Phần A: Ngao Du Biển Bạc
CHƯƠNG 61: “TRƯỚC KIA, NIỀM VUI CỦA EM QUAN TRỌNG HƠN TẤT THẢY.”
Edit: Mordred
Beta: V
Khâu Thanh không thích hồi ức về khoảng thời gian Văn Hựu Hạ không ở bên mình.
Xét cho cùng, thật ra bọn họ chia xa chưa đến bốn năm. Nhưng trong hơn một ngàn ngày đêm ấy, mỗi hai tư giờ đều dài ra vì cô độc, như thể đã lãng phí cả nửa đời.
Cậu cho rằng sự đau khổ ấy chỉ đến từ bản thân, song giờ mới lờ mờ nhận ra dường như Văn Hựu Hạ cũng vậy.
“Thế sao anh không trở lại Đông Hà?” Khâu Thanh nói, không phân biệt được mình đang than thở hay tiếc nuối: “Anh trở về Đông Hà, tìm em, chúng ta lại…”
Cậu không thể tiếp lời. Văn Hựu Hạ ngồi rất gần cậu, nhưng cảm tưởng như cái vách ngăn trong suốt ấy lại xuất hiện.
Đôi mắt Văn Hựu Hạ mãi trong vắt mà yên ả, sự tuyệt vọng chỉ nán lại vài giây, rồi anh nói: “Hồi đầu anh chủ yếu sống ở Hương Lĩnh, suốt mấy tháng quanh quẩn trong phòng không ra khỏi cửa, không biết ngày đêm. Sau này chủ nhà giới thiệu cho anh một công việc ở nhà máy vĩ cầm trong thị trấn.”
Hương Lĩnh chỉ là một thị trấn nhỏ mọc lên giữa vùng đất phương nam bát ngát, phía Tây là núi rừng, phía Nam là dòng sông và đập chứa nước. Văn Hựu Hạ nhớ lại những chuyện xảy ra ở nơi ấy mà vẫn cảm giác không quá chân thực.
Anh ngơ ngác mang theo vài bộ quần áo để thay và chút tiền mặt ra ga tàu cũ, trong thoáng chốc quay ngược thời gian lại hai mươi năm. Thị trấn cũ mà yên tĩnh, số người sinh sống lâu dài không nhiều, thanh niên lại càng ít hơn. Văn Hựu Hạ tìm đại một nơi đề biển có phòng cho thuê. Ấy là một căn nhà tự xây ngoài rìa thị trấn, mặt tiền đã cho thuê làm cửa hàng, xuyên qua hành lang chật hẹp là dãy phòng nhỏ trên tầng, giống nhà của anh và Khâu Thanh, song lại đơn sơ hơn. Anh đã dừng chân ở đây.
Lúc bắt đầu chỉ toàn đau khổ, thời gian không thể chữa lành cho anh, chỉ khiến anh ép bản thân mình chôn sâu quá khứ để có thể bước ra khỏi phòng. Văn Hựu Hạ biết có lẽ mình đã hỏng bét rồi, có lẽ còn dính thêm vấn đề sức khỏe nên được ngày nào qua ngày ấy, sau quãng thời gian giam mình thật lâu anh còn bị chướng ngại giao tiếp nữa.
Làm việc ở nhà máy vài tháng không kiếm được đồng nào, anh cũng không học được cách sửa một cây đàn đã gãy.
Anh cứ nghĩ bản thân sẽ nán lại ở Hương Lĩnh rất lâu, chờ đến khi chán ngán việc đi sớm về trễ lặp lại liên tục này thì sẽ rời đi, tìm một chỗ hoang tàn vắng vẻ, cứ vậy thực hiện lời hứa “không gặp lại Khâu Thanh”.
“Sau đó Văn Hạo Khiêm đến Hương Lĩnh tìm anh.” Văn Hựu Hạ nói, khẽ nhíu mày: “Anh vốn đã đổi số rồi, không biết cậu ta tìm được bằng cách nào, có lẽ vì anh dùng số cũ đặt vé tàu rồi hóa đơn gửi đến nhà bọn họ, thầy Văn bảo cậu ta đi. Tự cậu ta ngồi tàu đến, gõ cửa từng nhà để gọi anh về cùng, vì thầy Văn đổ bệnh.”
Khâu Thanh “chậc” một tiếng: “Mắc bệnh thì chữa đi, ông ta không có lương hưu chắc!”
“Ung thư trực tràng.” Văn Hựu Hạ nói.
Khâu Thanh bỗng dừng phàn nàn.
“Không phải thời kỳ cuối, vẫn có thể chữa được.” Văn Hựu Hạ nói nhiều đến mức miệng đắng lưỡi khô, nhìn ly sữa Khâu Thanh uống không hết, tuy đã nguội ngắt nhưng anh vẫn bưng lên uống hết không chút chần chừ: “Phẫu thuật cần mấy chục nghìn, hồi đó Văn Hạo Khiêm vẫn là học sinh tiểu học, nghe thấy “ung thư” đã sợ cuống cuồng. Cậu ta ngồi tàu ba ngày, lúc thấy anh còn không nói được một câu tử tế, cứ khóc không ngừng… Anh cũng không có cách nào.”
Đúng như Bạch Diên Huy nói, những người quen Văn Hựu Hạ đều hiểu rõ anh hay nghĩ tốt cho mọi người. Trong tình huống ấy, nếu anh thật sự cứng rắn mặc kệ thì lại chẳng phải anh.
Khâu Thanh cố nuốt xuống câu nói “sự nhẹ dạ của anh sớm muộn gì cũng đem lại chuyện xấu” – dù sao bây giờ anh đã phân rõ giới hạn với hai ông cháu kia rồi, câu mắng đến miệng đổi thành: “Anh trở về Đông Hà rồi sao nữa? Bệnh ung thư có đỡ hơn không?”
“Không muộn, vẫn may.” Văn Hựu Hạ véo mình một cái: “Sau ca phẫu thuật, thầy Văn muốn cho Văn Hạo Khiêm đến Nam Kiều học cấp hai.”
“Rồi mấy người đi Nam Kiều.”
“… Ừ, cho đến năm nay.”
“Điều kiện kia thì sao?” Khâu Thanh hỏi đột ngột: “Anh nói anh và ông ta đã nói chuyện xong rồi, nhưng ông ta sẽ buông tha anh dễ dàng vậy sao? Thầy Văn đã bảy mươi tuổi rồi, hiện tại còn bệnh không dậy nổi, trước kia anh có thể bấm bụng chịu đựng, mà giờ đã cắt đứt quan hệ với bọn họ. Tính cách Văn Hạo Khiêm cực đoan như vậy, nhỡ xảy ra chuyện phải làm thế nào?”
Trước đây, một chuỗi câu hỏi của cậu cũng có thể khiến Văn Hựu Hạ choáng váng. Rốt cuộc cậu đã hai tư, hai lăm, chẳng phải người bề ngoài có vẻ phong phú kinh nghiệm sống mà trống rỗng bên trong, bản thân cậu đã suy tư nghiêm túc từ lâu.
“Tiền em cho anh mượn, thêm cả tiền tiết kiệm mấy năm nay của anh, tổng lại cũng được hơn tám vạn, anh cho Văn Hạo Khiêm hết. Bây giờ không phải cấy ghép hay làm can thiệp gì, thêm vào số tiền hồi trước… sau này cậu ta muốn phẫu thuật thì tự làm, không làm thì giữ lại. Cậu ta không nợ ai, nhà là của mình, thầy Văn còn có lương hưu, bảo hiểm, cũng đủ chi trả hết ba năm cấp ba. Mà sau khi thầy Văn phẫu thuật lần này, ít nhất sẽ không trở nặng trong suốt năm năm, cho dù ông ấy…” Văn Hựu Hạ dừng lại một thoáng: “Đến lúc đó, Văn Hạo Khiêm cũng lên đại học rồi.”
Hai từ cuối được Văn Hựu Hạ kéo dài, ẩn ý bên trong là “lên đại học đã có thể tay làm hàm nhai, bản thân anh cũng vậy”, mà anh cũng đã tính toán hết lòng cho bọn họ.
Đối với Khâu Thanh, từ đầu chí cuối anh không có ý định để gia đình trở thành gánh nặng của cậu.
Buổi chiều, Cố Kỷ trở lại từ cửa hàng miễn thuế, ba người cùng ra ngoài ăn cơm.
Vịnh Á là một trong số các thành phố nhiệt đới ít ỏi trong nước, đồ ăn có hương vị tương tự vùng Đông Nam Á với cà ri canh, tomyum, xôi xoài và hải sản tươi sống.
Anh ta chọn đại một nhà hàng có thể vừa ăn vừa ngắm thành phố, hai người đều không hẹn mà cùng im lặng.
“Sao thế, không hợp khẩu vị à?” Cố Kỷ lật thực đơn: “Thanh đạm, tươi sống, không bị lạnh, giữa trưa không uống rượu, cậu ăn được hết mà Khâu Thanh.”
Khâu Thanh lấy tay đỡ trán, nhắc anh ta: “Văn Hạ dị ứng hải sản.”
Cố Kỷ: “…”
Anh ta hoàn toàn quên mất chuyện này.
Thấy anh ta lúng túng, Văn Hựu Hạ lại rất hiểu chuyện: “Không sao, cậu cứ gọi món hai người thích đi, tôi ăn tạm cũng được.”
Cố Kỷ bảo vậy sao được, gạch bớt vài món để thêm những đồ anh có thể ăn.
Bữa cơm này trôi qua một cách yên bình. Thỉnh thoảng Khâu Thanh nhận ra Cố Kỷ đang đảo mắt giữa cậu và Văn Hựu Hạ, có lẽ đang trộm nhìn hành động của bọn họ để tìm kiếm một dấu hiệu làm hòa. Tiếc rằng chiếc bàn hình chữ nhật, ba người bọn họ mỗi người chiếm một góc, Cố Kỷ chẳng thể tìm được dấu hiệu mình muốn.
Đạo diễn Trương phụ trách bọn họ đã liên lạc với Khâu Thanh sau bữa cơm, song không để giục cậu quay lại làm việc mà chỉ an ủi, khuyên cậu nghỉ ngơi. Anh ta bị trạng thái hôm qua của cậu dọa phát sợ, coi như đã hiểu lời đồn Khâu Thanh “sức khỏe không tốt”.
Mùa đông ở Vịnh Á là mùa du lịch phát triển, suốt đường từ nhà hàng về khách sạn, bọn họ thấy không ít du khách. Chụp ảnh cưới, du lịch cùng gia đình, đi nghỉ dưỡng, những con người ăn mặc rực rỡ đi trên con đường với những cây dừa cao vút hai bên.
Cố Kỷ kiếm một cái cớ sứt sẹo như “à, tôi đi tìm quà về cho bố mẹ” để chuồn đi. Trông anh ta nhập vai quá, lúc anh ta vắt chân chạy đi Khâu Thanh còn nghe thấy Văn Hựu Hạ bật cười.
“Giờ chúng ta đi đâu?” Cậu hỏi: “Anh muốn bơi không?”
Văn Hựu Hạ lắc đầu: “Anh có thể đi dạo trên bờ biển cùng em.”
Lúc anh cất lời, ánh mắt chăm chú quá, khiến Khâu Thanh cảm thấy người trước mặt đã dần khớp với dáng hình hai mốt tuổi trong đêm mưa năm nào, ấy là khí chất độc nhất thuộc về Văn Hựu Hạ, không có tang thương, cũng không bị cuộc sống đè ép như sau này.
“Được, vậy thì đi thôi.”
Con đường ven biển uốn lượn, cảnh tượng nhiệt đới khác một trời một vực so với Đông Hà.
Biển Đông Hà rộng lớn, vắng vẻ bất kể đông hè, những con thuyền phía xa chỉ là những chấm nhỏ màu rỉ sét, những rạn đá ngầm lạnh lẽo rắn rỏi, dù có ráng chiều cũng chỉ tôn lên khí chất huy hoàng mà cô độc ấy. Cậu và Văn Hựu Hạ thường ngồi ngắm biển cả buổi trưa, soạn những giai điệu ngẫu nhiên trong đầu thành điệu hát. Có mặt trăng, có sao trời, nhưng biển Đông Hà vẫn chẳng thêm lãng mạn.
Vịnh Á trái ngược hẳn với Đông Hà, khung cảnh nơi đây phù hợp một cách hoàn hảo cho “chân trời góc bể” trong tưởng tượng với bãi cát vàng óng, gió biển dịu dàng và ánh nắng rực rỡ không tắt. Mở mắt thấy màu sắc rực rỡ ấy đã gột rửa được phần lớn phiền não trong đầu.
Khâu Thanh đã quá tuổi xông vào những cơn sóng, nhưng khi thấy bãi biển vẫn không nhịn được vui v trong lòng. Cậu cởi giày, đạp lên nền cát ấm áp, để lại một hàng dấu chân nghiêng ngả.
Văn Hựu Hạ bước trên đường dành cho người đi bộ, cao hơn khoảng 20 cm, chênh lệch chiều cao giữa bọn họ càng bị kéo dãn.
“Dạo này anh đã kể rất nhiều chuyện của mình.” Khâu Thanh đá cát, bóng dừa phủ lên người khiến buổi chiều không còn quá nóng bức: “Em vốn nghĩ, hay mình cũng kể cho anh chuyện của em, thẳng thắn để thấu hiểu lẫn nhau.”
Văn Hựu Hạ đã nghe Cố Kỷ kể một phần, anh muốn nói lại thôi.
“Nhưng những thứ đó nói ra chỉ thêm phiền não, chuyện quan trọng nhất em học được trong mấy năm qua là nhìn về phía trước. Hồi trước cảm thấy lời này đúng là dối trá ra vẻ, đứng ở nơi cao chỉ trỏ vào nỗi khổ của người khác, mà bây giờ lại nghĩ, đúng thật. Lúc nhìn về phía trước, ném lại tất cả những thứ đã qua sẽ thoải mái hơn nhiều.” Khâu Thanh ngẩng đầu lên, mắt nhìn Văn Hựu Hạ chăm chú: “Anh nhìn anh đi, mắc kẹt ở quá khứ lâu đến vậy, đến giờ mới… Thật ra em rất vui cho anh.”
Những lời này của cậu hoàn toàn xuất phát từ nội tâm, cũng có chút suy nghĩ không thiết thực, rằng nếu bốn năm trước anh như vậy, có thể chúng ta đã không phải chia xa lâu đến thế.
Khâu Thanh nghĩ, rốt cuộc cậu vẫn quá, quá để tâm đến quãng thời gian đã mất.
Khoảng thời gian bọn họ chia ly còn dài hơn những ngày tháng bên nhau.
Đi được một đoạn, tránh khỏi đám đông như nêm cối.
Văn Hựu Hạ vẫn luôn suy nghĩ kĩ càng trước khi bộc lộ điều gì, anh níu lấy cánh tay Khâu Thanh, đột ngột quay lại chủ đề quá khứ: “Nhưng trước hết phải biết mình muốn cái gì, phải bỏ đi cái gì mới có thể nhìn về phía trước.”
“Vậy à.” Những ngón chân vùi trong cát của Khâu Thanh khẽ run: “Thế anh muốn gì?”
Bọn họ lại cẩn thận thăm dò, rất muốn ôm lấy đối phương thật nhanh nhưng lại sợ đụng phải những vết thương chưa lành.
Bầu trời bỗng có phần âm u, bóng mây lướt qua những đám bọt biển.
“Anh muốn biết tất cả về em.” Văn Hựu Hạ nói: “Khâu, anh không đồng ý việc buông bỏ tất cả quá khứ, anh cũng không làm vậy. Nếu anh vứt bỏ mọi thứ, hiện tại anh đã không ở đây.”
Khâu Thanh cau mày thật chặt: “Anh lại muốn cãi nhau à?”
“Không cãi nhau, chúng ta học cách nói chuyện bình thường được không?” Văn Hựu Hạ ngồi xuống nền gạch xanh cho người đi bộ, việc ấy khiến tầm mắt của anh thấp hơn Khâu Thanh: “Trước kia anh cũng suy nghĩ nhiều, nhiều chỗ trái ngược hẳn so với em, nhưng… anh không nói ra, vì xét cho cùng nó không phải điều tiên quyết, niềm vui của em quan trọng hơn tất thảy.”
Khâu Thanh nghẹn lời, cậu không ngờ lại có thể nghe thấy Văn Hựu Hạ thổ lộ trong tình huống này, rằng “niềm vui của em quan trọng hơn tất thảy”.
Văn Hựu Hạ nhìn Khâu Thanh từ dưới, cặp đồng tử đen láy ấy được ánh mặt trời chiếu vào, khảm lên một vòng màu vàng nhạt: “Sau này anh mới nhận ra mình đã sai, cho dù em muốn cãi vã, chiến tranh lạnh hay gì khác, chúng ta đều có thể ngồi lại nói rõ ràng. Ầm ĩ lâu như vậy mà chúng ta vẫn né tránh nói về nó.”
“Anh lại muốn nói chúng ta không hợp sao?” Khâu Thanh rũ mắt: “Em không muốn nghe.”
Văn Hựu Hạ biết câu nói ấy tàn nhẫn và làm cậu tổn thương thế nào. Anh giữ chặt lấy cổ tay Khâu Thanh, suy nghĩ một hồi rồi nắm cả hai tay đối phương trong tay mình, quơ quơ như dỗ dành động vật nhỏ: “Thật ra còn nửa câu sau nữa.”
“Là gì?”
Văn Hựu Hạ nhận ra ngón tay Khâu Thanh đang co lại như một loại phản ứng kích thích, dù cậu khống chế rất tốt, vẻ mặt không biến sắc chút nào nhưng anh vẫn có thể phát hiện lỗ thủng ấy.
Anh mở bàn tay Khâu Thanh ra, ánh sáng buổi đêm le lói. Từ sau khi biết những chuyện cậu đã làm, Văn Hựu Hạ không nhịn được muốn vuốt ve lòng bàn tay cậu.
Ngoài chỉ tay ra không còn sẹo hay dấu vết nào, nhìn thoáng qua như thể đã hoàn toàn lành lặn.
Nhưng Văn Hựu Hạ biết, bọn nó vẫn còn lưu lại trong lòng Khâu Thanh.
“Kể cho anh tất cả những thứ em vứt bỏ, những điều em trải qua, anh sẽ cho em biết nửa câu sau.”
Bàn tay ấy lập tức rụt về.
Khâu Thanh nói vô cùng kiên quyết: “Không muốn.”