi, cô có thể đi tiếp.”
“Cảm ơn.” Sầm Ni gật đầu, chuẩn bị kéo kính lên, nhưng lại nghe thấy người lính vốn nghiêm nghị bỗng cười và nói: “Xe của các bạn thơm quá.”
Sầm Ni hơi sững người, nhưng chưa kịp nói gì, người lính đã đi sang xe khác.
“Thấy chưa, người ta cũng ngửi thấy mà.” Sầm Ni khởi động lại xe, vừa quay sang nói với Moger.
Moger chỉ cười mà không nói gì.
Khi trở về biệt thự ở khu vực người Đức, Sầm Ni đỗ xe xong thì bị Moger gọi lại.
Anh đứng ở sau xe, bấm mở cửa cốp.
Sầm Ni đi vòng ra sau, thấy anh đứng dưới ánh đêm với vẻ bí ẩn, gương mặt dịu dàng lại mang chút ý tứ khó tả.
“Có chuyện gì vậy?” Cô đưa chìa khóa xe cho anh và hỏi.
Moger giơ tay nhận lấy, sau đó nhấc cằm lên, Sầm Ni theo hướng nhìn của anh, đột nhiên sững sờ.
Trong cốp xe bày đầy một dải oải hương xanh tím… Thảo nào xe lại thơm đến vậy.
Giữa mùa hè ở Israel mà lại có oải hương sao.
Lúc cô còn đang ngỡ ngàng thì Moger đã kéo cô vào lòng, giọng nói nhẹ nhàng, “Chẳng phải em muốn ngắm oải hương mà không ngắm được à?”
Sầm Ni thấy mũi mình cay cay. Khi đó họ không kịp mùa oải hương ở miền Nam nước Pháp, giờ anh đã bù lại cho cô.
Cô vẫn còn nhớ rõ nỗi tiếc nuối khi rời khỏi vườn nho, những điều cô tưởng là tiếc nuối trong hành trình như một phần thường thấy của cuộc đời, những điều mà cô nghĩ đã bỏ lỡ, dường như đều được anh lặng lẽ bù đắp lại.
“Bây giờ đang là mùa hoa.” Anh nói, “Anh đã mang cả cánh đồng oải hương đến cho em.”
“Còn nữa.” Anh tiện tay ném luôn chìa khóa xe vào biển hoa tím đó, nhẹ nhàng nói, “Chiếc xe này cũng là của em, giao thông công cộng không đúng giờ, sau này không cần phải chờ nữa.”
_
Credit thơ đã dịch: pablonerudavn.blogspot.com (Pablo Neruda – Thơ và Hồi Ký)